Những vấn đề đặt ra khi sắp xếp điểm trường, lớp học

- Những năm học vừa qua, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố tiến hành rà soát và sắp xếp lại các điểm trường, lớp học cho phù hợp, bảo đảm sử dụng hiệu quả hơn nguồn lực, nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn còn rất nhiều điểm trường lẻ, đây là trở ngại trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Do đó cần có thời gian để tiến hành sắp xếp theo lộ trình cụ thể, không để nảy sinh những bất cập trong quá trình thực hiện.

Khó khăn khi thực hiện dồn ghép điểm trường

Thực hiện Quyết định số 291/QĐ-UBND, ngày 31-8-2017 của UBND tỉnh, đến hết năm học 2020 - 2021 toàn tỉnh đã sắp xếp giảm được 309 điểm trường lẻ. Trong đó, mầm non 196 điểm, tiểu học 112 điểm, THCS 1 điểm. Nhờ việc sắp xếp lại điểm trường, lớp học đã giúp tập trung cơ sở vật chất, giáo viên để tổ chức các hoạt động, dạy học hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, toàn tỉnh vẫn còn hơn 800 điểm trường lẻ. Còn nhiều điểm trường lẻ là một trong những hạn chế đã được ngành Giáo dục tỉnh chỉ ra, song giảm điểm trường lẻ là một việc làm khó đòi hỏi phải có sự chuẩn bị chu đáo để không gây xáo trộn và nhận được sự đồng tình của người dân, phụ huynh. Việc dồn ghép điểm trường phải được ưu tiên ở những nơi mà cơ sở vật chất điểm trường chính, trường trung tâm đáp ứng được hoặc những nơi giao thông đi lại thuận tiện, từ điểm trường chính đến điểm trường lẻ không cách quá xa.

Nhân viên bếp ăn Trường Mầm non Sơn Nam (Sơn Dương) chuyển đồ ăn trưa cho trẻ tới các điểm trường lẻ.

Thực tế, tại nhiều địa phương trong tỉnh, có nhiều điểm trường lẻ ở khá xa trường chính và đường đi lại rất khó khăn. Do vậy việc sắp xếp điểm trường lẻ được xây dựng trong lộ trình về lâu dài và chưa thể làm ngay được. Huyện vùng cao Na Hang hiện nay còn 114 điểm trường lẻ ở các thôn khó khăn, đường đi lại hiểm trở, qua suối, có những điểm trường cách trung tâm xã đến gần 20 km như điểm thôn Nà Chao, xã Năng Khả, hay có những điểm từ trung tâm xã phải đi bộ mất 1,5 đến 2 giờ đồng hồ như Trung Phìn, Khuổi Phìn, xã Sinh Long...

Đồng chí Hoàng Anh Tuấn, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Na Hang cho biết, thực hiện chủ trương sắp xếp lại điểm trường, từ năm học 2017 - 2018 đến hết năm học 2020 - 2021, toàn huyện đã giảm được 36 điểm, vượt 3 điểm so với kế hoạch. Trong năm học 2021 - 2022, huyện phấn đấu giảm 5 điểm trường lẻ, việc giảm điểm trường lẻ là việc khó song huyện quyết tâm thực hiện nhằm cơ cấu, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên cho phù hợp, tiến tới mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục.    

Một trong những khó khăn trong việc dồn ghép các điểm trường lẻ về trường chính là cơ sở vật chất tại các trường chính, trường trung tâm chưa đủ, nếu dồn về sẽ gây áp lực, vượt quá số học sinh theo quy định/lớp. Hiện nay, tỷ lệ phòng học kiên cố ở các cấp học trên địa bàn tỉnh mới chỉ đạt 57,9%, trong khi đó bình quân của khu vực là 70%, của cả nước là 80%. Cùng với đó, đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học cũng còn thiếu. Trong khi nguồn lực đầu tư của Nhà nước có hạn thì việc tăng cường huy động xã hội hóa là rất quan trọng nhưng ở những vùng khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao điều này khó có thể thực hiện được.

Giảm điểm trường phù hợp với thực tế

Thực tế cho thấy, việc sắp xếp điểm trường hợp lý đã giúp tập trung cơ sở vật chất, giáo viên, chất lượng dạy học được nâng lên. Do vậy chủ trương sắp xếp lại điểm trường là phù hợp với giai đoạn hiện nay. Cô giáo Ma Thị Viên, Hiệu trưởng Trường Mầm non Bình An (Lâm Bình) cho biết, trong 2 năm học gần đây, nhà trường đã dồn được 2 điểm trường lẻ về điểm trường chính. Nhờ đó đã tập trung được giáo viên, chất lượng nuôi dạy trẻ được nâng lên, tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo ra lớp đạt 100%.

Tháng 7-2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 119/KH-UBND sắp xếp lại trường, điểm trường, lớp học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, mục tiêu nhằm đảm bảo quy mô điểm trường, lớp học của các nhà trường sau sắp xếp phù hợp với quy hoạch giáo dục và đào tạo của tỉnh trong giai đoạn, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, gắn với việc thực hiện chủ trương tinh giảm biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, viên chức và nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn.

Trường Mầm non Bình An (Lâm Bình) thực hiện hiệu quả việc dồn ghép, sắp xếp điểm trường lẻ.

Việc dồn ghép các điểm trường mầm non, tiểu học về trường chính khi đảm bảo điều kiện thuận lợi về giao thông, khoảng cách đi lại, cố gắng đưa tối đa học sinh lớp 3, 4, 5 về trường chính để đảm bảo thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Cùng với đó, thực hiện sáp nhập trường Tiểu học và trường THCS khi quy mô các trường chưa đảm bảo quy định tối thiểu về số lớp, hoặc sáp nhập khi được đánh giá có hướng phát  triển tốt hơn, quy mô trường sau sáp nhập không quá 45 lớp. Đồng thời, tiến hành quy hoạch, phát triển các trường Mầm non, phổ thông ngoài công lập tại những khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh như thành phố Tuyên  Quang, thị trấn các huyện, nhằm tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021 - 2025…

Mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh giảm 176 điểm trường lẻ, 14 trường công lập, tăng 7 trường tư thục, số trường học toàn tỉnh còn 467 trường học cấp mầm non, phổ thông. Để đạt được mục tiêu này, trong thời gian tới, các cấp, các ngành của tỉnh cần đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền về kế hoạch của tỉnh trong thực hiện sắp xếp lại trường, điểm trường, lớp học. Đồng thời, nâng cao vai trò chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp trong thực hiện sắp xếp lại trường, điểm trường, lớp học; thực hiện tốt việc phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; tăng cường công tác xã hội hóa giáo dục; có giải pháp đảm bảo tỷ lệ huy động học sinh ra lớp, tỷ lệ chuyên cần, nâng cao chất lượng giáo dục…

Bài, ảnh: Huy Hoàng

Tin cùng chuyên mục