Phòng chống ngộ độc thực phẩm

- Vào dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng về thực phẩm tăng cao. Để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, các cơ quan quản lý trên địa bàn tỉnh đã tăng cường thanh tra, kiểm tra, siết chặt công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh kiểm tra tại một cửa hàng tạp hóa trên địa bàn thị trấn Sơn Dương.

Tháng cuối năm và dịp Tết nguyên đán là lúc thị trường tiêu dùng lương thực, thực phẩm, nước giải khát... trở nên sôi động. Nhu cầu tiêu thụ cao cũng dẫn đến nhiều nguy cơ gây mất an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Ông Lê Xuân Vân, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh, Trưởng Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành tỉnh về an toàn thực phẩm cho biết, có 3 nguyên nhân chính gây nên ngộ độc thực phẩm thường hay gặp vào dịp Tết. Đầu tiên là các loại thực phẩm bị nhiễm các vi sinh vật gây bệnh như vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng và các độc tố của chúng. Thứ hai là thực phẩm chứa nhiều hóa chất bảo quản, hóa chất tạo mùi, tạo vị vượt ngưỡng quy định. Cuối cùng là các loại thực phẩm tự nó chứa chất độc như rượu ngâm không rõ nguồn gốc, các loại nấm, mật cá, mộc nhĩ tươi, khoai tây để lâu ngày… và các thực phẩm bị nhiễm độc các hóa chất do ô nhiễm môi trường.

Thực hiện kế hoạch của Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm tỉnh về triển khai công tác đảm bảo ATVSTP trong dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội mùa xuân năm 2022, Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành tỉnh về an toàn thực phẩm đã được thành lập bao gồm Chi cục ATVSTP tỉnh, Cục Quản lý thị trường, Phòng Cảnh sát môi trường… Bà Nguyễn Thu Hà, Phó Trưởng đoàn, kiểm soát viên thị trường, Cục Quản lý thị trường cho biết, các cơ quan chức năng đã tập trung kiểm tra đầu mối sản xuất, nhập khẩu, chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống, cơ sở giết mổ, vận chuyển thực phẩm. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn lậu, hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng, hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Để ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm trong dip Tết, người dân cần chú ý không ăn, chế biến, ngâm rượu các loại cây, củ, con vật lạ; bảo quản và chế biến thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh; không dùng hàng trôi nổi, hết hạn, không rõ nguồn gốc...

Bên cạnh đó để đảm bảo ATVSTP trong dịp Tết Nhâm Dần 2022, người tiêu dùng có chọn mua thực phẩm tại các cửa hàng giới thiệu, bán sản phẩm nông sản, thực phẩm sạch được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận. Tiêu biểu như cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP Tâm Hương, số nhà 312, đường Đại lộ Tân Trào; cửa hàng Nông sản xanh Sáng Nhung, tổ 8, phường Phan Thiết; gian hàng OCOP tại số nhà 246, phường Phan Thiết… Các sản phẩm được bày bán tại đây bao gồm 130 sản phẩm OCOP cấp tỉnh được công nhận đạt từ 3 - 4 sao, sản phẩm nông, lâm, thủy sản thuộc chuỗi cung ứng an toàn được Chi cục Quản lý chất lượng Nông, lâm và thủy sản tỉnh công nhận.

Tại cửa hàng Nông sản xanh Sáng Nhung, tổ 8, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) những ngày này có khá đông khách hàng đến lựa chọn và đặt các sản phẩm phục vụ Tết. Ông Nguyễn Ngọc Sáng, chủ cửa hàng cho biết, bên cạnh mặt hàng thịt lợn thảo dược được nuôi, mổ và chế biến theo quy trình khép kín, cửa hàng còn giới thiệu đến người tiêu dùng các sản phẩm nông sản địa phương. Cùng với việc chú trọng thực hiện tốt các quy định về an toàn thực phẩm, các sản phẩm OCOP cũng được gắn mã QR-code tạo thuận lợi cho người tiêu dùng kiểm tra, truy xuất nguồn gốc nông sản.

Tết Nguyên đán đang đến gần, để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình, mỗi người tiêu dùng cần sáng suốt trong việc lựa chọn thực phẩm, kiên quyết nói không với sản phẩm không rõ nguồn gốc. Cùng với đó, các cơ sở chế biến, kinh doanh cần phải tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, tăng cường ứng dụng công nghệ trong sản xuất, xây dựng thương hiệu cho nông sản.           

   Bài, ảnh: Thùy Lê

Tin cùng chuyên mục