Quản lý chặt người lao động tại khu, cụm công nghiệp

- Tỉnh ta hiện có 7 nghìn lao động làm việc tại 2 khu công nghiệp và 5 cụm công nghiệp. Đây là nhóm có nguy cơ cao bùng phát dịch và lây lan ra cộng đồng. Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch và với ổn định sản xuất, các doanh nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp đã triển khai nhiều biện pháp tăng cường quản lý nhằm tạo môi trường an toàn, thuận lợi cho người lao động, kiên quyết không để dịch bệnh bùng phát.

Mặc dù đến nay tỉnh chưa ghi nhận ca dương tính Covid-19 nào trong khu, cụm công nghiệp, song các doanh nghiệp đã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống dịch cụ thể theo từng cấp độ khác nhau. Đặc biệt là trong trường hợp khi xuất hiện ca bệnh nhiễm Covid-19, một số doanh nghiệp đã sẵn sàng thực hiện phương án “3 tại chỗ: Sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ” cho người lao động ngay trong công ty nhằm vừa ổn định tình hình sản xuất kinh doanh, vừa đảm bảo an toàn cho người lao động và cộng đồng.

Công nhân Công ty TNHH MSA-YB đeo khẩu trang phòng chống dịch Covid-19.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Gang thép Tuyên Quang cho biết, công ty hiện có hơn 1.000 lao động đang làm việc. Công ty đã siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch, nâng mức cảnh báo cao nhất trong tất cả cán bộ, nhân viên, người lao động. Đồng thời, tuyên truyền cho người lao động biết được tính chất, mức độ nghiêm trọng của dịch Covid-19, khuyến cáo công nhân chỉ thực hiện một hành trình duy nhất là từ nhà đến nơi làm việc và từ nơi làm việc về nhà. Đối với lao động là người nước ngoài, thực hiện nghiêm túc quy định cách ly khi nhập cảnh; khuyến nghị toàn bộ công nhân nước ngoài ở ký túc xá không thăm thân, không về nước, không đi ra ngoài khu vực hàng rào nhà máy. Nhân viên, công nhân khi phát hiện là F1, F2 khi cách ly, công ty vẫn thực hiện chế độ trả lương đầy đủ.

Ông Hoàng Minh Sơn, Giám đốc Hành chính nhân sự, Công ty cổ phần Giấy An Hòa cho biết, công ty có hơn 70% lao động là người địa phương, một số cán bộ ở Hà Nội, Phú Thọ. Ngay khi Khu công nghiệp của tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh có trường hợp dương tính, công ty đã lên phương án quản lý chặt chẽ người lao động, hạn chế việc đi lại, thực hiện phòng dịch theo đúng khuyến cáo của tỉnh và Trung ương. Công ty đã bố trí nơi ăn, ở cho 30 cán bộ ở địa phương khác ở lại nơi làm việc. Đồng thời, bố trí sẵn sàng nơi ăn, ở cho toàn bộ cán bộ, công nhân công ty thực hiện “3 tại chỗ” khi diễn biến dịch phức tạp. Bên cạnh đó, từ đầu năm 2021, công ty đã tăng lương cho người lao động, với mức lương 7 triệu lên 8 triệu đồng/người/tháng nhằm đảm bảo thu nhập, giúp người lao động yên tâm làm việc.

Làm việc tại Công ty TNHH MTV SESHIN VN2, chị Phạm Thị Nga chia sẻ, chị cũng như người lao động tại công ty đều ý thức được nếu để xảy ra dịch bệnh Covid-19 sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống, vì vậy đã nghiêm túc thực hiện các giải pháp đảm bảo phòng, chống dịch như đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, không tập trung đông người. Đồng thời, công ty thông báo về việc có khả năng áp dụng phương án “3 tại chỗ” nên chị cũng đã chuẩn bị tâm lý để sẵn sàng thực hiện. 

Đồng hành với các doanh nghiệp, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cũng đưa ra nhiều biện pháp phòng dịch bệnh. Ông Trần Đức Thuận, Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh cho biết, Ban thường xuyên nắm bắt, cập nhật các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về phòng, chống Covid-19 để khẩn trương triển khai đến các doanh nghiệp. Đồng thời, ban yêu cầu các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện theo dõi, kiểm soát chặt chẽ sức khỏe của người lao động; xây dựng phương án sản xuất an toàn theo phương châm “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến”. Khi thực hiện phương án “3 tại chỗ”, doanh nghiệp cần chú trọng việc phân nhóm, kíp làm việc để dễ dàng xử lý nếu có ca nhiễm. Đồng thời cần có kịch bản ứng phó nếu có ca F0, sớm đăng ký với ngành Y tế để thực hiện xét nghiệm PCR cho người lao động...                      

Bài, ảnh: Vân Anh

Tin cùng chuyên mục