Rung động từ mỗi chuyến đi

Mỗi chuyến đi một trải nghiệm

“Mỗi chuyến đi với phóng viên là một trải nghiệm mới với những đề tài mới, gặp gỡ các nhân vật mới. Dù đôi khi vẫn mảnh đất, miền quê ấy nhưng mỗi lần in dấu chân là thêm một lần có những cảm nhận khác lạ để cho mình thăng hoa hơn với nghề”. Đó  là chia sẻ của nhà báo Lê Quang Hòa-người hơn 15 năm gắn bó với nghề báo. Anh là một trong những phóng viên thuộc dạng đi khỏe và viết nhiều.

Nhiều đồng nghiệp miền xuôi thường ngạc nhiên khi nghe chuyện tác nghiệp của nhà báo ở miền núi khi phải vượt qua thách thức của những cung đường đèo dốc, lầy lội; đương đầu với khó khăn đặc thù của vùng cao.

Phóng viên Thu Trang (Báo Tuyên Quang) trong một chuyến đi cơ sở tại huyện Lâm Bình.

Phóng viên Nguyễn Quốc Việt, Báo Tuyên Quang gắn bó nhiều năm ở địa bàn miền núi Na Hang, Lâm Bình. Anh chia sẻ, phía sau mỗi tác phẩm báo chí luôn là cả một hành trình gian nan, hiểm nguy. Thường xuyên đi xe máy 200 km từ TP Tuyên Quang lên các bản làng ở Yên Hoa, Đà Vị, Thượng Nông, Thương Giáp của huyện vùng cao Na Hang, địa hình dốc núi cheo leo, hiểm trở, không ít lần anh “hú vía” khi chỉ cách vài mét thôi có những hòn đá đột ngột lăn từ ta-luy xuống mặt đường. Hóa ra sau nhiều ngày mưa lớn đã gây sụt lún, ảnh hưởng đến bám dính của đất đá. Anh chia sẻ, lần thoát nạn đó anh thấy mình thật may mắn và thêm kinh nghiệm đi đường. Đó là hạn chế tác nghiệp, tránh đi lại trên đoạn đường có nguy cơ sụt lún, luôn nhắc nhở bản thân cẩn trọng và không bao giờ được chủ quan khi đi trên các con đường đèo dốc.

Những tình huống phát sinh từ các chuyến đi đã “rèn” cho phóng viên tinh thần lạc quan trong mọi hoàn cảnh. Đó là chuyện phải gọi xe cứu hộ kéo xe ô tô từ rãnh mương của phóng viên Hoàng Niềm (Báo Tuyên Quang). Chuyện cả bản người Tày ở Phúc Yên (Lâm Bình) phải hỗ trợ nhà báo Tuấn Trường (Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh) khiêng xe máy lên xe công nông để chở về trung tâm xã. Hay câu chuyện “say cam sành” thú vị của phóng viên Bùi Toàn Thắng (Trung tâm Văn hóa - Truyền thông và Thể thao huyện)...

Những khách quý của bản

Chuyện ăn, ngủ ở thôn bản trở thành công việc thường xuyên của một phóng viên vùng cao. 

Phóng viên Minh Hoa (Báo Tuyên Quang) có nhiều năm gắn bó với mảnh đất vùng cao. Chị còn nhớ mãi có lần tác nghiệp ở một bản làng ở Bình An (Lâm Bình), được mời ở lại ăn cơm tại một gia đình người Dao. Trong bữa cơm chị có chuyện trò với chủ nhà về bệnh đau nhức mỏi chân của mẹ mình. Vậy là trước khi ra về, chủ nhà gửi túi thuốc và không quên dặn dò cách sử dụng. Sử dụng thuốc, bệnh tình của mẹ chị cũng thuyên giảm. 

Còn với anh Ma Thế Cường, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh thì thường xuyên làm việc nhóm với những chuyến đi dài tại các bản làng. Anh chia sẻ nhiều lúc cán bộ xã, cán bộ thôn thấy nhà báo là liền rỉ tai “tối lên nhà ngủ, anh bảo chị nấu cơm rồi”. Tối đó, câu chuyện lại râm ran khi có mấy người hàng xóm thấy khách lạ sang chơi. Mối quan hệ giữa phóng viên với cơ sở cứ như vậy mà nồng ấm, khăng khít, chân thành sẻ chia mọi điều. 

Phóng viên Hoàng Thu Trang, Báo Tuyên Quang bảo, mình vui vì được bà con trong các thôn bản rất quý mến, hễ có ngày hội, ngày lễ hay chuẩn bị làm món ăn gì lạ của dân tộc là đều nhớ và gọi phóng viên tham gia. Phóng viên trở thành khách quý mỗi lần về với dân bản.

Nếu đem câu hỏi “Bạn thích điều gì ở nghề báo nhất?” thì có rất nhiều phóng viên đồng tình rằng: Đó là những chuyến đi! Chắc chắn rồi, với nhà báo được đi và được viết vừa là trách nhiệm, sứ mệnh và cũng là niềm vui trong cuộc đời đầy ý nghĩa này!

Bài, ảnh: Giang Lam

Tin cùng chuyên mục