Sức xuân Đèo Tế

- Con đường vắt vẻo đồi bồng bềnh, ẩn hiện trong màn sương đưa chúng tôi đến với thôn Đèo Tế, xã Hùng Đức (Hàm Yên). Bên triền núi những cành cây khẳng khiu, vươn mình thức dậy, nhú ra những mầm xanh non mơn mởn. Cái lạnh ngọt ngào của những ngày giáp Tết thấm dần vào da thịt, mang một cảm giác bình yên, dễ chịu khi tiết trời vào xuân.

Đèo Tế có 105 hộ đều là đồng bào Dao Quần Trắng. Ấn tượng đầu tiên về nơi này là sự gọn gàng ngăn nắp của người dân. Những căn nhà sàn bê tông xen lẫn nhà sàn gỗ xinh xắn cách nhau vài trăm mét. Đa số nhà nào cũng có khuôn viên vườn tược trồng rau sạch ăn quanh năm.

Đồng chí Bàn Văn Hợp, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đèo Tế vui vẻ đón tiếp chúng tôi trong căn nhà sàn bê tông. Anh chia sẻ, bao đời nay nếp sống người Dao luôn gắn liền với căn nhà sàn. Để vừa giữ gìn bản sắc lại hạn chế khai thác gỗ làm nhà, thì giờ đây đa số người dân Đèo Tế làm nhà sàn bê tông. Tính cả những nhà đã xây xong và mới xây thì trong thôn có đến 50 hộ làm nhà sàn bê tông theo mẫu mới.


Phụ nữ Dao thôn Đèo Tế, xã Hùng Đức (Hàm Yên) làm bánh để đón Tết.

Đến Đèo Tế vào dịp cuối năm, là lúc thóc lúa đầy bồ, người Dao đang bận rộn hoàn tất những công việc cuối cùng của năm cũ để chào đón năm mới trong niềm vui. Anh Bàn Văn Tài là một trong những hộ phát triển kinh tế tiêu biểu của thôn, thu nhập trên 400 triệu đồng/năm. Anh chia sẻ, từ nhiều năm qua gia đình thực hiện mô hình kinh tế tổng hợp. Hiện có 9 ha keo, trên 300 con vịt đẻ và 10 sào ao cá. Năm nay, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, có thời điểm tiêu thụ trứng vịt hạn chế. Tuy nhiên vợ chồng anh tìm cách giao hàng tại các cửa hàng tạp hóa trong xã thì trứng vịt vẫn xuất bán được đều.

Trước đây, số hộ nghèo trong thôn chiếm đa số, nhưng những năm gần đây được cán bộ hướng dẫn phát triển mô hình kinh tế, cách trồng rừng “phủ xanh đất trống đồi núi trọc”. Cả thôn có 107 hộ thì 100% đều trồng rừng. Tiêu biểu như: Hộ anh Bàn Văn Nguyên trồng gần 20 ha cây keo, hộ anh Lý Văn Cường trồng 8 ha rừng... Nguồn thu nhập từ rừng mang lại cho nhiều hộ sự khấm khá. Tỷ lệ hộ khá giả chiếm 38%, hộ nghèo trước đây khá cao, đến nay còn gần 18%.

Trên khắp con đường dẫn về bản làng, một vài thiếu nữ đang tất tưởi mang từng gánh củi trở về nhà. Họ có nhiệm vụ chuẩn bị đầy đủ củi, đuốc cho những ngày cuối năm và đầu năm mới. Bên bếp củi đang đỏ lửa, những viên than hồng như xua đi không khí se lạnh của ngày xuân. Anh Bàn Văn Nguyên cho biết: “Tôi đang dọn dẹp, sửa sang lại nhà cửa, chuồng trại, chỗ nào cũ, hư hỏng thì chỉnh trang lại. Theo quan niệm của người Dao, mọi thứ đều phải gọn gàng, sạch đẹp. Như thế năm mới sẽ may mắn và làm ăn phát đạt hơn...”.

Theo thầy cúng Đặng Xuân Yên thì thường bắt đầu từ 25 tháng Chạp, người Dao Đèo Tế thực hiện nghi lễ cúng báo cáo tổ tiên để tổng kết năm cũ. Gia chủ sẽ chuẩn bị mâm lễ đầy đủ, cắt mới để thay những tờ giấy dán màu đỏ quanh nhà, giấy lót bát hương trên bàn thờ với mong cầu một năm mới may mắn, bình an.

Điều khác biệt với dân tộc khác thì người Dao Quần Trắng rất coi trọng ông bà mối (trưởng đoàn dẫn cưới). Thế nên Tết là dịp để cặp vợ chồng là các “con mối” ghi nhớ công lao “kết tóc se tơ” của “bố mẹ mối”. Anh Bàn Văn Hợp chia sẻ, trước Tết và đầu năm mới “con mối” sẽ mang quà biếu chúc Tết “bố mẹ mối” đầu tiên và sau đó mới đến nhà bố mẹ đẻ, bố mẹ vợ. Với tục lệ này thể hiện sự trân trọng trong việc gắn kết, xây dựng gia đình, lứa đôi hạnh phúc trong gia đình người Dao.

Ở nơi bản làng xa xôi này thì việc thị trường ngoài kia tăng giá thịt lợn không ảnh hưởng nhiều đến bà con. Bởi hầu như nhà nào cũng nuôi một con lợn để ăn Tết. Vào dịp này cứ 3, 4 hộ chung nhau một con lợn để thịt. Người Dao thường gọi là “đụng thịt”, đây là tập tục thể hiện sự gắn bó, bền chặt trong tình làng nghĩa xóm. Vào dịp Tết, người Dao gói 2 loại bánh: Bánh chưng và bánh “dú táu”. Ngày Tết, trên bàn thờ của các gia đình người Dao có rất nhiều thứ, nhưng không được thiếu 2 loại bánh này. Bánh có vị bùi ngọt, thanh mát, gửi đến ước mong một năm mới mọi thứ đều suôn sẻ, ngọt ngào.

Cùng với phát triển kinh tế, bà con nơi đây luôn chú trọng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Bà Đặng Thị Mỳ là người cao tuổi trong bản, đang cùng cô con dâu chuẩn bị trang phục cho ngày Tết. Bà Mỳ chia sẻ, bao đời nay người Dao nơi đây đều tự tay làm trang phục. Từ khâu dệt vải, cắt may, thêu thùa. Để làm xong một bộ thường mất 1-2 tuần thế nên ngay từ thời điểm này các bà, các chị đã bắt đầu làm bộ quần áo mới cho mình và gia đình. Năm nay cô gái Bàn Thị Hà, 16 tuổi bắt đầu mới tự tay làm trang phục cho mình. Hà vừa làm vừa nói bày tỏ, ngay từ khi con nhỏ, con gái người Dao đều được dạy may vá, thêu thùa. Đường kim mũi chỉ phải thật khéo léo và tinh tế mới làm nổi được những họa tiết trên trang phục của dân tộc.

Dường như, sức xuân đang đến trên từng khuôn mặt của người Dao nơi đây. Tết, họ được xúng xính trong quần áo mới, được chơi xuân cùng bạn bè, được hẹn hò, được yêu thương, sum vầy bên nhau.  

Bài, ảnh: Giang Lam 

Tin cùng chuyên mục