Tiêu hủy vật chứng, tài sản tại Cục Thi hành án dân sự

- Hoạt động kiểm sát việc tiêu hủy vật chứng, tài sản thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã đảm bảo được thực hiện theo đúng quy định của Luật Thi hành án dân sự 2014; Nghị định số 62/2015/NĐ-CP của Chính phủ; Thông tư số 01/2016/TT-BTP của Bộ Tư pháp.

Theo báo cáo của Cục THADS, năm 2021, đơn vị đã thành lập Hội đồng tiêu hủy thực hiện tiêu hủy vật chứng, tài sản của trên 43 vụ án hình sự, trong đó có 13 vụ ma túy chiếm tỷ lệ 30,2%. Quá trình thực hiện việc tiêu hủy dưới sự chứng kiến, kiểm sát của kiểm sát viên Viện KSND tỉnh, cơ quan tài chính cùng cấp. Đồng chí Phạm Thị Linh Điệp, Trưởng phòng Nghiệp vụ và Tổ chức Thi hành án, Cục THADS cho biết, đối với những lần tiêu hủy, sau khi kiểm tra vật chứng, mở niêm phong, đối chiếu với bản án của Tòa án, Hội đồng tiêu hủy thống nhất hình thức tiêu hủy: đối với loại vật chứng bằng kim loại và nhựa không còn sử dụng, tiêu hủy bằng cách đập cong, đập nát, làm biến dạng hoàn toàn cho vật chứng không còn tính năng, giá trị sử dụng; những đồ bằng gỗ, bao tải, mũ cối cứng, phong bì niêm phong có chứa ma túy, Hội đồng tiêu hủy thống nhất tiêu hủy bằng cách dùng lửa đốt.

Tiêu hủy vật chứng, tài sản tại Cục THADS đảm bảo yếu tố công khai, minh bạch và tuân thủ quy định pháp luật. 

Việc tiêu hủy được Hội đồng tuân thủ đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, dưới sự chứng kiến của các thành viên Hội đồng, tang vật đưa ra tiêu hủy được các thành viên Hội đồng kiểm tra đảm bảo số lượng đúng theo quyết định, bản án có hiệu lực thi hành. Công tác tiêu hủy vật chứng, tài sản của các vụ án ma túy nhằm nâng cao ý thức của người dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy; ngăn ngừa, đẩy lùi tệ nạn ma túy ra khỏi đời sống của người dân.

Là người trực tiếp thực hiện tiêu hủy vật chứng, tài sản, chấp hành viên Đào Đức Hải, Phòng Nghiệp vụ và Tổ chức Thi hành án cho biết thêm: Chấp hành viên có nhiệm vụ đối chiếu từng loại tang vật, tình trạng niêm phong, số lượng, chủng loại tương ứng với nội dung tại các biên bản bàn giao, bản án của tòa án và quyết định thi hành án trước khi mở niêm phong, đưa các vật chứng ra tiêu hủy theo đúng quy định của Luật THADS. Toàn bộ quá trình trên đảm bảo sự công khai, minh bạch, trình tự đúng quy định, đối với các vật chứng, tài sản đốt phải đảm bảo yếu tố tiêu hủy toàn bộ, đốt cháy hoàn toàn. Thủ kho Nguyễn Thị Ánh, Phòng Nghiệp vụ và Tổ chức thi hành án chia sẻ: trong công tác giữ kho đảm bảo yếu tố bí mật, kiểm kê hàng ngày, đồng thời hệ thống an ninh luôn được giám sát chặt chẽ, đảm bảo yếu tố an toàn. Dù trách nhiệm lớn nhưng với bổn phận, trách nhiệm của mình, ai cũng phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra.

Để làm tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong THADS, ngành THADS tỉnh đã xây dựng Quy chế, phân định nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan chuyên môn như: Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Công an tỉnh, Sở Tài chính, Sở Tư pháp. Trong đó, định kỳ 3 tháng một lần, cơ quan THADS phối hợp với cơ quan Tòa án và Viện KSND cùng cấp thực hiện rà soát, đối chiếu sổ sách giao nhận bản án, quyết định của hai bên để đảm bảo việc giao nhận bản án, quyết định theo đúng quy định. Việc tiêu hủy vật chứng, tài sản tuân thủ theo đúng trình tự tại Điều 125 Luật thi hành án dân sự, bản án và quyết định thi hành án của Tòa. Theo đó, sau 30 ngày sẽ tiến hành tiêu hủy nếu đảm bảo các yếu tố quy định như trên.

Đồng chí Phan Thị Mai Thảo, Cục Phó Cục THADS cho biết, tại cơ quan thi hành án dân sự, chấp hành viên trực tiếp tiến hành tiêu hủy vật chứng, tài sản, do đó đều có trách nhiệm chủ động phối hợp với cơ quan liên quan trong quá trình thực hiện. Nguyên tắc vật chứng, tài sản trước khi tiêu hủy còn niêm phong, nguyên vẹn, đúng biên bản giao nhận vật chứng. Toàn bộ quá trình tiêu hủy tang vật, tài sản của những vụ án đã được tiến hành an toàn, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn về phòng cháy chữa cháy. Đặc biệt là yếu tố công khai, minh bạch, tạo lòng tin trong quần chúng nhân dân.

Bài, ảnh: Lê Duy

Tin cùng chuyên mục