Trách nhiệm chung của cộng đồng

- Tuần lễ Nước sạch và Vệ sinh môi trường năm 2022 được thực hiện từ ngày 29-4 và kéo dài đến ngày 5-6. Với chủ đề “Quản lý, vận hành, khai thác bền vững công trình cấp nước và vệ sinh nông thôn”, Tuần lễ nhằm nâng cao hiểu biết, trách nhiệm về tầm quan trọng của việc quản lý khai thác, vận hành công trình cấp nước và vệ sinh an toàn, bền vững để bảo vệ sức khỏe cho người dân nông thôn.

Xã Đức Ninh (Hàm Yên) được đầu tư 1 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại thôn Ao Xanh, cung cấp nước sạch cho gần 200 hộ dân thuộc thôn Ao Xanh, thôn 20, thôn 21. Vận hành và đưa vào hoạt động từ năm 2002, đến nay công trình vẫn hoạt động tốt và được Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đánh giá là một trong những công trình hoạt động hiệu quả nhất tỉnh. 

Ông Hà Xuân Khanh, Chủ tịch UBND xã Đức Ninh cho biết: Công trình ban đầu giao cho UBND xã quản lý nhưng sau 3 năm đầu hoạt động, xã xác định, nếu không giao trách nhiệm cụ thể cho 1 cá nhân hoặc tổ chức nào sẽ không phát huy được hiệu quả công trình. Năm 2005, Ban Quản lý công trình nước sạch được thành lập gồm 3 thành viên, trong đó 2 thành viên là người dân các thôn này đứng ra quản lý, 1 thành viên là cán bộ UBND xã.

Ông Hà Văn Đức, người dân thôn 20, một trong những thành viên trong Ban quản lý cho biết" "Vì đây là công trình phục vụ người dân trong thôn và phục vụ chính gia đình mình nên chúng tôi cố gắng vận hành tốt nhất, hiệu quả nhất có thể. Từ hạng mục thu nước đầu nguồn, bể chứa tạo và điều tiết cho đến hệ thống tuyến ống cấp nước đều được quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt".

Người dân thôn 9, xã Thái Bình ( Yên Sơn) được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước nông thôn.

Công trình cấp nước tập trung xã Hùng Lợi (Yên Sơn) đi vào hoạt động từ năm 2020, phục vụ sinh hoạt cho 177 hộ gia đình và các đơn vị đóng trên địa bàn thôn Quân, Toạt. Anh Dương Văn Cao, nhân viên vận hành công trình cho biết, Ban quản lý đã thông tin và thực hiện bơm nước vào các khung giờ từ 10-12 giờ và từ 17-19 giờ hàng ngày. Bơm nước theo giờ đã tạo thói quen tốt cho bà con trong việc chủ động tích nước và sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

Toàn tỉnh có 142 công trình cấp nước sạch nông thôn hoạt động hiệu quả, trong đó có 82 công trình cấp nước nông thôn do Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh quản lý, còn lại do Công ty Cấp thóat nước Tuyên Quang và UBND các xã quản lý.

Bên cạnh đó vẫn còn một số công trình hoạt động chưa phát huy hiệu quả. Nguyên nhân các công trình xây dựng từ lâu, quá trình khai thác vận hành bị xuống cấp, đặc biệt khách hàng sử dụng nước sinh hoạt nông thôn có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn thu không đủ bù chi dẫn đến không được đầu tư sửa chữa. Chưa kể đến tình trạng người dân thiếu ý thức trong việc bảo vệ công trình canh tác, xâm lấn vào hạng mục thu nước đầu nguồn gây ô nhiễm nguồn nước; đầu tự ý đấu nối làm hư hỏng tuyến ống cấp nước...Toàn tỉnh có 85 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn hoạt động kém hiệu quả, chưa kể nhiều công trình không hoạt động.

 Đảm bảo tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước sạch, nước hợp vệ sinh đạt 98%; tỷ lệ hệ thống cấp nước khu vực nông thôn được lập và thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn đạt 50% vào năm 2025, tỉnh đã có Kế hoạch cấp nước an toàn khu vực nông thôn trên địa bàn giai đoạn 2021-2025. Theo đó, tỉnh bố trí huy động, lồng ghép các nguồn lực, đầu tư cải tạo, sửa chữa công trình cấp nước bị hư hỏng, xuống cấp nhằm cung ứng đầy đủ, liên tục và bảo đảm chất lượng nguồn nước sạch phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, nhất là khu vực khó khăn về nguồn nước, vùng sâu, vùng xa; quản lý khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước. Đồng thời, xử lý nghiêm các vi phạm về xả thải, gây ô nhiễm nguồn nước, khai thác, sử dụng nguồn nước trái phép; tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ nguồn nước, công trình cấp nước và sử dụng nước sạch tiết kiệm, hiệu quả.

Ông Cao Xuân Huy, Trưởng phòng Kế hoạch-Kỹ thuật và Tổng hợp, Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường tỉnh khẳng định, tỉnh đã và đang đầu tư xây mới, nâng cấp 26 công trình nước sạch nông thôn với tổng vốn đầu tư 190,3 tỷ đồng. Các công trình sẽ được hoàn thành trong năm 2022 nhằm nâng diện bao phủ người dân nông thôn được được sử dụng nước sạch. Ông Cao Xuân Huy cho rằng, cùng với sự đầu tư của tỉnh, nỗ lực của ban quản lý các công trình, hơn ai hết người dân hưởng lợi từ công trình phải nâng cao ý thức, trách nhiệm, giữ gìn nguồn nước, bởi đó là sự sống của chính mình.                                                           

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục