Trải nghiệm Tết cùng đồng bào dân tộc thiểu số

- Mùa xuân về, quê hương như rực rỡ hơn bởi sắc màu của 22 dân tộc anh em cùng sinh sống. Mỗi dân tộc có một phong tục, nghi lễ, trang phục đón Tết khác nhau, nhưng tất cả đều hướng tới một ý nghĩa tốt đẹp là cầu mong năm mới được ấm no, hạnh phúc, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, gặp nhiều may mắn.

Tục dựng cây nêu của người Tày

Những ngày chuẩn bị Tết Nguyên đán Nhâm Dần, giống như bao năm qua, người Tày ở Tuyên Quang đón Tết không thể thiếu cây nêu dựng trước nhà. Ông Quan Văn Thịnh, thôn Bản Chúa, xã Phúc Sơn (Lâm Bình) cho biết, người Tày quan niệm, cắm cây nêu để loại trừ tà ma, giữ đất, giữ nhà và mang lại may mắn, an lành cho năm mới.

Cây nêu tiếng Tày gọi là “mạy nêu”. “Mạy nêu” phải đảm bảo các điều kiện: Thẳng đẹp, gióng đều, tròn lẳn, ngọn phải có túm lá xanh mướt. Đúng vào chiều 30 Tết, đích thân người đàn ông trụ cột của gia đình sẽ dựng cây nêu ngay trước nhà. Có nơi lại cầu kỳ hơn treo giấy đỏ, 3 nén hương, 1 cái bánh chưng xanh lên thân cây nêu. Với quan niệm, giấy đỏ và nén hương xua tà ma, còn bánh chưng xanh nói lên ước nguyện. Đó là cầu mong cho một năm mới no đủ, nhà nhà yên vui.

Người Dao thôn Phú Lâm, xã Bình Phú (Chiêm Hóa) gói bánh chưng gù chuẩn bị Tết.

Đối với gia đình anh Nông Văn Vương, thôn Đồng Quảng, xã Bằng Cốc (Hàm Yên), Tết Nguyên đán có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Người Tày chuẩn bị đón Tết rất chu đáo, kỹ lưỡng. Bàn thờ tổ tiên được các gia đình dựng 4 cây mía vào 4 góc chân bàn thờ tỏ lòng thành kính mời tổ tiên về ăn Tết. Người Tày kiêng sáng mồng 1 có người không mời mà vào nhà. Đàn ông người dân tộc Tày dành những ngày Tết để trả nghĩa cha mẹ: Mồng 1 Tết cha (tức bố mẹ), mồng 3 Tết thầy (thầy cúng). Trang phục phụ nữ Tày mặc trong ngày Tết là bộ áo dài màu chàm có 5 thân, ống tay hẹp, thắt lưng bỏ mối ra phía sau lưng, đầu đội khăn vuông chàm, trong có vải quấn tóc, chân đi giày thêu mũi cong hình mỏ gà. Bánh chưng đen, bánh khảo, chè lam... là những món ăn không thể thiếu trong Tết Nguyên đán của người Tày.

Xin đóng cửa đình để nghỉ Tết

Tết Nguyên đán của người dân tộc Cao Lan thường được bắt đầu từ 25 tháng Chạp đến hết Rằm tháng Giêng. Đồng chí Vũ Đức Lợi, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 14, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) cho biết, thôn có gần 80% dân số là dân tộc Cao Lan. Cứ 25 tháng Chạp là làng làm lễ tại đình làng để xin đóng cửa nghỉ Tết, đến ngày mồng 2 Tết sẽ làm lễ mở cửa đình và bắt đầu làm việc để lấy may năm mới. Sau đó, về nhà dán giấy đỏ vào các đồ vật từ cày, cuốc và cây cối quanh nhà với tâm niệm để cây cối, vật dụng nghỉ ngơi đón Tết cùng gia chủ. Giấy đỏ đối với người Cao Lan là tượng trưng cho may mắn, tốt lành.

Còn đối với phụ nữ Cao Lan thì Tết là dịp để chị em “trổ tài”. Bà Hoàng Thị Yên, thôn 14, xã Kim Phú chia sẻ, mỗi dịp xuân về, chị em ở đây sẽ làm bánh chim gâu, bánh gai, bánh chưng. Cùng với đó, chị em chuẩn bị những tiết mục văn nghệ đặc sắc của người Cao Lan như múa chim gâu, hát Sình ca… để giao lưu trong thôn và anh em Cao Lan trong huyện, trong tỉnh. Những câu hát Sình ca cất lên như gọi mùa xuân ấm áp, gọi no ấm về với thôn làng...

Linh thiêng tiếng gà gáy sáng mồng 1 của người Mông

Mùa xuân đến với các bản người Mông như sớm hơn. Cây rừng bắt đầu nảy lộc. Anh Thào A Dị, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Làng Un, xã Kiến Thiết (Yên Sơn) cho biết: Tết Nguyên đán với người Mông từ Rằm tháng Chạp. Lúc này người dân đã bắt đầu gói bánh chưng, dọn dẹp nhà cửa, thăm người thân và cất nông cụ lao động sản xuất. Anh bảo, đêm 30 Tết, người Mông cúng “ma nhà” (tổ tiên) bằng một con lợn và một con gà trống còn sống, rồi mang lợn và gà ấy đi làm mâm cỗ để cúng tiếp. Người Mông không đón Giao thừa, tiếng gà gáy đầu tiên của sáng sớm mồng 1 là mốc thời gian đánh dấu một năm mới đã bắt đầu.

Phụ nữ Mông chuẩn bị đón Tết Nguyên đán trước đó nửa năm. Chị Giàng Thị Sự, thôn Làng Un cười tươi, rồi giới thiệu sản phẩm đang thêu trên tay. Chị bảo, đây là dây đai váy, mình thêu cả tháng nay rồi. Để có bộ quần áo mặc dịp xuân mới phải chuẩn bị nửa năm. Vì phải thêu nhiều hoa văn, đính nhiều hạt cườm thì váy mới đẹp. Tết phụ nữ Mông chỉ làm các loại bánh chưng, mèn mén (bánh ngô), bánh dày, còn làm cỗ cúng tổ tiên do đàn ông đảm nhiệm. Phụ nữ chỉ diện áo váy đi chơi Tết thôi.

Dẻo thơm bánh giày dâng tổ tiên

Từ khoảng tháng 8 Âm lịch, bà con dân tộc Dao đã bắt đầu nuôi lợn, nuôi gà và để dành những bao thóc nếp ngon nhất cho những ngày Tết. Đến trung tuần tháng Chạp, hầu hết các gia đình đều gác lại công việc làm ăn để chuẩn bị đón Tết.

Sau bữa cơm tất niên, tất cả mọi người trong gia đình đều phải tắm rửa sạch sẽ bằng thứ nước được đun với một số loại lá và rễ cây thơm, sau đó mặc những bộ trang phục truyền thống mới và đẹp nhất để đón Giao thừa. Đồng chí Phùng Văn Thắng, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đồng Khuôn, xã Phú Lương (Sơn Dương) cho biết, đặc sắc nhất trong mâm cỗ ngày Tết Nguyên đán của người Dao là món bánh dì (hay còn gọi là bánh giày). Đây là món ăn có truyền thống rất lâu đời của người Dao, có ý nghĩa tượng trưng cho một năm mới ấm no, đủ đầy. Để bánh ngon và dẻo, nhà chủ phải chọn gạo nếp thật ngon, ngâm từ đêm hôm trước đến hôm sau mới mang ra đồ thì bánh sẽ dẻo lâu. Gạo nếp sau khi đồ xong được các thanh niên đưa vào cối giã đến khi có độ quánh vừa phải thì đem ra lăn với bột vừng, sau đó nặn thành bánh.

Bà Triệu Thị Nhất, thôn Đồng Khuôn chia sẻ, theo tục lệ của người Dao, mẻ bánh đầu tiên tất cả mọi người không ai được nếm hay thử, vì đây là mẻ bánh dành để cúng ông bà tổ tiên, từ mẻ bánh thứ hai trở đi mọi người mới được ăn, các cụ cao tuổi là người được thưởng thức trước. Bên cạnh món bánh dì, mâm cỗ cúng tổ tiên và cỗ Tết của người Dao không thể thiếu thịt lợn luộc và thịt gà. Các loại thịt, lòng, gan được thái nhỏ, trộn đều và bày vào lá chuối gọi là cỗ lá.

Trải nghiệm đón Tết Nguyên đán của người dân tộc thiểu số giúp ta càng trân quý giá trị truyền thống, như nhân lên trong lòng mỗi người khát vọng vươn lên, tiếp thêm cho mỗi chúng ta niềm tin chiến thắng dịch dã để năm mới trọn niềm vui, xây đắp quê hương ngày càng giàu đẹp.

Trang Tâm

Tin cùng chuyên mục