Tư vấn hướng nghiệp giúp học sinh lựa chọn hướng đi phù hợp

- Học tiếp lên THPT hay chọn học nghề là điều phân vân của nhiều học sinh lớp 9. Để giúp học sinh có hướng đi phù hợp, những năm qua các trường THCS trên địa bàn huyện Hàm Yên đã nỗ lực trong công tác hướng nghiệp, góp phần thực hiện phân luồng, định hướng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS.

Để thực hiện hiệu quả công tác hướng nghiệp và định hướng phân luồng cho học sinh cuối cấp, ngay từ đầu năm học, trong giờ hướng nghiệp các thầy, cô của trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Yên Thuận đã giúp các em có những khái niệm rõ hơn về nghề nghiệp, lựa chọn tương lai. Thầy giáo Phạm Quang Hưng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, mấy năm gần đây nhà trường đã phối hợp với các trường nghề trong và ngoài tỉnh tổ chức nói chuyện với học sinh về nghề nghiệp tương lai, sở thích, nhu cầu của xã hội hiện nay… Qua đó, giúp các em học sinh có cách nhìn nhận và định hướng đúng về nghề nghiệp và tương lai của mình sau này. Từ việc phân tích cho học sinh để có những quyết định đúng hướng đi của mình nên mấy năm gần đây số học sinh của trường đăng ký đi học tại các trường nghề đã tăng dần. Nếu như năm 2017 nhà trường có 5 em đăng ký học nghề tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện và Trường Cao đẳng Nông lâm Đông Bắc (Quảng Ninh) thay vì học tiếp lên THPT thì đến năm 2020 đã có 15 em đăng ký và theo học. Đây cũng là kết quả từ công tác hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh của nhà trường.


Học sinh trường THCS Tân Yên, thị trấn Tân Yên (Hàm Yên) tìm hiểu thông tin tại buổi tư vấn hướng nghiệp của huyện.

Không chỉ hướng nghiệp cho học sinh, các trường còn nỗ lực thay đổi quan niệm “trọng thầy hơn thợ” của phụ huynh. Hàng năm, các trường tổ chức hội thảo, hội nghị chuyên đề về công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS cho phụ huynh và học sinh nhằm giúp các em và gia đình có định hướng phù hợp.

Sau khi được giới thiệu về các ngành nghề được đào tạo, em Phúc Định Thái học viên Khoa Điện công nghiệp Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hàm Yên cho biết: Trong quá trình học tại trường Nghề, em thường xuyên được tham gia thực hành tay nghề để giúp nâng cao tay nghề. Theo em, vừa học văn hóa vừa học nghề là một lựa chọn đúng đắn của gia đình và bản thân em, nhất là trong lúc nhu cầu xã hội cần nhiều công nhân được đào tạo bài bản như hiện nay.

Thực hiện phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Hàm Yên đã tích cực phối hợp với Huyện đoàn, các trung tâm giới thiệu việc làm và giao cho các trường học trên địa bàn tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh lựa chọn trường học, nghề nghiệp một cách phù hợp, sát với tình hình kinh tế - xã hội của địa phương. Với các cách làm đó, những năm học gần đây, số lượng học sinh sau THCS trên địa bàn đăng ký tham gia học nghề đã có sự chuyển biến tích cực. Nếu như năm học 2015 - 2016, toàn huyện chỉ có 67 học sinh (chiếm 7%) sau khi tốt nghiệp THCS tham gia học tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên và trường Nghề, thì năm học 2020 - 2021 số học sinh lớp 9 đăng ký học vào các trường nghề tăng lên là 139 em (chiếm gần 15%).

Xét thấy năng lực và kinh tế gia đình khó khăn nên anh Hoàng Trọng Nghĩa, xã Minh Hương đã quyết định theo học tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hàm Yên. Anh Nghĩa chia sẻ: “Tôi đã suy nghĩ, đắn đo nhiều. Nếu học hết cấp 3 rồi theo học đại học cũng phải mất 4 - 5 năm với chi phí học tập không nhỏ, nhưng nếu vừa học văn hóa vừa học nghề chỉ 3 năm là có thể tốt nghiệp, đi làm có thu nhập lo cho bản thân, giúp đỡ gia đình vơi đi khó khăn. Vì vậy, năm 2015 sau khi tốt nghiệp THCS, tôi quyết định đăng ký học chuyên ngành Điện công nghiệp. Trong quá trình học, ngoài giờ học chính khóa, tôi còn đi làm thêm để có thêm thu nhập cũng như nâng cao kỹ năng tay nghề. Đây cũng là một trong những lý do để tôi chọn học nghề thay vì đi học đại học”. Nhờ đi làm thêm bên ngoài, học hỏi kinh nghiệm từ thực tế nên sau khi tốt nghiệp ra trường anh Nghĩa đã là thợ “cứng tay”. Hiện nay anh Nghĩa đang mở một cửa hàng sửa chữa điện dân dụng trên địa bàn xã. Quyết định này không chỉ nâng cao thu nhập cho gia đình mà còn tạo việc làm thường xuyên cho 1 lao động với mức lương từ 3 - 4 triệu đồng/tháng.

Với cách làm này đã có tác động tích cực, hiệu quả trong công tác phân luồng học sinh sau THCS. Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác hướng nghiệp cho học sinh, mang lại hiệu quả tích cực hơn nữa, ngày càng có nhiều học sinh tốt nghiệp THCS học văn hóa kết hợp với học nghề.                

 Bài, ảnh: Minh Hoa

Tin cùng chuyên mục