Uống nước nhớ nguồn

- Những ngày tháng 7 này, trên khắp cả nước Việt Nam thân yêu, rất nhiều hoạt động đã được tổ chức để tri ân những người đã không tiếc tuổi xuân, xương máu cống hiến, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Trong tâm thức của mỗi người con đất Việt, tháng 7 gắn liền với những hoạt động thể hiện truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

Thắm đượm nghĩa tình

Đón tiếp các đoàn của các cơ quan, tổ chức đến thăm hỏi, động viên nhân dịp Ngày Thương binh - liệt sỹ 27-7, Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Cải, thôn Bắc Hoàng, thị trấn Sơn Dương (Sơn Dương) rưng rưng xúc động. Mẹ có chồng, con đã ngã xuống nơi chiến trường, nỗi đau ấy không có gì xoa dịu nổi. Nhưng mẹ không lẻ loi, bởi luôn nhận được quan tâm của Đảng, Nhà nước, tỉnh, huyện và cộng đồng xã hội dành cho mẹ. Mẹ Cải khoe, không riêng tháng 7 đâu, dịp lễ, Tết hay cả khi mẹ đau ốm các tổ chức, cán bộ địa phương cũng đến thăm hỏi, động viên chu đáo lắm. Ông Vũ Văn Hoàng, con trai của Mẹ Việt Nam Anh Hùng Lê Thị Cải xúc động nói, gia đình luôn nhận được quan tâm, giúp đỡ của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, đó là động lực để vươn lên xây đắp cuộc sống ấm no. 

Đồng chí Nguyễn Hưng Vượng, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh trao Bằng khen của
Chủ tịch UBND tỉnh cho các cá nhân người có công với cách mạng tiêu biểu.     Ảnh: Dương Phúc

Trước sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, ông Nịnh Văn Kim, dân tộc Cao Lan, thương binh 4/4, thôn 24, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) cũng không giấu được niềm xúc động. Ông Kim tham gia kháng chiến chống Mỹ, rồi làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, trở về địa phương với vết thương trên mình nhưng nỗi đau lớn hơn là người con trai của ông là Nịnh Văn Anh bị nhiễm chất độc hóa học từ ông. Ông đau đớn và dường như mất đi niềm tin cuộc sống nhưng được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, tỉnh đã giúp ông đứng vững. Ông Kim bảo, mỗi tháng 2 cha con được hưởng trên 4 triệu đồng tiền trợ cấp, được hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh. Ấm lòng hơn khi đầu năm nay Nhà nước, Quân khu II hỗ trợ gia đình xây dựng lại căn nhà mới.

Chăm lo cho thân nhân liệt sỹ, thương, bệnh binh, hoạt động tri ân những người đã nằm xuống vì độc lập của dân tộc, tự do của Tổ quốc đã được tổ chức từ trung ương đến địa phương. Trong những ngày tháng 7 này, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các cơ quan, tổ chức và người dân đã dâng hương, dâng hoa, thành tâm, nghiêng mình kính cẩn trước anh linh các Anh hùng liệt sỹ. Tất cả đều bày tỏ lòng biết ơn vô hạn và khắc ghi công lao to lớn của các Anh hùng liệt sỹ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình để bảo vệ từng tấc đất, bờ cõi biên cương thiêng liêng của Tổ quốc. Bởi ở mỗi mảnh đất linh thiêng hình chữ S, máu của các anh đã hòa chung với dòng máu anh hùng, kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam.

Ngôi nhà tình nghĩa của Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Nhớn, 103 tuổi, tổ 9, phường An Tường (TP Tuyên Quang)
hoàn thiện từ sự hỗ trợ của cộng đồng.  Ảnh: Quốc Việt

Nhân rộng phong trào ​“Đền ơn đáp nghĩa”

 Chăm lo tốt hơn đối với các gia đình chính sách và những người có công với cách mạng, đảm bảo tất cả các gia đình chính sách đều có cuộc sống bằng hoặc khá hơn mức sống trung bình so với nhân dân địa phương trên cơ sở kết hợp 3 nguồn lực: Nhà nước, cộng đồng và cá nhân đối tượng chính sách tự vươn lên là mục tiêu được Đảng, Nhà nước và tỉnh ta hướng đến. Thực hiện mục tiêu này, những năm qua, tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về ưu đãi người có công để các tầng lớp nhân dân hiểu rõ hơn và tích cực tham gia phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”.

Trải qua 3 cuộc kháng chiến giữ nước của dân tộc, Tuyên Quang đã đóng góp không nhỏ về sức người và sức của, góp phần đưa đất nước đến ngày độc lập, thống nhất. Xương máu các Anh hùng liệt sỹ đã thấm sâu vào lòng đất mẹ, bồi đắp cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Và hàng năm, cứ đến dịp 27-7, nhiều nơi tổ chức ngày giỗ chung, tri ân những người đã ngã xuống vì sự nghiệp cách mạng.

Việc thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng và thân nhân trên địa bàn tỉnh luôn được cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đặc biệt quan tâm, chăm lo chu đáo, thực hiện nghiêm túc, đúng, đầy đủ và kịp thời. Đời sống vật chất và tinh thần của người có công với cách mạng từng bước được nâng lên. Hiện toàn tỉnh đang thực hiện chi trả chế độ ưu đãi hàng tháng cho trên 6.800 người có công với cách mạng và thân nhân; giải quyết trợ cấp một lần cho trên 38.000 nghìn người được Nhà nước tặng Huân chương, Huy chương kháng chiến. Đặc biệt vào ngày Thương binh - Liệt sỹ 27-7 và Tết Nguyên đán lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho người có công với cách mạng.

Lễ bàn giao nhà ở cho thương binh hạng 4/4 Nịnh Văn Kim, thôn 24, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang).

Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được nhân rộng và có sự chung tay góp sức của toàn xã hội. Các cơ quan, tổ chức đã nhận phụng dưỡng 8 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; đỡ đầu 41 cháu là con thương binh, bệnh binh nặng; 7 thương binh nặng đang được chăm sóc sức khỏe, nuôi dưỡng tại 5 Trung tâm nuôi dưỡng của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; trợ cấp ưu đãi học sinh sinh viên cho 641 lượt cháu; trang cấp dụng cụ chỉnh hình 1.405 lượt người. Quỹ Đền ơn đáp nghĩa các cấp hàng năm vận động được trên 4 tỷ đồng, được sử dụng hỗ trợ người có công với cách mạng có khó khăn về nhà ở hoặc gặp khó khăn, ốm đau đốt xuất. Việc thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” là tình cảm, trách nhiệm của toàn xã hội.

Anh Phạm Nhật Tân, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và thương mại Nhật Tân (TP Tuyên Quang) cho rằng, anh và đội ngũ doanh nhân được kinh doanh trong môi trường hòa bình, ổn định như ngày hôm nay là nhờ công lao to lớn của các Anh hùng liệt sỹ, gia đình chính sách. Vậy nên, hàng năm anh tích cực đóng góp Quỹ đền ơn đáp nghĩa, thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ gia đình chính sách làm nhà ở hàng trăm triệu đồng. Anh luôn cố gắng đẩy mạnh sản xuất kinh doanh để đóng góp thật nhiều cho hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cuộc sống gia đình chính sách ngày càng tốt hơn.

Các công trình ghi công liệt sỹ cũng được xây dựng, tôn tạo, tu bổ, nâng cấp; phần mộ các liệt sỹ được coi sóc chu đáo đã và đang làm ấm lòng người ở lại, góp phần giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.

Chiến tranh đã qua rồi nhưng ký ức về một thời bom đạn còn mãi để nhắc nhở thế hệ trẻ hôm nay biết gìn giữ, trân quý giá trị hòa bình, thực hiện tốt sự tri ân với những người đã ngã xuống và thân nhân của họ vì sự bình yên của Tổ quốc, vì sự phát triển của quê hương và hạnh phúc của nhân dân.
                                                                                                                                                     Bài, ảnh: Đoàn Thư


Ý chí của thương binh Nhữ Công Lương

Trở về nhà sau trận chiến ác liệt với nhiều thương tích còn trên cơ thể, song ông Nhữ Công Lương (trong ảnh), thương binh hạng 3/4 ở thôn 1, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) không một phút bi lụy. Ông tự tìm cách xoay sở, khắc phục khó khăn để vươn lên trong cuộc sống, làm giàu hiệu quả trên chính mảnh đất quê hương. Tấm gương của ông khiến ai cũng nể phục…

Ông Lương từng tham gia chiến tranh biên giới phía Bắc những năm 1983, 1984 và bị thương.

Chiến tranh kết thúc, ông Lương trở về nhà như bao đồng đội xoay sở làm kinh tế để nuôi gia đình. Năm 1991, 2 vợ chồng ông dựng một ngôi nhà nhỏ ra ở riêng nơi cánh đồng hoang vắng. Ông Lương bảo, may là được Nhà nước cắm đất, “có sức người thì sỏi đá cũng thành cơm”. Quả thực từ chỗ thiếu thốn trăm bề, vợ chồng ông chăm chỉ làm ăn, chăn nuôi nhỏ “lấy ngắn nuôi dài” từ nuôi gà đẻ, nuôi vịt... rồi chuyển hướng sang đầu tư mua máy xay xát kết hợp nấu rượu, nuôi lợn nái, lợn thịt. Sau khi giá lợn hơi bấp bênh, dịch tai xanh ập đến, gia đình ông lại chuyển hướng sang nuôi hươu sao, nuôi trâu nhốt chuồng. Nhờ đầu óc nhanh nhạy, áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt mà mô hình kinh tế tổng hợp phát triển, đem lại thu nhập ổn định. Từ năm 2008, gia đình ông Lương đã xây được nhà 2 tầng khang trang, 2 con ông được nuôi ăn học đầy đủ, người con cả đang làm nghề lái xe và người con gái thứ 2 đã trở thành giáo viên một trường mầm non trên địa bàn tỉnh.

Ghi nhận những nỗ lực của người thương binh trong thời bình, ông Lương từng nhiều lần được khen thưởng, là thương binh tiêu biểu được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tặng Bằng khen. Mới đây, tại buổi gặp mặt nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27-7-1947 - 27-7-2022) do tỉnh tổ chức, ông Lương vinh dự là 1 trong 100 người có công tiêu biểu được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen.

                                                                                                                                                              Bài, ảnh: Huy Hoàng


Ông Chính ủng hộ 10 triệu đồng xây dựng nhà bia

Ông Nguyễn Mạnh Chính (trong ảnh), thôn Đồng Bả, xã Hòa Phú (Chiêm Hóa) là thương binh hạng 4/4 có nhiều đóng góp với phong trào của hội.

Năm 1980 ông trở về địa phương sau gần chục năm gắn bó với chiến trường biên giới Campuchia. Trải qua nhiều nghề, đến năm 2012 ông Chính  cùng vợ tự tay cải tạo 1 ha diện tích đất đồi để trồng cây keo, vay vốn họ hàng mua 3 con trâu nuôi sinh sản và chăn nuôi gà thả vườn. Kinh tế dần vào ổn định, đến năm 2016 ông đã có trong tay gần 15 con trâu sinh sản, ông cải tạo được nhà, mua thêm 5 ha đất rừng để tiếp tục trồng cây phát triển kinh tế.

Mỗi năm, gia đình ông Chính thu trên 150 triệu đồng, là hộ có mức thu nhập cao ở xã Hòa Phú. Trong công tác hội, ông Chính cũng là cựu binh gương mẫu luôn giúp đỡ đồng đội trong thời bình, ông thường xuyên động viên các gia đình hội viên có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhiệt tình giúp đỡ về kỹ thuật, về vốn để phát triển kinh tế. Đầu năm 2020, ông Chính đã tự vận động gia đình, con cháu ủng hộ cho UBND xã Hòa Phú số tiền 10 triệu đồng để xây dựng nhà bia ghi tên liệt sỹ.

Đồng chí Nguyễn Đình Viên, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phú cho biết: Gia đình thương binh Nguyễn Mạnh Chính là tấm gương sáng trong xây dựng gia đình văn hóa, gia đình hiếu học của xã. Ngoài làm kinh tế giỏi, ông Chính cũng có những người con vô cùng thành đạt, ủng hộ rất nhiều về vật chất cho xã trong xây dựng Nông thôn mới. Mới đây, ông Chính cũng vinh dự được đi dự Hội nghị gặp mặt, biểu dương người có công tiêu biểu được tổ chức tại TP. Tuyên Quang.
                                                                                                                                                                      Bài, ảnh: Lê Duy


Đi đầu trong hiến đất làm đường

Trong phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn, ông Hoàng Văn Pao (trong ảnh), thôn Bắc Lè, xã Đà Vị (Na Hang) là cựu chiến binh nêu gương sáng chung sức xây dựng nông thôn mới.

Ông Pao là thương binh hạng 4/4, năm 1973, ông xuất ngũ trở về địa phương lập nghiệp. Năm 2008, ông vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Na Hang để đầu tư mở rộng diện tích rừng lên 6 ha và nuôi trâu sinh sản. Năm 2015, gia đình ông Pao trở thành hộ khá trong xã với 11 con trâu và xây được nhà cửa khang trang, có của ăn, của để. Là thương binh, ông luôn ý thức mình phải có trách nhiệm với quê hương, năm 2021, sau khi xã triển khai xây dựng tuyến đường nối từ thôn Bắc Lè đến xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể (Bắc Kạn), ông Pao đã chủ động hiến 500 m2 đất đang trồng cây để mở đường. Ông cho biết: Thôn Bắc Lè còn nghèo, ngày xưa không có đường, đi lại vô cùng khó khăn, nay Nhà nước đầu tư làm đường, lại là Bộ đội Cụ Hồ nên phải có trách nhiệm với quê hương. Ông chỉ nghĩ đơn giản vậy thôi.

Chủ tịch UBND xã Đà Vị Hà Văn Dũng cho biết, ông Pao đã có những đóng góp tích cực trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới. Ông là Chi hội trưởng Cựu chiến binh có nhiều đóng góp trong công tác giảm nghèo, tận tình giúp đỡ đồng đội về kỹ thuật, con giống để vươn lên làm kinh tế. 
                                                                                                                                                                   Bài, ảnh: Duy Trang

Tin cùng chuyên mục