Còn nhiều khó khăn khi tổ chức dạy học trực tuyến

- Dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp khiến nhiều trường học trên địa bàn tỉnh phải chuyển từ dạy học trực tiếp sang trực tuyến. Tuy nhiên, việc dạy học trực tuyến gặp không ít khó khăn khi nhiều học sinh thiếu thiết bị để học tập, dạy học sinh lớp 1, 2 khó thực hiện, việc giám sát cũng hết sức khó khăn...

Mới đây, ngày 26-2, UBND tỉnh có văn bản số 571/UBND - KGVX về việc điều chỉnh phương án tổ chức dạy học theo đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo, áp dụng từ ngày 28-2 cho đến khi có thông báo mới. Theo đó, đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện Lâm Bình, Na Hang tiếp tục tổ chức dạy học trực tiếp, trực tuyến theo phương án số 02/PA - BCĐ, ngày 6-11-2021 của Sở Giáo dục và Đào tạo và đảm bảo công tác phòng, chống dịch theo quy định. Đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn các huyện Chiêm Hóa, Hàm Yên, Sơn Dương, Yên Sơn và thành phố Tuyên Quang thì trẻ em mầm non nghỉ học, học sinh tiểu học, THCS học trực tuyến; học sinh lớp 9, THPT và giáo dục thường xuyên tổ chức dạy học theo phương án số 02/PA - BCĐ, ngày 6-11-2021 của Sở Giáo dục và Đào tạo.

 Giáo viên Trường Tiểu học Đội Cấn (TP Tuyên Quang) dạy học trực tuyến cho học sinh.

Với phương án trên thì nhiều trường học trên địa bàn tỉnh tiếp tục tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh. Việc dạy học trực tuyến trong suốt thời gian dài kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay đã được ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh triển khai. Tuy nhiên cũng gặp không ít những khó khăn, vướng mắc như học sinh thiếu thiết bị học tập, dạy học trực tuyến đối với học sinh tiểu học kém hiệu quả, phụ huynh khó quản lý con khi ở nhà vì phải đi làm…

Gia đình chị Hoàng Thị Minh Thức ở tổ 13, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) có 2 con học tiểu học và THCS. Sau Tết, dịch bùng phát mạnh, nhà trường chuyển sang dạy học trực tuyến đòi hỏi phải có 2 thiết bị như điện thoại hay máy tính, vì thế chị Thức phải nhường máy tính chon con vì sợ con học trên điện thoại màn hình nhỏ sẽ hại mắt. Chị Thức cho biết, các con ở nhà tự học cũng rất khó quản lý, bố mẹ đi làm nhiều lúc cũng không yên tâm, mong là dịch bệnh sớm được kiểm soát để các con sớm được tới trường.
Thực tế ở nhiều trường, tỷ lệ học sinh có thiết bị đáp ứng việc học trực tuyến còn khá thấp khiến việc tổ chức dạy học trong mùa dịch gặp khó khăn. Cô giáo Nguyễn Thị Thu Huyền, Hiệu trưởng Trường THCS Xuân Vân (Yên Sơn) cho biết, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp, nhà trường đã chuyển sang dạy học trực tuyến cho học sinh từ ngày 17-2 đến nay. Tuy nhiên, tỷ lệ học trực tuyến chỉ được gần 40% do nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, không có đủ thiết bị để học tập. Đối với những học sinh không được học trực tuyến, nhà trường cử giáo viên giao bài tập bản giấy, liên lạc trao đổi bài với học sinh qua điện thoại, tin nhắn zalo của bố mẹ… cố gắng không để việc học tập bị ngắt quãng.

Nhiều phụ huynh chi tiền triệu để sắm sửa thiết bị cho con học online. Ảnh: Cảnh Trực

Tình trạng thiếu thiết bị và sóng không ổn định cũng là những trở ngại chính trong việc tổ chức dạy học trực tuyến. Đồng chí Lê Duy Thiệp, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chiêm Hóa cho biết, theo phương án chỉ đạo mới của tỉnh, Chiêm Hóa là địa phương chuyển sang dạy học trực tuyến cho học sinh tiểu học và THCS từ ngày 28-2. Việc chuyển sang dạy học trực tuyến đối với giáo viên thì không khó vì các thầy, cô đều đã được tập huấn, có đầy đủ thiết bị dạy học nhưng học sinh thiếu thiết bị học trực tuyến rất nhiều. Cùng với đó, nhiều học sinh ở vùng sâu, vùng xa sóng yếu, chập chờn nên cũng không thể học được. Hiện phòng đang chỉ đạo các trường rà soát số học sinh thiếu thiết bị học tập để bố trí hình thức ôn tập cho các em như giao bài tập về nhà, tổ chức dạy bù trong thời gian thích hợp…để đảm bảo mục tiêu năm học.  

Việc dạy học trực tuyến đối với học sinh THCS, THPT thuận lợi hơn, song đối với học sinh tiểu học, nhất là học sinh lớp 1, lớp 2 rất khó thực hiện bởi các em còn nhỏ chưa tự kết nối thiết bị với lớp học trực tuyến được. Cùng với đó việc dạy học gián tiếp khó thu hút được các em, việc quản lý học sinh cũng rất khó nếu không có bố mẹ ngồi cùng…Thầy giáo Lê Đức Thịnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đội Cấn (TP Tuyên Quang) nói, hiện nay tỷ lệ học sinh nhà trường học trực tuyến khoảng hơn 60% còn lại thực hiện theo hình thức giao bài về nhà. Để nâng tỷ lệ học sinh học trực tuyến, trường tổ chức dạy học vào cả buổi tối để phụ huynh có thể ngồi cùng hướng dẫn các con. Tuy nhiên, việc dạy học trực tuyến đối với cấp tiểu học cũng rất khó khăn vì tính hấp dẫn của giờ học giảm đi, học sinh thiếu thiết bị học trực tuyến…

Em Lê Quốc Tuấn, lớp 11B5, Trường THPT Sơn Dương học trực tuyến qua điện thoại thông minh do nhà trường tặng.

Trước đó, theo rà soát của Sở Giáo dục và Đào tạo, toàn tỉnh có khoảng trên 30.000 học sinh là con hộ nghèo, cận nghèo chưa có thiết bị học trực tuyến. Do vậy, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã kêu gọi, huy động các nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội hóa ủng hộ cho Chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Nhiều trường học đã phát động toàn trường ủng hộ cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn của trường mình, giúp các em có thiết bị học tập trong mùa dịch. Em Lê Quốc Tuấn, lớp 11B5, Trường THPT Sơn Dương cho biết, em mồ côi cả cha và mẹ, hiện em sống cùng bà nội già yếu. Bà lo chi phí cho em đi học đã rất khó rồi. May mắn em cùng 6 bạn khác được nhà trường tặng chiếc điện thoại thông minh để học trực tuyến, em rất biết ơn và sẽ cố gắng khắc phục hoàn cảnh học tập thật tốt để không phụ sự quan tâm của thầy cô và bạn bè dành cho mình.  

Việc tổ chức dạy học trực tuyến hiện nay là giải pháp tạm thời trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh đang có diễn biến phức tạp. Do vậy, cùng với việc khắc phục khó khăn trong tổ chức dạy học trực tuyến, các trường học cũng cần chủ động phương án, kịch bản phòng, chống dịch bệnh Covid-19 sau khi có kế hoạch dạy học trực tiếp trở lại theo phương châm dạy học thích ứng an toàn với dịch bệnh theo chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh.

Bài, ảnh: Huy Hoàng

Tin cùng chuyên mục