Gỡ khó trong thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới

- Sau một thời gian triển khai, Chương trình Giáo dục phổ thông mới đã đem lại những kết quả tích cực khi nội dung được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực, giúp người học biết vận dụng kiến thức vào đời sống. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn bộc lộ những khó khăn, hạn chế nhất định, đòi hỏi phải có giải pháp cụ thể trong thời gian tới.

Theo lộ trình, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 bắt đầu thực hiện đối với lớp 1 từ năm học 2020 - 2021; đối với lớp 2, lớp 6 từ năm học 2021 - 2022, đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10 từ năm học 2022 - 2023. Theo đánh giá của ngành Giáo dục và Đào tạo, sau 2 năm triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới đã đạt được những kết quả tích cực, đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng, mục tiêu giáo dục, đào tạo đã đề ra. Chất lượng giáo dục đại trà, mũi nhọn tiếp tục nâng lên. Tuy nhiên, ngành cũng chỉ ra những hạn chế đó là: việc dạy và học trực tuyến kéo dài trong bối cảnh dịch Covid-19 còn mang tính tạm thời, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục; tỷ lệ giáo viên/lớp bình quân chưa đáp ứng được yêu cầu; sách giáo khoa lớp 1, lớp 2 và lớp 6 biên soạn theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 còn có ý kiến phản ánh chưa phù hợp với một số vùng, miền; mạng lưới trường lớp, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; chất lượng giáo dục giữa các vùng, miền có sự chênh lệch lớn...

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Việt Phương kiểm tra tình hình thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 tại Trường THPT Chiêm Hóa.

Trường Tiểu học và THCS Đông Thọ (Sơn Dương) hiện còn thiếu một số phòng học và phòng chức năng, và đồ dùng, trang thiết bị theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Cô giáo Nguyễn Thị Bình Minh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhà trường đã cử 100% cán bộ, giáo viên tham gia các lớp tập huấn do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức; linh hoạt trong bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, giáo viên, cơ sở, trang thiết bị để có những đổi mới, nâng cao chất lượng trong năm học 2022 - 2023.

Tại trường THPT Sông Lô (TP Tuyên Quang), công trình nhà hiệu bộ được đầu tư xây dựng từ năm 1978 nay đã xuống cấp nghiêm trọng không đảm bảo an toàn sử dụng. Cùng với đó nhà trường còn thiếu 8 giáo viên để thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018 do tăng lớp, chưa có nhà đa năng, chưa có các phòng tổ chuyên môn, chưa có các phòng học bộ môn Vật lý, Hóa học, Sinh học...

Cô giáo Hoàng Thị Thu Hằng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, khắc phục những khó khăn, nhà trường sẽ bố trí học 2 ca để lấy các phòng học làm phòng chức năng và phòng học bộ môn. Nhà trường cũng đề nghị với 

Sở Giáo dục và Đào tạo điều động, bổ sung số cán bộ, giáo viên còn thiếu; đề nghị đầu tư xây dựng mới thay thế các công trình bị xuống cấp và còn thiếu...

Nhằm đánh giá, cũng như có những chỉ đạo sát sao trong thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018, vừa qua, Đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Hoàng Việt Phương, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng đoàn đã đi kiểm tra tình hình thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra cho thấy, các trường đã có sự chuẩn bị, sắp xếp cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, giáo viên cho phù hợp, tập huấn cho cán bộ, giáo viên, đổi mới công tác dạy học theo chương trình mới. Tuy nhiên, hiện nay, hệ thống cơ sở vật chất của nhiều trường chưa đáp ứng được, thiếu nhiều trang thiết bị, phòng học chức năng, phòng máy tính, vẫn có cán bộ, giáo viên chưa nắm rõ về nhà trường... Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chia sẻ những khó khăn với các nhà trường và đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục rà soát, thống kê cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu để báo cáo, có phương án đề xuất đầu tư, xây dựng trong thời gian tới. Đồng thời lưu ý các trường cần quản lý, sử dụng tốt hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng... đã được đầu tư, trang cấp. Trong dạy học, cần rút kinh nghiệm từ năm học trước khi thực hiện chương trình mới để triển khai hiệu quả đối với lớp 3, 7, lớp 10 trong năm học mới 2022 - 2023; tập huấn đầy đủ cho cán bộ, giáo viên về Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến học sinh, phụ huynh và nhân dân để tạo sự đồng thuận khi thực hiện chương trình... 

Điểm mới của Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 là đối với cấp tiểu học, bắt đầu từ lớp 3 môn Tiếng Anh và Tin học là môn học bắt buộc. Với chương trình lớp 7 mới sẽ không còn hai môn Sinh học, Vật lý mà thay bằng Khoa học tự nhiên. Hai cặp môn Lịch sử và Địa lý, Âm nhạc và Mỹ thuật được tích hợp lại. Đối với lớp 10 là năm đầu tiên trong giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp nên có sự thay đổi rõ rệt, học sinh học 8 môn và hoạt động bắt buộc. Cùng với đó là các môn học lựa chọn và chuyên đề lựa chọn. Với những yêu cầu này, hệ thống cơ sở vật chất, nhất là số phòng học chức năng, phòng tin học trên địa bàn tỉnh còn thiếu nhiều. Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, toàn tỉnh còn thiếu hơn 4.000 giáo viên các bậc học, năm học 2021 - 2022 tỷ lệ phòng học kiên cố ở các cấp học trên địa bàn tỉnh mới chỉ đạt 57,9%, trong khi đó bình quân của khu vực là 70%, của cả nước là hơn 80%...

Để khắc phục tình trạng trên, ngành Giáo dục đã đề ra những giải pháp cụ thể như: thực hiện kế hoạch dồn ghép, sắp xếp trường, điểm trường, lớp học để đảm bảo nâng cao chất lượng giáo dục và tiết kiệm biên chế giáo viên để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Đồng thời, giảm tối đa định mức nhân viên trong các đơn vị trường học để dành biên chế bố trí đủ định mức giáo viên; xây dựng chính sách khuyến khích phát triển giáo dục mầm mon, phổ thông ngoài công lập để giảm tải cho các cơ sở giáo dục công lập…

Với những nhiệm vụ, giải pháp đã được triển khai, hy vọng năm học mới sẽ đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhất là việc đổi mới thực hiện hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018.

Bài, ảnh: Huy Hoàng

Tin cùng chuyên mục