Nét bút tri ân

- Khi những tiếng ve ngân vang cũng là lúc báo hiệu một mùa hè đang đến gần, một năm học nữa đang dần khép lại. Đối với những cô cậu học trò cuối cấp đây là khoảng thời gian chia tay lớp học, bạn bè và thầy cô đầy lưu luyến. Đó cũng là lúc các em chuyền tay nhau những trang lưu bút tuổi học trò và chắp bút viết những cánh thư tri ân.

Đối với học sinh cuối cấp, những dòng thư tri ân là cách các em bày tỏ tình cảm, lòng biết ơn đối với những người lái đò đã dìu dắt mình đến những bến bờ của tri thức. Em Nguyễn Phương Linh, lớp 9B, trường THCS Phan Thiết (TP Tuyên Quang) bắt đầu lá thư tri ân của mình bằng câu thơ: “Lặng xuôi năm tháng êm trôi/Con đò kể chuyện một thời rất xưa/Rằng người chèo chống đón đưa/Mặc cho bụi phấn giữa trưa rơi nhiều…”. Em tâm sự, đối với chúng em, những lá thư tri ân là cách đơn giản nhất để bày tỏ nỗi lòng và gửi gắm lời cảm ơn chân thành nhất đến các thầy cô giáo trong suốt những năm học vừa qua. Cùng với đó, chúng em cũng hứa sẽ cố gắng ôn luyện, học tập thật tốt để chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10 sắp tới. Em nghĩ đó là cách tốt nhất để báo đáp lại công ơn dưỡng dục của thầy cô.


Học sinh lớp 12 trường THPT Hòa Phú (Chiêm Hóa) viết thư tri ân gửi cha mẹ, thầy cô.

Sống với ông bà từ nhỏ, lá thư tri ân của em Bàn Thị Huệ, lớp 12C2, trường THPT Hòa Phú (Chiêm Hóa) có chút khác biệt đối với các bạn cùng trang lứa. Em chia sẻ, bằng hình thức viết thư tay, em đã nói lên được suy nghĩ, tình cảm dành cho ông bà. Không chỉ là lời cảm ơn công lao chăm lo, nuôi dưỡng, em cũng gửi đến ông bà lời xin lỗi chân thành nhất bởi có những lúc em ngỗ nghịch, ông bà vẫn ở bên động viên, bảo ban em học tập thật tốt để nên người.

Đối với nhiều em học sinh bậc tiểu học, thay vì viết thư, nhiều em đã bộc lộ cảm xúc của mình về mái trường, thầy cô và gia đình thông qua những bức tranh đầy màu sắc. Em Bàn Quỳnh Như, lớp 5A, trường Tiểu học Yên Nguyên (Chiêm Hóa) nói, em đã vẽ 2 bức tranh để gửi đến cô giáo và mẹ. Một bức tranh cô giáo cùng em vui chơi ở trên sân trường và một bức tranh cả gia đình em cùng nhau đi chơi công viên. Em mong rằng cô giáo và mẹ sẽ hiểu được tình cảm của em thông qua bức tranh. Em hứa sẽ học tập, rèn luyện thật tốt để luôn xứng đáng là con ngoan, trò giỏi.

Những cánh thư tri ân, những nét vẽ trên bức tranh đầy cảm xúc là một trong những nét đẹp nhân văn đánh dấu sự trưởng thành của mỗi cô cậu học trò. Có lẽ vì thế mà mỗi thầy cô giáo, các bậc phụ huynh khi cầm lá thư trên tay cảm thấy xúc động và trân trọng hơn cả. Anh Nguyễn Kim Hiếu, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) tâm sự, con gái anh hiện đang học lớp 9 và chuẩn bị có bước ngoặt lớn khi bước vào cấp THPT. Thông qua lá thư tri ân con gái viết tặng cha mẹ, anh đã thấu hiểu hơn suy nghĩ, nỗi lo lắng cũng như tình cảm chân thành mà con dành tặng cho gia đình. Bằng hình thức viết thư, các con cũng rút ra được bài học về lòng biết ơn và sự kính trọng đối với thầy cô giáo, những người luôn cần mẫn dìu dắt các em học tập, rèn luyện nên người.

Hoạt động viết thư tri ân của các em học sinh cuối cấp được nhiều trường học duy trì bởi ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Thông qua những cánh thư tri ân, ước mơ và nguyện vọng của các em học sinh được bộc lộ, từ đó giúp các em tiếp tục cố gắng vững bước trên con đường dài tương lai.         

Bài, ảnh: Lê Thùy

Tin cùng chuyên mục