Những ngày vui được đến trường

- Những ngày nghỉ học kéo dài do dịch bệnh giờ đã được thay bằng niềm vui đến trường. Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đang tiếp tục nỗ lực thực hiện các giải pháp dạy học thích ứng an toàn, cố gắng kiểm soát tốt dịch bệnh để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.

Các trẻ trường Mầm non Sơn Nam (Sơn Dương) vui chơi ở trường.

Đang giờ nghỉ trưa, chị Nguyễn Thùy Linh ở Phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) nhận được tin nhắn thông báo qua zalo của cô giáo chủ nhiệm: “Sau nghỉ dịch đi học trở lại các con ngoan lắm, bố mẹ yên tâm nhé!”. Kèm theo tin nhắn là những đoạn video, hình ảnh trẻ đang chơi đùa, chơi trò chơi vui vẻ bên trong lớp học. Chị Linh bảo, khi con được đi học trở lại cả gia đình ai cũng vui, buổi chiều đón con về, con líu lô kể những chuyện vui trên lớp, những câu chuyện cổ tích, trò chơi, bài hát mới được cô dạy… Chị mong rằng từ nay dịch bệnh sẽ không phức tạp thêm để các con tiếp tục được đến trường, nối dài những ngày vui.

Học sinh trường THCS Xuân Vân (Yên Sơn) chơi thể thao trong giờ nghỉ.

Vừa quay trở lại trường học sau nhiều tháng nghỉ dịch, các em học sinh trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Lâm Bình đã được tham gia Phiên giao dịch việc làm tổ chức ngay gần trường. Ở phiên giao dịch này, các em được tìm hiểu về nhiều ngành nghề khác nhau, được tham quan các gian hàng của các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề. Những máy móc, thiết bị…vốn các em chỉ được nhìn qua tranh, ảnh, sách vở thì nay được tận mắt chứng kiến. Em Quan Thị Thu Hằng, dân tộc Pà Thẻn, lớp 9A vui vẻ nói, được đi học trở lại, được tham gia hoạt động ngoại khóa hướng nghiệp chúng em vui lắm. Từ đó giúp chúng em định hình được nhiều công việc, ngành nghề khác nhau. Năm nay đã là năm cuối cấp rồi nên em sẽ cố gắng học thật tốt để thi đỗ cấp 3, học xong cấp 3 em sẽ đăng ký đi học nghề để sau này có việc làm ổn định, giúp đỡ gia đình được nhiều hơn.

Niềm vui của cô, trò trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Lâm Bình.

Tiếng học sinh đánh vần ê a, tiếng đọc từ vựng Tiếng Anh, những bước chân rộn rã, tiếng nô đùa… đã trở lại những ngôi trường sau những ngày im ắng vì phải tạm thời đóng cửa, học sinh phải tạm dừng đến trường do dịch bệnh phức tạp. Trong những ngày học sinh nghỉ học, ngày nào cô giáo Bùi Thị Nga, Phó Hiệu trưởng trường THCS Kim Phú (TP Tuyên Quang) cũng tới trường, cùng các thầy cô khác dạy trực tuyến, vệ sinh trường, lớp, các thiết bị để tránh bị ẩm mốc, hỏng hóc. Cô Nga bảo, làm giáo viên sợ nhất là không được nhìn thấy học sinh đến trường hàng ngày, nhìn những lớp học im lìm, cảm giác thật trống vắng. Hiện giờ tình hình dịch bệnh đã dần được kiểm soát, học sinh được đi học trở lại và nền nếp đã ổn định. Toàn trường có hơn 600 học sinh thì tỷ lệ đến trường đã đạt hơn 90%, số học sinh là F0 đã giảm dần, trong những ngày tới chắc chắn số học sinh được đến trường học trực tiếp sẽ tăng lên.

Học sinh trường Tiểu học Đội Cấn (TP Tuyên Quang) rửa tay sát khuẩn trước khi vào lớp phòng, chống dịch Covid-19

Thực hiện phương án tổ chức dạy học thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, đến nay, hầu hết các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã đón học sinh trở lại trường học tập, trừ những cơ sở giáo dục ở địa phương (cấp xã) có cấp độ dịch 4 (vùng đỏ) thì các cơ sở giáo dục mới cho trẻ mầm non nghỉ học; học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên sẽ chuyển sang học trực tuyến. Việc giáo viên, học sinh được đến trường dạy và học đã góp phần giải tỏa những căng thẳng và cả những áp lực rất lớn sau quãng thời gian dài phải tạm dừng đến trường. Cô giáo Ma Thị Nương, trường Tiểu học thị trấn Na Hang chia sẻ, dạy học trực tiếp ở trường vẫn là hiệu quả nhất bởi sự tương tác giữa giáo viên và học sinh dễ dàng. Thầy, cô có thể quan sát những biểu cảm của từng em, dành nhiều thời gian hơn cho các em, học sinh tiếp thu kiến thức cũng tốt hơn.

Dạy trẻ nhận biết đồ vật tại trường Mầm non Tân Trào (TP Tuyên Quang).

Cùng với việc mở cửa lại các trường học, hiện ngành giáo dục và ngành y tế đang chuẩn bị các điều kiện để tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, để việc đi học trở lại của học sinh được an toàn và thuận lợi nhất. 

Bài, ảnh: Huy Hoàng

Tin cùng chuyên mục