Sợi dây kết nối

- Những điều ước, mong muốn tưởng chừng giản đơn của các em học sinh thông qua hòm thư “Điều em muốn nói” là cơ sở để các thầy cô giáo hiểu và có những phương pháp giáo dục phù hợp.

Em Phạm Hoàng Gia Linh, học sinh lớp 5E, trường Tiểu học Hồng Thái ví “Ước mơ như ngọn hải đăng chiếu sáng, chỉ đường dẫn lối cho mỗi người đi tới đích và ước mơ của em là được làm giáo viên”. Để thực hiện ước mơ ấy, em Gia Linh tự nhận thức được mình phải cố gắng học tập thật tốt, trau dồi kiến thức để có thể biến ước mơ của mình thành hiện thực. Hay như mong ước của em Nguyễn Bảo Ngọc, lớp 5B, có mẹ đi công tác chống dịch tại Hà Nội, em ở nhà với bố và ông nội. Dù rất nhớ mẹ nhưng em không dám khóc để mẹ có thể yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Em gửi những mong ước của mình vào lời viết, em mong dịch bệnh sẽ qua đi, mong mẹ sớm trở về để có thể dạy em học.

Các em học sinh trường Tiểu học Hồng Thái (TP Tuyên Quang) gửi gắm tâm tư của mình qua hòm thư.

Còn rất nhiều những điều ước, mong muốn của các bạn nhỏ trường Tiểu học Hồng Thái gửi gắm qua hòm thư “Điều em muốn nói”. Từ đầu năm học 2021 - 2022 đến nay, thông qua hòm thư nhà trường đã nhận được hơn 800 thư của các em học sinh với những tâm tư, tình cảm mà các em không thể nói trực tiếp được với thầy cô hay gia đình. Cô giáo Nguyễn Thị Minh Huế, Tổng Phụ trách đội, trường Tiểu học Hồng Thái cho biết, mô hình hòm thư “Điều em muốn nói” được triển khai thực hiện đã giúp nhà trường nắm bắt được những tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của các em để kịp thời giải quyết những thắc mắc, chia sẻ cùng các em. Đặc biệt, các em rất háo hức hưởng ứng mô hình này, nhiều em còn dành thời gian để trang trí, vẽ lên những bức thư trước khi bỏ vào hòm thư.

Tuy mô hình hòm thư “Điều em muốn nói” của Hội đồng Ðội tỉnh mới được phát động từ đầu năm học 2021 - 2022 nhưng đã có nhiều trường triển khai thực hiện từ nhiều nay năm. Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Na Hang (Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Na Hang cũ) với đặc thù là ngôi trường có 100% học sinh dân tộc thiểu số nên sự giao tiếp, sẻ chia với thầy và trò bị hạn chế vì học sinh còn nhút nhát, rụt rè. Mỗi khi mở hòm thư, các thầy cô giáo nhiều khi bất ngờ với những tâm tư, tình cảm của các em về cuộc sống sinh hoạt hàng ngày ở khu nội trú. Qua thư, thầy cô đã nắm được tình hình những học sinh chưa ngoan, chưa có sự tiến bộ trong học tập, vi phạm những nội quy của nhà trường. Trong bức thư của mình, bạn Bàn Thị Tâm, học sinh lớp 7 đã phản ánh tình trạng nhiều học sinh vứt rác bữa bãi, không giữ gìn vệ sinh khu sinh hoạt chung, nhiều lần được các bạn góp ý nhưng không chuyển biến. Em Tâm mong muốn, các thầy cô giáo nhắc nhở và có những hình thức xử lý để môi trường sinh hoạt chung luôn sạch sẽ. Nhờ có những ý kiến phản ánh, đã giúp Ban Giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm quan tâm, can thiệp và nhắc nhở học sinh kịp thời thay đổi.

Những tâm sự của các bạn nhỏ gửi gắm qua hòm thư.

Đồng chí Đỗ Thị Thùy Linh, Trưởng Ban Thanh thiếu nhi trường học Tỉnh đoàn cho biết, mô hình hộp thư “Điều em muốn nói” được triển khai với hình thức mỗi lớp học được đặt một hòm thư, các em học sinh sẽ viết những mong muốn, ý kiến của mình về bạn bè, thầy cô và gia đình. Những mong muốn của các em sẽ được thầy cô tổng hợp lại, những gì thuộc phạm vi của nhà trường sẽ được thầy cô nhanh chóng giải quyết, những gì thuộc về gia đình sẽ được chuyển lại cho phụ huynh. Mỗi sự sẻ chia, nguyện vọng của các em thông qua hòm thư đều được lắng nghe, thấu hiểu và tôn trọng.

Sự ngây thơ, trong sáng của các em được thể hiện qua những lá thư xinh xắn, đã giúp cho tình thầy, trò trở nên gần gũi, thân thiết hơn. Thông qua hòm thư, không chỉ giúp các em được bày tỏ tâm tư, tình cảm của mình mà còn thực sự cần thiết cho nhà trường và gia đình trong giáo dục học sinh.

Bài, ảnh: Thu Trang

Tin cùng chuyên mục