Bảo vệ trẻ em trước chất gây nghiện

Thời gian gần đây, Bệnh viện Nhi trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn… liên tục tiếp nhận trẻ vị thành niên nhập viện cấp cứu do ngộ độc cần sa, ma túy, khí N2O (bóng cười), thuốc lá điện tử có chất gây nghiện… Các loại chất gây nghiện ngày càng “biến hóa” tinh vi, ẩn nấp dưới nhiều hình thức. Do đó, gia đình và nhà trường cần có các biện pháp quyết liệt hơn nữa để bảo vệ, hướng trẻ đến lối sống lành mạnh.

Bác sĩ Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) thăm khám cho bệnh nhi ngộ độc thuốc lá điện tử. Ảnh: Khánh Chi

Hôn mê, co giật... sau khi dùng cần sa, thuốc lá điện tử

Các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực nội khoa (Bệnh viện Nhi trung ương) vừa tiếp nhận và điều trị cho một trẻ 15 tuổi, đến từ tỉnh Tuyên Quang, nhập viện trong tình trạng nhịp tim nhanh, co giật, hôn mê… Theo kết quả xét nghiệm, bệnh nhi dương tính với các chất ma túy có trong cần sa. Cách đây 3 năm, do bạn lôi kéo, bệnh nhi có sử dụng chất gây nghiện. Sau đó, bệnh nhi đã cai nghiện. Thế nhưng, một tháng trước khi nhập viện, bé trai này lại bị bạn bè lôi kéo, tái sử dụng chất gây nghiện.

Bác sĩ Chu Thanh Sơn, Khoa Hồi sức tích cực nội khoa cho biết, khi sử dụng cần sa, người dùng thường có các triệu chứng: Nhịp tim nhanh, xung huyết kết mạc, chảy nước mắt, nói nhiều, hoang tưởng, kích động mạnh…, thậm chí có những hành vi tự gây hại cho mình và người khác. Nếu sử dụng cần sa trong thời gian dài sẽ gây ra các bệnh lý tâm thần, viêm phế quản mạn, tăng nguy cơ ung thư, rối loạn nhịp tim và bệnh lý mạch vành. Khi ngộ độc nặng có thể dẫn đến tình trạng khó thở, suy hô hấp...

Còn tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, trong một tháng trở lại đây, Khoa Cấp cứu của bệnh viện đã tiếp nhận hàng chục ca ngộ độc thuốc lá điện tử, trong đó có cả thanh, thiếu niên. Đơn cử như bệnh nhân Đ.X.Đ (15 tuổi, ở huyện Thạch Thất) được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng lơ mơ, đồng tử giãn… Sau khi tỉnh lại, Đ cho biết, đã hút thuốc lá điện tử có bơm tinh dầu. Hầu hết các dung dịch có trong thuốc lá điện tử đều chứa nicotine - một chất gây nghiện tương tự như hêrôin và cocaine. Hàm lượng nicotine trong một lọ dung dịch nhỏ tương đương với 3 bao thuốc lá truyền thống.

Tương tự, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), thời gian qua đã tiếp nhận nhiều trường hợp bị kích thích, ảo giác… sau khi sử dụng thuốc lá điện tử hoặc bóng cười. Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, kết quả kiểm nghiệm những tinh chất trong các mẫu thuốc lá điện tử được người nhà bệnh nhân mang đến cho thấy, xuất hiện những loại ma túy mới mà năng lực xét nghiệm hiện chưa thể định danh.

“Sử dụng các chất gây nghiện có thể gây ra các ngộ độc cấp tính, tác động tới thần kinh làm cho người sử dụng bị kích thích, lẫn lộn, hôn mê, co giật, rối loạn tâm thần. Đặc biệt với người trẻ, các chất gây nghiện còn làm giảm khả năng nhận thức và học tập, giảm quá trình hồi phục trí nhớ, giảm khả năng tập trung…”, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cảnh báo.


Điều trị cho một trẻ 15 tuổi bị ngộ độc cần sa tại Khoa Hồi sức tích cực nội khoa (Bệnh viện Nhi trung ương).
Ảnh: Khánh Chi

Cha mẹ, nhà trường đóng vai trò quan trọng

Trẻ vị thành niên rất dễ bị lôi kéo, dụ dỗ sử dụng chất gây nghiện. Theo Tiến sĩ Đỗ Minh Loan, Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên (Bệnh viện Nhi trung ương), cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng con cái đến một lối sống lành mạnh. Điều này càng đặc biệt quan trọng trong giai đoạn trẻ trải qua những thời điểm khó khăn, như: Quá trình thay đổi tâm sinh lý và hình thành nhân cách tuổi dậy thì, chuyển cấp học, chuyển trường hay gia đình có nhiều mâu thuẫn, cha mẹ ly hôn…

“Trẻ vị thành niên luôn tò mò, muốn thử nghiệm cảm giác lạ, muốn tự khẳng định bản thân và có xu hướng mạo hiểm trong khi chưa nhận thức được đầy đủ về tác hại mà các chất cấm gây ra. Thêm vào đó, khi muốn thoát khỏi những áp lực trong cuộc sống, trong học tập…, trẻ dễ tìm đến các chất gây nghiện. Đặc biệt, trẻ chịu ảnh hưởng rất nhiều từ bạn bè. Do đó, cha mẹ cần chú ý và quan tâm đến bạn bè của con để giúp con tránh chịu ảnh hưởng xấu, bị lôi kéo sử dụng các chất gây nghiện”, Tiến sĩ Đỗ Minh Loan phân tích.

Còn theo bác sĩ Ngô Anh Vinh, Phó Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên (Bệnh viện Nhi trung ương), nhà trường cần có hình thức tuyên truyền, giáo dục cho học sinh bằng các buổi chuyên đề hướng dẫn cách phòng, tránh các chất gây nghiện. Bên cạnh đó, với các vấn đề tâm lý, sức khỏe tâm thần đặt ra ở trẻ hiện nay, trong trường học cần tăng cường đào tạo cán bộ tâm lý chuyên trách để có thể tư vấn, sớm phát hiện những bất thường ở học sinh.

“Trẻ sử dụng chất gây nghiện thường có các biểu hiện khá rõ nét, như: Thường xuyên chán nản, rối loạn giấc ngủ, rối loạn hành vi, dễ cáu giận, học hành sa sút, thậm chí bỏ học… Trẻ thu hẹp giao tiếp với thầy cô, bạn bè do mất khả năng hòa nhập với cuộc sống. Do đó, nếu phát hiện sớm các biểu hiện này, nhà trường có thể phối hợp với gia đình để ngăn chặn. Còn khi cha mẹ thấy con có các dấu hiệu như trên cần đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời”, bác sĩ Ngô Anh Vinh khuyến cáo.

Theo Hà Nội mới

Tin cùng chuyên mục