Cảnh giác với sản phẩm phòng dịch trên mạng

Lợi dụng tâm lý lo lắng của người dân, nhiều đối tượng đã rao bán các sản phẩm phòng, chống dịch Covid-19 trên mạng xã hội như: Kit test nhanh Covid-19, trang phục phòng dịch, thiết bị y tế không rõ nguồn gốc xuất xứ... Trước tình trạng này, bên cạnh việc các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm, người tiêu dùng cần cảnh giác với sản phẩm phòng dịch được rao bán trôi nổi trên mạng.


Người tiêu dùng không nên mua những bộ kit test nhanh Covid-19 không rõ nguồn gốc trên mạng.​

 

Hàng không có nguồn gốc

Gần đây, trên một số trang thương mại điện tử và mạng xã hội rao bán bộ kit test nhanh Covid-19 với lời quảng cáo, đây là một trong 2 bộ kit xét nghiệm được cấp phép bán tại hiệu thuốc của Hàn Quốc. Một bộ gồm 2 test dùng cho 2 người hoặc 2 lần sử dụng, có kết quả ngay sau 15 phút, giá 1,1 triệu đồng/hộp. Do nhu cầu cá nhân nên nhiều người đã tự mua các sản phẩm này về để sử dụng.

"Vì ngại mất thời gian đến các cơ sở y tế xét nghiệm, tôi đã tự đặt mua một bộ kit test nhanh Covid-19 và đang đợi được giao hàng", chị Ngô Thanh Hương, nhà ở khu chung cư FLC Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) cho biết.

Tương tự, chị Nguyễn Thanh Tú, ở phường Khương Đình (quận Thanh Xuân) cũng đặt mua một bộ kit test nhanh Covid-19 qua mạng. Tuy nhiên, chị Tú cũng lo lắng là nếu các kit xét nghiệm này là giả mạo, chất lượng không bảo đảm thì không những không phát hiện ra mà còn có nguy cơ phát tán và lây lan dịch bệnh... 

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế), để nhập khẩu và lưu hành các bộ kit test nhanh Covid-19 ở Việt Nam phải thông qua hội đồng thẩm định của Bộ Y tế. Việc người tiêu dùng mua, sử dụng các sản phẩm rao bán trên mạng là rất nguy hiểm, có thể cho kết quả xét nghiệm giả, gây tâm lý hoang mang.

Không chỉ rao bán kit test nhanh Covid-19, nhiều đối tượng còn rao bán các mặt hàng chống dịch khác không rõ nguồn gốc trên mạng. Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới, các đối tượng thường rao bán khẩu trang y tế và nước sát khuẩn giá rẻ hơn so với thực tế ở các cửa hàng.

Chị Nguyễn Thị Huyền, ở xã Tân Lập (huyện Đan Phượng) cho biết: "Nghe hàng xóm giới thiệu trên mạng Facebook có mối bán khẩu trang giá rẻ, chỉ 25.000 đồng/hộp 50 chiếc, rẻ hơn ở hiệu thuốc 15.000 đồng/hộp nên tôi đã nhờ mua 4 hộp. Tuy nhiên, khi dùng khẩu trang thì có mùi hôi, nhiều chiếc khác còn bị rách, sứt chỉ".

Nắm bắt tâm lý lo lắng về tình hình dịch Covid-19 nên nhiều đối tượng bán hàng lợi dụng để quảng cáo, thổi phồng công dụng của sản phẩm. Đây cũng là lý do chính khiến nhiều vật tư y tế phòng dịch không rõ nguồn gốc xuất xứ được bán công khai trên mạng xã hội. 


Đội Quản lý thị trường số 14 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) kiểm tra lô hàng nước sát khuẩn tay
tại điểm tập kết trên địa bàn quận Thanh Xuân.

Xử lý nghiêm vi phạm

Theo các cơ quan chức năng, người tiêu dùng nên thận trọng đối với bộ kit test nhanh Covid-19 rao bán trên mạng vì sản phẩm chưa được kiểm định chất lượng và chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Để ngăn chặn tình trạng kinh doanh, buôn bán các trang thiết bị y tế phòng, chống dịch không rõ nguồn gốc trên mạng internet, các cơ quan chức năng đã đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.

Mới đây, ngày 3-6, sau khi nhận được thông tin trên mạng xã hội Facebook, Zalo rao bán thiết bị y tế, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra, phát hiện, thu giữ 29 hộp kit test nhanh Covid-19 không có hóa đơn, chứng từ bày bán tại cơ sở kinh doanh trang thiết bị y tế trên địa bàn quận Hoàng Mai.

Trước sự kiểm tra gắt gao này, nhiều tài khoản Facebook, Zalo lập tức gỡ các bài đăng tải thông tin bán bộ kit test nhanh Covid-19. Tuy nhiên, khi phóng viên Báo Hànộimới nhắn tin qua số điện thoại 0986.3862... của một tài khoản Facebook chuyên bán hàng trong nhóm ở Khu đô thị Times City (quận Hai Bà Trưng) thì nhận được trả lời vẫn có hàng để bán và gửi kèm theo hình ảnh tên thiết bị là: Covid-19-AG, giá 850.000 đồng/hộp 2 cái...

Liên quan đến vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng (Bộ Y tế) Nguyễn Đình Anh cho biết: "Chúng tôi đã nhận được thông tin một số cá nhân rao bán trên mạng nhiều mặt hàng chống dịch Covid-19 không rõ nguồn gốc. Đơn vị đã đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc để kiểm tra, đồng thời cảnh báo người tiêu dùng cần cẩn trọng khi mua hàng không rõ nguồn gốc". 

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Nguyễn Đắc Lộc, các trang thiết bị y tế phòng, chống dịch, trong đó có kit test nhanh Covid-19 thuộc nhóm mặt hàng tăng cường kiểm tra, kiểm soát. Do vậy, Cục sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội để kiểm tra, xác minh thông tin các sản phẩm đang được rao bán. Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm thì xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Còn Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ (Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương) Nguyễn Đức Lê cho rằng, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ thông tin về sản phẩm, người bán, đặc biệt không nên mua những mặt hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc trên mạng internet.

Theo Hà Nội mới

Tin cùng chuyên mục