Đồng lòng để chiến thắng

- Đợt dịch thứ 4 đang bùng phát tại nhiều địa phương ở nước ta với mức độ nguy hiểm hơn những đợt dịch trước. Cho đến 6 giờ ngày 8-6, nước ta đã có tổng cộng 7.445 ca mắc Covid-19 ghi nhận trong nước và 1.582 ca nhập cảnh. Chỉ tính riêng số ca mắc mới tính từ ngày 27-4 đến nay đã là  5.875 ca, con số cao hơn nhiều so với tổng số ca mắc của cả 3 đợt dịch trước cộng lại. Như Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã đánh giá, đợt dịch lần này phức tạp hơn các đợt dịch trước, có đa ổ dịch, đa nguồn lây, đa chủng (với chủng từ Anh và Ấn Độ) nên tốc độ lây nhiễm tăng cao hơn các đợt dịch trước.

Sau tiêm vắc xin người dân vẫn phải tuân thủ khuyến cáo
5K để phòng, chống dịch. Ảnh: K.T

Với kinh nghiệm thành công từ 3 đợt dịch trước, chúng ta vẫn tiếp tục phương châm “thần tốc” truy vết, khoanh vùng cách ly để chặn chuỗi lây nhiễm. Năng lực xét nghiệm cũng được tăng cường để đẩy nhanh tốc độ. Có thể thấy rằng, chúng ta đang huy động tổng lực các biện pháp để thực hiện bằng được “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định tinh thần “chuyển trạng thái phòng chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công, song phải hài hòa giữa phòng ngự và tấn công, bảo đảm hiệu quả cao nhất”.

Chúng ta đã thành công trong việc ngăn chặn 3 đợt dịch trước và kinh tế vẫn tăng trưởng 2,91% năm 2020, cao nhất trong khu vực, được quốc tế ca ngợi là hình mẫu chống dịch Covid-19. Nhưng chúng ta không chủ quan, như Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 đã nhấn mạnh: Chúng ta mới chỉ thắng từng trận đánh mà cả cuộc chiến vẫn còn phía trước. Việc điều chỉnh, rút kinh nghiệm để khắc phục những hạn chế trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua cũng đã được thực hiện nghiêm túc. Chúng ta có thể thấy việc khoang vùng cách ly đã đúng trọng tâm, hạn chế thấp nhất sự ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Ngay cả việc công bố thông tin cũng được thay đổi để vừa đảm bảo hiệu quả phòng, chống dịch nhưng cũng đồng thời bảo vệ nhân thân người bệnh. Ứng dụng khai báo y tế trực tuyến, ứng dụng truy vết Bluezone được khuyến cáo sử dụng nhiều hơn.

Xác định đây là cuộc chiến lâu dài, với mục tiêu đảm bảo cho 70% dân số được tiêm vắc xin để tạo miễn dịch cộng đồng trong năm 2021. Hiện nay Chính phủ, các bộ, ngành liên quan đang rất tích cực đàm phán tìm nguồn vắc xin, song song với việc chủ động nghiên cứu thử nghiệm các loại vắc xin trong nước. Theo cân đối, nguồn lực để mua và tiêm phòng vắc xin cho 75 triệu dân cần 150 triệu liều với nguồn kinh phí là 25,2 ngàn tỷ đồng.

Để có đủ kinh phí mua vắc xin tiêm phòng cho nhân dân theo mục tiêu đề ra, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19. Chỉ trong buổi tối ngày 5-6, ngay sau lễ ra mắt Quỹ, các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, bộ ngành, địa phương đã đóng góp cho quỹ 6.600 tỷ đồng và 17 tỷ đồng qua tin nhắn ủng hộ”. Quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19 là nguồn lực vô cùng quý báu và quan trọng để đất nước ta chống lại đại dịch, kinh tế xã hội tiếp tục phát triển... đồng tiền trong quỹ dù một đồng cũng là kết tinh của tình yêu thương, trách nhiệm, sự sẻ chia và tinh thần yêu nước sâu sắc của nhân dân” như Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã khẳng định.

Tính đến 16 giờ ngày 5-6, nước ta đã thực hiện tiêm vắc xinphòng chống Covid-19 đợt 1 và 2 với 1.243.304 liều; trong đó số người được tiêm đủ 2 mũi vắc xin là 33.632 người.

Tin tưởng rằng với sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự đồng lòng của toàn dân, trong việc thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch: 5K + vắc xin, coi đây “là chìa khóa mở cánh cửa lớn để chúng ta thoát khỏi đại dịch và trở về cuộc sống bình thường, bình yên, an dân, an toàn” như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát biểu tại Lễ ra mắt Quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19.

Hoàng Bách

Tin cùng chuyên mục