Phát hiện, điều trị sớm cho người khuyết tật

- Toàn tỉnh hiện có trên 22.000 người khuyết tật, chiếm gần 2,85% dân số. Ngoài nhu cầu cần được chăm sóc sức khỏe như người bình thường, người khuyết tật cần được đặc biệt quan tâm về chăm sóc y tế, phòng ngừa tàn tật và phục hồi chức năng (PHCN) để hòa nhập cộng đồng.

Những năm qua, ngành Y tế tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe cho người khuyết tật; tổ chức chương trình khám sàng lọc các bệnh tim bẩm sinh, sứt môi, hở hàm ếch, khuyết tật mắt, khuyết tật vận động và phục hồi chức năng. Thông qua đó mỗi năm khám và phát hiện sớm gần 100 trường hợp mắc các dị tật và đề ra những biện pháp xử lý có hiệu quả.

Bác sỹ Trần Thị Kim Thoa, Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen khám cho trẻ khuyết tật.        

Phát hiện sớm các dị tật bẩm sinh sẽ giúp cho quá trình điều trị, phục hồi những khuyết tật thuận lợi hơn. Cháu Hoàng Minh Nguyệt, sinh năm 2020 ở thành phố Tuyên Quang khi sinh được vài ngày tuổi gia đình phát hiện chân cháu bị dị tật bẩm sinh đã đưa cháu đến Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen khám. Tại đây, các bác sỹ chẩn đoán cháu bị bàn chân khoèo bẩm sinh và được chỉ định làm bó bột bàn chân khoèo bằng phương pháp Ponseti. Với sự hỗ trợ tận tình của các y, bác sỹ tại bệnh viện sau 7 lần bó bột, được tập vận động, vật lý trị liệu phục hồi chức năng, đến nay cháu đã có chuyển biến rõ rệt và đang dần hồi phục.

Huyện Sơn Dương hiện có trên 2.400 người khuyết tật do bẩm sinh, bệnh tật, hậu quả chiến tranh và do tai nạn lao động... Những năm qua, các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể huyện đã thường xuyên quan tâm chăm sóc, trợ giúp và bảo vệ quyền người khuyết tật trên địa bàn để họ hòa nhập với cộng đồng. Chị Lê Thị Hòa, xã Thiện Kế (Sơn Dương) chia sẻ, con chị có biểu hiện chậm lẫy, cổ yếu, người mềm, tay không biết cầm đồ vật. Năm 2020 khi có đoàn cán bộ y tế về huyện khám sàng lọc cho người khuyết tật, gia đình đã đưa cháu đến khám thì phát hiện cháu bị bại não. Sau khi được các bác sỹ tư vấn chị đã đưa cháu đi điều trị tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen. Các bác sỹ và kỹ thuật viên đã thực hiện phương pháp điều trị mới là tập vận động trên bóng, chị thấy con tiến bộ nhanh hơn. Lúc đầu đưa lên bóng cháu không thể ngẩng đầu được nhưng sau một thời gian điều trị cháu đã biết điều khiển cổ và với tay lấy đồ vật.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 2 bệnh viện chuyên khoa phục hồi chức năng là Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen và Bệnh viện Suối khoáng Mỹ Lâm. Ngoài ra, tại các bệnh viện tuyến tỉnh, khu vực, trung tâm y tế tuyến huyện đều có khoa hoặc bộ phận khám chữa bệnh cho người khuyết tật. Việc phục hồi chức năng là 1 trong 4 yếu tố quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân của hệ thống y tế, vì vậy hàng năm ngành Y tế tỉnh tạo điều kiện để đội ngũ thầy thuốc tăng cường công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực can thiệp lâm sàng, quản lý để áp dụng trong điều trị thực tế nhằm thực hiện hiệu quả công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người khuyết tật.

Bài, ảnh: Minh Hoa

Tin cùng chuyên mục