Trẻ cần tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên không ít phụ huynh trì hoãn tiêm các vắc xin phòng bệnh khác cho trẻ. Dự báo, trong thời gian tới, nguy cơ các loại bệnh truyền nhiễm sẽ tăng lên, nhất là tay chân miệng, sởi, viêm não, thủy đậu… Do đó, bên cạnh việc tiêm vắc xin phòng Covid-19, trẻ cần được tiêm đầy đủ các loại vắc xin khác để tránh nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Hà Nội đẩy mạnh tiêm vắc xin phòng Covid-19 và các loại vắc xin phòng bệnh khác cho trẻ em.

Nhiều dịch bệnh sẽ gia tăng do trì hoãn tiêm chủng

Thực tế hiện nay cho thấy, đa phần các bậc phụ huynh chỉ quan tâm đến Covid-19, mà lơ là phòng các bệnh truyền nhiễm khác cho trẻ. Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho rằng, tỷ lệ trẻ tử vong do Covid-19 thấp hơn nhiều so với các bệnh truyền nhiễm đã có vắc xin phòng ngừa, như: Sởi, bạch hầu, ho gà, viêm não... Thế nhưng, thời gian qua, có không ít phụ huynh trì hoãn việc đưa con đi tiêm phòng các loại bệnh nguy hiểm này vì nhiều lý do, trong đó có tâm lý sợ lây nhiễm Covid-19.

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cũng từng đưa ra cảnh báo trong năm 2021, khi 1/3 quốc gia trên thế giới bị gián đoạn dịch vụ tiêm chủng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. UNICEF lo lắng, sự gián đoạn này đe dọa thành tựu tiêm chủng mà các quốc gia đã nỗ lực duy trì và đạt được bằng vắc xin như loại trừ bệnh bại liệt, sởi. Theo ước tính có hơn 80 triệu trẻ em dưới 1 tuổi tại 68 quốc gia bị ảnh hưởng, có nguy cơ mắc các bệnh bại liệt, sởi, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, các bệnh do vi khuẩn Hib, phế cầu và một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác bởi gián đoạn tiêm chủng.

Còn theo Hệ thống tiêm chủng VNVC (Công ty cổ phần Vắc xin Việt Nam), từ khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ em đi tiêm chủng các loại vắc xin giảm rõ rệt. Đáng lưu ý, nhiều loại vắc xin chỉ có cơ hội chủng ngừa một lần trong đời. Nếu quá tuổi sẽ không đạt hiệu quả tối ưu hoặc không có tác dụng, như: Vắc xin lao, viêm gan B sơ sinh, tiêu chảy cấp do rotavirus, vắc xin “5 trong 1”, vắc xin “6 trong 1”, vắc xin phế cầu…

“Hiện nhiều phụ huynh lo lắng hoặc trì hoãn lịch tiêm các vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm cho trẻ để chờ tiêm vắc xin phòng Covid-19. Điều này xuất phát từ sự nhầm lẫn về khoảng cách giữa vắc xin phòng Covid-19 với các vắc xin khác, khiến trẻ mất đi cơ hội được bảo vệ từ sớm. Không có khoảng cách thời gian giữa vắc xin phòng Covid-19 và các vắc xin khác. Các nghiên cứu hiện nay cho thấy, không có mối lo ngại nào về tính an toàn và hiệu quả khi tiêm đồng thời vắc xin phòng Covid-19 và các vắc xin khác hoặc tiêm trong khoảng thời gian gần nhau”, bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC phân tích.

Một nghiên cứu khoa học của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC) đã kết luận, vắc xin phòng Covid-19 và các loại vắc xin khác có thể được sử dụng bất kể thời gian, kể cả trong cùng một ngày. Việc trì hoãn các vắc xin khác để chờ tiêm vắc xin phòng Covid-19 khiến mọi người không được bảo vệ khỏi các bệnh nguy hiểm, như: Cúm, ho gà, bạch hầu, thủy đậu, sởi, tiêu chảy cấp, ung thư cổ tử cung và các bệnh do vi rút HPV...

Tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch

Hiện học sinh các cấp tại Hà Nội đã quay trở lại trường học. Cùng với đó, các hoạt động vui chơi, giải trí, các điểm du lịch… cũng đã được mở cửa. Do đó, Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn dự báo, trong thời gian tới, các loại bệnh truyền nhiễm sẽ tăng hơn so với trước đây. Đặc biệt, phụ huynh cần cảnh giác với các loại bệnh thường gặp trong thời điểm giao mùa xuân - hè, như: Tay chân miệng, sởi, cúm, viêm não, thủy đậu, tiêu chảy cấp do rotavirus…

“Nhờ có vắc xin, hàng trăm triệu trẻ được phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và hàng triệu trẻ được cứu sống khỏi các bệnh này. Nhờ có vắc xin mà giảm chi phí điều trị cũng như gánh nặng xã hội do dị tật mà các bệnh truyền nhiễm gây ra. Việc tiêm chủng vắc xin cho trẻ tạo miễn dịch để kháng lại các vi rút, vi khuẩn gây bệnh trong một thời gian dài hoặc suốt đời. Nếu trẻ không tiêm đủ mũi, khả năng miễn dịch càng giảm, thậm chí về không. Do đó, trẻ cần được tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh hiện có. Từ đó bảo vệ trẻ an toàn, mạnh khỏe khi cuộc sống đang trở lại bình thường”, ông Khổng Minh Tuấn nhấn mạnh.

Bộ Y tế đã phát động “Tuần lễ tiêm chủng” năm 2022 (diễn ra từ ngày 24 đến 30-4), với chủ đề “Vắc xin mang lại cuộc sống lâu dài cho tất cả mọi người”. Cùng với việc đẩy mạnh tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn yêu cầu, sở y tế các tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo tổ chức tiêm chủng vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, bảo đảm tỷ lệ tiêm chủng đạt trên 95% ở quy mô xã, phường, thị trấn. Bộ Y tế cũng đề nghị các bậc phụ huynh hãy đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch trong tiêm chủng thường xuyên và các chiến dịch tiêm chủng.

Theo Hà Nội mới

Tin cùng chuyên mục