Hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn cho người cai nghiện ma túy

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo Thông tư quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp từ ngân sách nhà nước thực hiện chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc; công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, cơ sở cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy.

Dự thảo quy định rõ về chi thực hiện chế độ đối với người cai nghiện bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc (người cai nghiện bắt buộc) trong thời gian cai nghiện tại cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc.

Theo đó, chi tiền ăn, tiền chăn, màn, chiếu, gối, quần áo, đồ dùng sinh hoạt cá nhân của người cai nghiện bắt buộc: Thực hiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 65 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP. Căn cứ điều kiện cụ thể từng địa phương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định mức hỗ trợ cao hơn mức quy định tại khoản này và do ngân sách địa phương tự bảo đảm.

Về chi phí cai nghiện ma túy, dự thảo nêu rõ mức chi khám sàng lọc, đánh giá mức độ nghiện, thực hiện các dịch vụ kỹ thuật xét nghiệm y tế theo chỉ định của bác sỹ để quyết định chế độ cai nghiện ma túy (bao gồm cả xét nghiệm HIV/AIDS) theo giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh hiện hành do cơ quan có thẩm quyền quyết định đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập.

Tiền thuốc cắt cơn (trừ trường hợp đã được điều trị cắt cơn tại tổ chức xã hội, cơ sở xã hội, cơ sở đa chức năng), giải độc, điều trị rối loạn tâm thần và điều trị các bệnh cơ hội khác (nếu có) theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế: Mức chi theo giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh hiện hành do cơ quan có thẩm quyền quyết định đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập.

Chi khám sức khỏe định kỳ 06 tháng/lần (bao gồm cả xét nghiệm HIV/AIDS) theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế: Mức chi theo giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh hiện hành do cơ quan có thẩm quyền quyết định đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập.

Hỗ trợ người cai nghiện ma túy chi phí học nghề ngắn hạn 
Theo dự thảo, người cai nghiện bắt buộc chưa có nghề hoặc có nghề nhưng không phù hợp, có nhu cầu học nghề trình độ sơ cấp và dưới 03 tháng được hỗ trợ một lần chi phí học. Căn cứ trình độ và năng lực của đối tượng; điều kiện về cơ sở vật chất của cơ sở và tình hình thực tế, thủ trưởng cơ sở cai nghiện bắt buộc quyết định hình thức học nghề cho phù hợp. 

Mức hỗ trợ cụ thể tùy theo từng đối tượng, từng nghề, thời gian học thực tế và hình thức học nhưng tối đa không vượt quá mức quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư số 152/2016/TT-BTC quy định quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng; không hỗ trợ tiền học nghề cho đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc từ lần thứ hai trở đi đã được học nghề.

Về chế độ lao động: Tiền công đối với người cai nghiện bắt buộc lao động tự nguyện: Mức chi thực hiện theo quy định của pháp luật về hợp đồng lao động.

Tiền thưởng cho người cai nghiện bắt buộc tham gia lao động trị liệu, lao động tự nguyện có thành tích xuất sắc: Mức chi tối đa 2.000.000 đồng/lần/người. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định tiêu chí, số lượng người có thành tích xuất sắc phù hợp với kết quả lao động của đối tượng.

Người cai nghiện bắt buộc khi chấp hành xong quyết định trở về địa phương nơi cư trú được cấp tiền ăn khi đi đường, tiền tàu xe và một bộ quần áo thường (nếu họ không có). Cụ thể: Tiền ăn mức hỗ trợ 40.000 đồng/người/ngày trong những ngày đi đường, tối đa không quá 03 ngày; tiền tàu xe mức hỗ trợ theo giá phương tiện công cộng phổ thông; tiền quần áo 01 bộ mùa hè hoặc 01 bộ mùa đông.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Theo Chinhphu.vn

Tin cùng chuyên mục