Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp.

Đối tượng hỗ trợ gồm cây lúa, lợn, trâu bò, tôm...

Bộ Tài chính cho biết, việc xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về thực hiện hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp là rất cần thiết, căn cứ trên những cơ sở pháp lý và thực tiễn, góp phần thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cụ thể:
Thứ nhất, việc ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp là nhằm triển khai chính sách bảo hiểm nông nghiệp theo Nghị định số 58/2018/NĐ-CP.

Thứ hai, Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg ngày 26/6/2019 và Quyết định số 03/2021/QĐ-TTg ngày 25/1/2021 về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp có thời gian thực hiện từ ngày 26/6/2019 đến ngày 31/12/2021. Do đó, cần thiết phải ban hành kịp thời Quyết định về thực hiện chính sách cho giai đoạn tiếp theo (kể từ ngày 1/1/2022) để đảm bảo việc thực hiện chính sách được liên tục, ổn định, không bị ngắt quãng và không có khoảng trống về pháp lý gây khó khăn cho việc tham gia bảo hiểm của người nông dân (do đặc điểm sản xuất nông nghiệp theo mùa, vụ có thể kéo dài từ đầu năm này sang năm khác) và các cấp chính quyền, doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) trong tổ chức thực hiện.

Thứ ba, việc ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp tạo điều kiện phát triển bảo hiểm nông nghiệp nhằm hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Đối tượng bảo hiểm được hỗ trợ, mức hỗ trợ

Trên cơ sở cân đối ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính đề xuất đối tượng bảo hiểm được hỗ trợ tại dự thảo Quyết định như sau: Cây trồng là cây lúa; vật nuôi gồm trâu, bò, lợn; nuôi trồng thủy sản gồm tôm sú, tôm thẻ chân trắng.

Việc lựa chọn đối tượng bảo hiểm trên căn cứ theo đề xuất của Bộ NN&PTNT, là các đối tượng có quy mô, diện tích mang tính đại diện cho các vùng miền, tạo thuận lợi cho việc triển khai bảo hiểm theo nguyên tắc lấy số đông bù số ít. Đây cũng là các sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp, phù hợp với mục tiêu, định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 25/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Về mức hỗ trợ, để khuyến khích tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp tham gia bảo hiểm nông nghiệp, kế thừa quy định tại Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg và Quyết định số 03/2021/QĐ-TTg, Bộ Tài chính đề xuất quy định tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ và mức hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp tối đa theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 58/2018/NĐ-CP, cụ thể như sau: Cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo: 90%; cá nhân sản xuất nông nghiệp khác: 20% phí bảo hiểm nông nghiệp; tổ chức sản xuất nông nghiệp đáp ứng các điều kiện cụ thể: 20%.

Mở rộng địa bàn được hỗ trợ

Trên cơ sở ý kiến của Bộ NN&PTNT và cân đối ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính đề xuất thực hiện hỗ trợ cho các địa bàn, cụ thể:

Cây lúa, tại 7 tỉnh: Thái Bình, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, An Giang, Đồng Tháp.

Đối với trâu, bò: Tại 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương.

Đối với lợn: Tại 9 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là Bắc Giang, Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Đắk Lắk, Đồng Nai.

Tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tại 5 tỉnh: Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.

Theo Bộ Tài chính, cơ sở đề xuất là phù hợp với quy định tại Khoản 1 Điều 21 Nghị định số 58/2018/NĐ-CP quy định về địa bàn được hỗ trợ: “Địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp thuộc các vùng sản xuất chính theo định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp”.

So với địa bàn được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp theo Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg và Quyết định số 03/2021/QĐ-TTg, trên cơ sở đề xuất của Bộ NN&PTNT, dự thảo mở rộng hỗ trợ bảo hiểm vật nuôi (trâu, bò) tại địa bàn các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng và vật nuôi (lợn) tại địa bàn các tỉnh, thành phố Bắc Giang, Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Đắk Lắk, Đồng Nai. Theo ý kiến của Bộ NN&PTNT, đây là các tỉnh, thành phố có đàn bò lớn (trên 300.000 con), số lượng chăn nuôi đàn lợn lớn (trên 1 triệu con)...

Bộ Tài chính ước tính kinh phí hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp của ngân sách nhà nước trong tình hình hiện nay là khoảng 74,9 tỷ đồng/năm (trong đó kinh phí hỗ trợ bảo hiểm cây lúa khoảng 18,4 tỷ đồng/năm; kinh phí hỗ trợ bảo hiểm trâu, bò, lợn khoảng 47,5 tỷ đồng/năm; kinh phí hỗ trợ bảo hiểm tôm sú, tôm thẻ chân trắng khoảng 9 tỷ đồng/năm). Trường hợp các địa phương triển khai bảo hiểm nông nghiệp trên diện rộng, Bộ Tài chính sẽ căn cứ tình hình triển khai hàng năm để ước số phí bảo hiểm được ngân sách nhà nước hỗ trợ phù hợp với thực tiễn.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Theo Chinhphu.vn

Tin cùng chuyên mục