Làm tốt công tác phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong các tổ chức Đảng

- Hiện nay, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đã và đang suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” dẫn đến tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, nhũng nhiễu nhân dân, trái với chuẩn mực đạo đức của người đảng viên “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, gây bức xúc trong nhân dân, làm suy giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng, chế độ. Sự suy thoái này đã được Nghị quyết Trung ương 4 ( khóa XII) chỉ ra với 27 nội dung cụ thể.

Thực trạng trên, nếu không được ngăn chặn, đẩy lùi sẽ gây tổn hại đến công tác xây dựng Đảng, đe dọa sự tồn vong của Đảng, chế độ, sự ổn định và phát triển của đất nước.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng chỉ rõ: “Đảng không phải là nơi để thăng quan, tiến chức, để phát tài. Vào Đảng là để phục vụ nhân dân, phục vụ giai cấp, đảng viên phải trở thành người con hiếu thảo của Tổ quốc, của giai cấp”, “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn xác định phải làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trọng tâm là đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa trong nội bộ, coi đây là nhiệm vụ cấp bách và phải được tiến hành thường xuyên trong từng tổ chức đảng, ở mỗi cán bộ, đảng viên.

Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ then chốt này cần phải tăng cường công tác giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, thực hiện nghiêm các tiêu chí về đạo đức, lối sống; kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, giữa sự gương mẫu, đi đầu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo với duy trì nghiêm nguyên tắc, chế độ quy định của Đảng. Thực hiện nghiêm tự phê bình, phê bình, coi đây là biện pháp tốt nhất để phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm, củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Thực hiện nghiêm việc sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu. Bên cạnh đó, các cấp ủy, tổ chức đảng cần chủ động có các giải pháp đồng bộ để đẩy lùi tệ quan liêu, lãng phí, nhũng nhiễu nhân dân và kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Làm tốt công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng, tăng cường kiểm tra, giám sát đảng viên chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chấp hành Điều lệ Đảng, thực hiện những điều đảng viên không được làm; tự soi, tự sửa theo 27 biểu hiện mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ ra.

Tại Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII), Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn luôn là nhiệm vụ then chốt, đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng ta, chế độ ta. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này. Thực hiện tốt các nhiệm vụ trên, sẽ giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên giữ gìn được phẩm chất đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước, góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, đẩy lùi các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Hoàng Bách

Tin cùng chuyên mục