Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, Hội nhập quốc tế toàn diện

- Qua 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đất nước ta đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Đạt được những thành tựu đó có sự đóng góp không nhỏ của công tác đối ngoại.

Với chủ trương thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. “Hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với tất cả các nước trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp quốc và luật pháp quốc tế...” vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới. Trong những năm qua, quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế của nước ta tiếp tục mở rộng và đi vào chiều sâu. Đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân được triển khai đồng bộ và toàn diện. Hội nhập quốc tế tiếp tục được triển khai chủ động, tích cực, tạo không gian quan hệ rộng mở, tranh thủ được sự hợp tác, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế. Ngày 30 - 6 - 2019, Việt Nam và EU ký hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA). Việt Nam là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021. Đến năm 2020, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 187 quốc gia; quan hệ đối tác chiến lược với 17 nước, trong đó phần lớn là các nước công nghiệp hàng đầu (G7) và Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Quan hệ với các nước láng giềng và các nước trong ASEAN được củng cố. Vị thế và vai trò của Việt Nam được khẳng định và không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế.

Công tác đối ngoại đã góp phần trực tiếp vào các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần quan trọng thu hút nguồn lực từ bên ngoài cho phát triển. Hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, góp phần quan trọng vào việc tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia, tăng cường nguồn lực cho phát triển, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Phát huy những kết quả đã đạt được trong công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, trong thời gian tới Đảng ta khẳng định: “Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả”. Qua đó góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nâng cao không ngừng uy tín, vị thế quốc tế của Việt Nam.
 

Hoàng Bách

Tin cùng chuyên mục