Tay nhịp cho đời cao tiếng hát

- Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao việc xây dựng mối đoàn kết trong Đảng, trong dân và đoàn kết quốc tế. Trước lúc đi xa, Người dặn lại:  “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn.

“Như giữ con ngươi mắt mình”

Trong “Hồ Chí Minh toàn tập” do Nhà xuất bản chính trị Quốc gia phát hành đã thống kê được 839 trên tổng số 1.921 bài nói, bài viết đề cập đến vấn đề đại đoàn kết, chiếm tới hơn 40%. Nghiên cứu toàn bộ di sản của Người, có thể thấy từ “đoàn kết” được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc trên 2.000 lần và cụm từ “đại đoàn kết” trên 80 lần. Điều đó chứng minh sự quan tâm lớn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh là vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc và cũng cho chúng ta thấy rõ tầm chiến lược tư tưởng đoàn kết của Người.

Trên hành trình bôn ba tìm đường cứu nước, Người nhận thấy: “Bọn đế quốc áp bức chúng ta và đối xử với chúng ta như loài vật, đó là vì chúng ta không đoàn kết! Nếu chúng ta đoàn kết chúng ta sẽ trở nên đáng gờm” và Người viết trong Tuyên ngôn của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức (1925): “Hỡi các bạn thân yêu, chúng ta nên sớm kết đoàn lại! Hãy hợp lực để đòi quyền lợi và tự do của chúng ta! Hãy hợp lực để cứu lấy nòi giống chúng ta!”.

Đầu năm 1941, Bác Hồ về nước cùng Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Trong bài “Kính cáo đồng bào” viết ngày 6/6/1941, Người kêu gọi “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa nóng”.

Trong “diễn ca” “Lịch sử nước ta” bằng thơ, Người đã phân tích rất kỹ sức mạnh của đoàn kết và thực tế lịch sử cũng chứng minh thời kỳ nào mà triều đình phong kiến quay lưng lại với nhân dân, thì tất yếu khối đoàn kết dân tộc bị lỏng lẻo và thời kỳ đó đất nước, nhân dân - đồng bào thường bị lâm vào cảnh bị áp bức bóc lột.

Trên báo “Việt Nam độc lập” số ra ngày 1/2/1942, Người viết: “Sử ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn. Vậy nay ta phải biết đoàn kết, đoàn kết mau, đoàn kết chắc chắn thêm lên mãi dưới ngọn cờ Việt Minh để đánh đuổi Tây - Nhật, khôi phục lại độc lập, tự do”.

Trong thư gửi đồng bào Công giáo ngày 14/10/1945, Người viết: “Không đoàn kết thì suy và mất. Có đoàn kết thì thịnh và còn. Chúng ta phải lấy đoàn kết mà xoay vần vận mệnh, giữ gìn dân tộc và bảo vệ nước nhà”.

Nói chuyện tại Hội nghị đại biểu Mặt trận Liên-Việt toàn quốc ngày 10/1/1955, Người giải thích: “Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân ta là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đó là nền gốc của đại đoàn kết. Nó cũng như cái nền của nhà, gốc của cây”.

Phát biểu tại lễ mừng Quốc khánh 2/9/1955, Người nhấn mạnh: “Đoàn kết là một lực lượng vô địch. Lực lượng đoàn kết đã giúp Cách mạng Tháng Tám thành công. Lực lượng đoàn kết đã giúp kháng chiến thắng lợi. Lực lượng đoàn kết sẽ động viên nhân dân từ Bắc đến Nam đấu tranh thực hiện hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ trong cả nước”.

Trong bản “Di chúc” thiêng liêng Người để lại đã có 3 đoạn với khoảng 140 từ nói về “đoàn kết” khẳng định ba quan điểm lớn: 

“Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”.

“Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.

“Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.

Điểm lại lời Bác dạy về đoàn kết để thấy, đó là tư tưởng lớn lao, cũng là chìa khóa để mỗi bước đường cách mạng đều thành công.

Xung lực lớn lao

Suốt hơn 90 năm qua, Đảng ta đã không ngừng thực hiện lời dạy của Bác Hồ về giữ gìn đoàn kết trong Đảng, xây dựng mối đại đoàn kết toàn dân. Chính vì vậy, đoàn kết đã trở thành sức mạnh để Đảng và cả dân tộc ta vượt mọi trở ngại, chiến thắng ngoại xâm, xây dựng đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ và vị thế như ngày nay.  

Đặc biệt năm Tân Sửu vừa qua đã cho thấy sức mạnh đoàn kết một lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta để vượt qua giai đoạn khó khăn nhất vì dịch Covid-19. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc. Tất cả mọi người dân cùng vào cuộc. Tình đoàn kết đã phát triển lên tầm cao mới, nhân lên tính nhân văn, nghĩa đồng bào trong đại dịch, trong thiên tai.

Truyền thống “thương người như thể thương thân”, “bầu ơi thương lấy bí cùng” tốt đẹp của dân tộc Việt Nam được phát huy cao độ hơn bao giờ hết với những ATM gạo, ATM ô xy, “chợ 0 đồng”, “siêu thị 0 đồng” trong vùng dịch, “nhường cơm sẻ áo cho nhau”... Nhân dân ở vùng phong tỏa, cách ly, giãn cách xã hội trong một thời gian dài đã khắc phục mọi khó khăn, thiếu thốn, chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước, đồng lòng, chung sức để phòng chống dịch.

Đã có hàng triệu “phần quà đại đoàn kết” và “túi an sinh”, hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm, hàng ngàn tấn trang thiết bị y tế của đồng bào, chiến sỹ cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài san sẻ yêu thương và chia sẻ những khó khăn, vất vả của đồng bào ta trong quá trình chống dịch.

Đã có hàng chục nghìn tỷ đồng từ các doanh nghiệp đến những cụ già, em nhỏ ủng hộ Quỹ Vắc xin, tạo thành lá chắn miễn dịch trong cả nước.

Chỉ có sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc mới tạo nên những xung lực lớn lao đạp bằng mọi trở ngại. Chào xuân mới Nhâm Dần 2022, chúng ta như thấy tay Bác Hồ đang nhịp cho đời cao tiếng hát, chỉ huy cả dân tộc kết đoàn để cùng nhau vượt qua thử thách của đại dịch và dệt thêm những mùa xuân tươi thắm.

Thái An

Tin cùng chuyên mục