Hướng tới xây dựng nông thôn mới thông minh

- Cùng với việc duy trì, nâng cao các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, nhiều địa phương trong tỉnh đã tập trung đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, từng bước thực hiện chuyển đổi số trong quản lý, điều hành và phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới xây dựng nông thôn mới thông minh.

 Đoàn công tác của Bộ Công an thăm mô hình camera an ninh tại xã Thái Bình (Yên Sơn).

Sau khi đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, xã Thái Bình (Yên Sơn) lấy chuyển đổi số làm khâu đột phá. Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Chủ tịch UBND xã cho biết, từ đầu năm 2022, UBND xã đưa vào sử dụng hệ thống phòng họp không giấy kết nối trực tuyến với tất cả các nhà văn hóa thôn; 100% văn bản được xử lý trên không gian mạng đồng thời thực hiện cải cách các thủ tục hành chính trực tuyến, người dân có thể đăng ký hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến và nhận trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích. Xã cũng ứng dụng nền tảng công nghệ số vào việc giám sát, đảm bảo trật tự. Theo ông Dũng, với 36 mắt camera an ninh được lắp đặt tại 9/9 thôn, mọi hoạt động ở thôn, xóm được giám sát và xử lý kịp thời.  Xã cũng đã thành lập 9 tổ công nghệ số cộng đồng tại 9 thôn sẵn sàng hỗ trợ người dân trong công cuộc chuyển đổi số. Hiện tại, 100% các thôn trong xã đã có nhóm Zalo dùng chung kết nối với các hộ gia đình.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn 6 xã chia sẻ, chỉ 3-4 năm trước, khi tổ chức ngày đại đoàn kết toàn dân, phải đi mời từng hộ, năm nay thông báo trên nhóm Zalo thôn, các hộ dân nhận được thông tin, đăng ký tham gia bữa cơm đoàn kết “thả tim” để thôn nắm được. Ông Hùng bảo, ứng dụng công nghệ thông tin, việc điều hành trở nên dễ dàng, thuận lợi hơn rất nhiều.

Tổ công nghệ cộng đồng xã Thái Bình (Yên Sơn) hỗ trợ người dân cài đặt ứng dụng nền tảng số trên điện thoại đi động.

Không chỉ chuyển đổi số trong công tác quản lý, điều hành, các cơ sở sản xuất, trang trại ở khắp các địa phương đã sớm khai thác nền tảng công nghệ số phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Chị Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Hợp tác xã gà thiến Bình Xa (Hàm Yên) phấn khởi cho biết, các thành viên hợp tác xã chăn nuôi gà thiến không phải mang ra chợ phiên bán lẻ từng con như ngày trước nữa. Giờ tất thảy quy trình chăn nuôi, số lượng, mẫu mã gà được giới thiệu, chào bán trên “chợ điện tử” Zalo, Facebook. Theo chị Nga, ứng dụng nền tảng công nghệ số, sản phẩm gà thiến Bình Xa đã được rất nhiều người tiêu dùng biết đến, lượng đơn đặt hàng cũng về nhiều hơn. Các thành viên của Hợp tác xã chỉ việc chốt đơn gửi hàng, tiền  khách gửi trả qua tài khoản, tiện lợi vô cùng.

Ông Lê Hải Nam, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới khẳng định, ứng dụng nền tảng công nghệ số đã rút ngắn khoảng cách giữa thành thị với nông thôn. Nông thôn mới thông minh đã dần hình thành ở nhiều địa phương.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi số dù đã đạt được những kết quả song chỉ mới tập trung ở các xã có điều kiện kinh tế, xã hội thuận lợi, tại một số xã vùng sâu, vùng xa hạ tầng phục vụ chuyển đổi số như: điện lưới, sóng điện thoại, điện thoại thông minh, máy tính...chưa đầy đủ. Trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế, chưa kể đến nhân lực có kiến thức về công nghệ thông tin ở cấp xã chưa đáp ứng yêu cầu, kỹ năng ứng dụng công nghệ của người dân còn thấp, tỷ lệ sử dụng phần mềm để gửi nhận văn bản điện tử chưa cao.

Người dân xã Yên Nguyên (Chiêm Hoá) ứng dụng công nghệ số làm đồ mỹ nghệ.

Thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số ở khu vực nông thôn, đặc biệt trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, giai đoạn từ nay đến năm 2025. Theo đó, tỉnh đã lên kế hoạch nâng cao năng lực về chuyển đổi số cho người dân và cộng đồng ở nông thôn; thực hiện các cơ chế, chính sách về chuyển đổi số, trong đó khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ số về lĩnh vực kinh tế, thương mại điện tử, y tế, giáo dục, văn hóa và du lịch...ở khu vực nông thôn; đẩy mạnh xã hội hóa trong phát triển hạ tầng kết nối Internet đến cấp xã, thôn, nâng cao chất lượng và năng lực tiếp cận dịch vụ viễn thông của người dân...Mục tiêu đặt ra đến năm 2025, 100% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu về ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành.

Ông Nguyễn Văn Hiến, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông khẳng định, hiện tại đã có 1.060 vị trí lắp đặt trạm thu phát sóng điện thoại, các trạm đều được trang bị thiết bị công nghệ 3G, 4G; hệ thống tuyến cáp quang kéo đến 1.693 tổ, xóm nhân dân. Ngoài ra, còn có 224 điểm cung cấp dịch vụ bưu chính, trong đó có 41 bưu cục giao dịch cấp 1, 2, 3; 114 điểm bưu điện văn hóa xã.

Ông Hiến chia sẻ, trong tổng số 40 thôn chưa có hạ tầng Internet băng rộng, Tập đoàn viễn thông Viettel chi nhánh Tuyên Quang đã hỗ trợ lắp đặt trạm phát sóng tại 22 thôn, 18 thôn còn lại Sở đang huy động các doanh nghiệp viễn thông di động khác để triển khai phủ sóng, đảm bảo 100% các thôn, xóm có kết nối Internet băng rộng đáp ứng yêu cầu xã hội số, kinh tế số góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn thông minh.                                                                     

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục