Chỉ số DCI "cú huých" thúc đẩy sản xuất, kinh doanh

- Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh vừa tổ chức Chương trình Cà phê doanh nhân và công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện, sở, ngành (DCI). Đây là năm thứ 6 liên tiếp tỉnh ta tiến hành khảo sát chỉ số có tác động quan trọng đến việc xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố hàng năm.

DCI là khảo sát “2 trong 1”, bao gồm hệ thống chỉ số DCI cho cấp huyện và hệ thống chỉ số DCI cho sở, ban, ngành. Kết quả đánh giá, xếp hạng chỉ số DCI năm 2020 là một trong những kênh thông tin quan trọng giúp cho các cơ quan, địa phương định vị được điểm mạnh, điểm yếu để đề ra những giải pháp khắc phục. Đây cũng là cơ sở giúp lãnh đạo tỉnh xác định các “điểm nghẽn” trong công tác chỉ đạo điều hành, qua đó tập trung giải quyết các nút thắt, góp phần thúc đẩy cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư những năm tiếp theo. 


Các doanh nghiệp trao đổi tại Chương trình Cà phê doanh nhân tháng 1-2021.

Tuyên Quang là tỉnh tiên phong thực hiện khảo sát và xếp hạng chỉ số DCI. Thông qua việc triển khai khảo sát và xếp hạng chỉ số DCI đã góp phần tạo cú hích trong tiến trình nỗ lực, đổi mới căn bản từ nhận thức đến hành động trong việc xây dựng chính quyền vững mạnh, hỗ trợ hiệu quả phát triển sản xuất kinh doanh cho các thành phần kinh tế. Đồng thời, tác động đến kết quả xếp hạng chỉ số PCI hàng năm của tỉnh Tuyên Quang. Bảng xếp hạng điểm số DCI năm 2020 của các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh không có sự phân hóa rõ rệt. Điểm số giữa 7 huyện, thành phố được khảo sát đồng đều nhất trong 3 nhóm, không có sự chênh lệch lớn (chênh lệch điểm số giữa huyện cao điểm nhất và huyện thấp điểm nhất là 7,29 điểm).

Năm nay, huyện Hàm Yên lấy lại vị trí trong nhóm ba huyện dẫn đầu và trở thành đơn vị xếp hạng cao nhất. Năm 2020, huyện tăng 3 bậc (97,32 điểm) so với năm 2019 và lấy lại vị trí dẫn đầu. Đồng chí Đinh Công Thơ, Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên nhấn mạnh, chính quyền huyện đã nỗ lực giải quyết các yêu cầu được nhân dân quan tâm, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân, doanh nghiệp tiếp cận đất đai, nguồn vốn, pháp lý... Đặc biệt, UBND huyện đã vào cuộc quyết liệt trong giải quyết các vấn đề trọng tâm tỉnh giao như giải tỏa các lò gạch thủ công, tạo sinh kế cho người dân sau dỡ bỏ các lò gạch, do đó đã tạo niềm tin sâu sắc của nhân dân, doanh nghiệp vào sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền.

Ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Vinh Ánh, thị trấn Tân Yên (Hàm Yên) cho rằng, sự đổi mới trong công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền là yếu tố quan trọng để người dân, doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đóng góp tích cực cho sự phát triển của địa phương. Năm 2020 là năm rất khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng chính quyền huyện đã chỉ đạo quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính giúp các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình.

Huyện Chiêm Hóa tăng 3 bậc so với năm 2019 và đã vươn lên vị trí thứ 3/7 huyện, thành phố. Từ năm 2015 đến năm 2017, huyện Chiêm Hóa luôn dẫn đầu trong nhóm các huyện, thành phố. Tuy nhiên đến năm 2018 vị trí xếp hạng của huyện tụt 5 bậc. Năm 2019 và 2020, với những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, vị trí xếp hạng của huyện đã tăng dần. Đồng chí Vũ Đình Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Chiêm Hóa khẳng định, huyện được đánh giá cao các chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; tiếp cận đất đai...

Các sở, ngành tỉnh đã triển khai có hiệu quả các giải pháp cải cách thủ tục hành chính theo cấp độ 3, 4, tạo môi trường tốt nhất cho doanh nghiệp, người dân thực hiện các giao dịch. 

Năm nay, Sở Tư pháp tiếp tục dẫn đầu trong bảng xếp hạng chỉ số DCI năm 2020 với 97,94 điểm. Từ năm 2016 đến nay, vị trí xếp hạng của Sở Tư pháp luôn ổn định ở nhóm các đơn vị dẫn đầu. Điều này thể hiện những nỗ lực về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của sở ngày càng phát huy hiệu quả tích cực, được cộng đồng doanh nghiệp, người dân ghi nhận. Đồng chí Nguyễn Thị Thược, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tư pháp cho biết, bảo đảm nâng cao năng lực cạnh tranh, Sở đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, theo đó bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của Sở đã đưa vào sử dụng hệ thống một cửa điện tử, giải đáp vướng mắc của người dân, doanh nghiệp trên trang facebook của Sở; lãnh đạo Sở trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho công dân các thủ tục pháp lý, tạo niềm tin đối với người dân và doanh nghiệp...

Đánh giá chỉ số DCI tác động mạnh mẽ đến việc xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam công bố. Nhờ triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, bảng xếp hạng PCI của Tuyên Quang tăng lên hàng năm. Năm 2012 và 2013, tỉnh Tuyên Quang nằm vị trí cuối trong bảng xếp hạng chỉ số PCI. Đến năm 2014 đã tăng 13 bậc, vươn lên đứng thứ 50; năm 2017 xếp ở vị trí 39; năm 2018 xếp hạng 34 và năm 2019 xếp hạng 32 trong 63 tỉnh, thành phố.

Bài, ảnh: Phương Thùy

Tin cùng chuyên mục