Hồ sơ mật: Kế hoạch Mỹ hỗ trợ Pháp ở Điện Biên Phủ ra sao? - Phần 1

Không lâu sau khi Quân đội nhân dân Việt Nam nổ súng mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ, Pháp đã rơi vào thế bế tắc, tuyệt vọng và phải cầu cứu người Mỹ mong lật ngược tình thế, hoặc ít nhất là có vị thế nhất định trên bàn đàm phán ở Geneva. Chính quyền Mỹ đã phản ứng ra sao trước lời cầu cứu từ Pháp, kế hoạch nhảy vào cuộc chiến của Mỹ như thế nào và điều gì khiến "Chiến dịch Kền Kền” chỉ mãi nằm trên giấy?

Thế cờ đảo ngược

Cách đây 70 năm, tự tin với lực lượng hùng mạnh, tinh nhuệ, vũ khí tối tân, đặc biệt là khả năng cơ động trên không với đội ngũ lính dù được tôi luyện trong Chiến tranh Thế giới thứ II, thực dân Pháp đã cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, biến vùng lòng chảo nơi này thành một chiếc “bẫy” nhằm thu hút, tiêu diệt lực lượng chủ lực của ta.

Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương lúc đó là Henri Navarre có tham vọng đến cuối năm 1954 sẽ triển khai khoảng nửa triệu quân Pháp đến Việt Nam. Với lực lượng hùng mạnh như vậy, Henri Navarre tỏ ra lạc quan có thể thu hút được Việt Minh về thung lũng Điện Biên Phủ để dùng ưu thế hỏa lực “nghiền nát” chủ lực của ta. Nhìn vào những khó khăn về mặt hậu cần, cùng với kinh nghiệm đánh hiệp đồng binh chủng và quy mô lớn còn ít ỏi của Quân đội nhân dân Việt Nam, viên chỉ huy này càng chắc chắn hơn vào một cái kết mĩ mãn cho người Pháp.

 Bộ đội ta kéo những khẩu pháo nặng hàng tấn vượt núi, xuyên rừng vào chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu: TTXVN

Viên chỉ huy toàn bộ lực lượng Pháp ở Đông Dương chắc mẩm rằng quân và dân Việt Nam không thể nào chiến thắng trong trận Điện Biên Phủ bởi Điện Biên Phủ đã được xây dựng thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, đông quân, được trang bị phương tiện chiến đấu hiện đại. Người Pháp còn cho rằng, Việt Minh khó lòng có được pháo, và dù có pháo đi chăng nữa thì với đường sá xa xôi, cộng thêm việc không có phương tiện chuyên chở cơ giới, thì ta cũng không thể tập trung quân với số lượng quá hai sư đoàn và pháo binh hạng nặng lên khu vực này.

Khi Pháp bắt đầu chiếm đóng Điện Biên Phủ, chỉ huy pháo binh Pháp ở Điện Biên Phủ Charles Piroth đã khẳng định với De Castries rằng Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ không bao giờ đưa được pháo vào những quả đồi trọc phía Đông Nam của Eliane 2 (cứ điểm Đồi A1), một trong những vị trí quan trọng của tập đoàn cứ điểm, bởi không một chỉ huy Việt Minh nào có kinh nghiệm lại liều mình đưa pháo vào những vị trí lộ liễu như vậy. Binh lính Pháp còn tự tin rằng, ngay cả khi quân và dân ta bằng cách nào đó có thể đưa pháo vào mặt trận thì cũng phải khuất phục trước đội quân tinh nhuệ và hỏa lực đáng gờm của họ. Khi Henri Navarre tới thị sát Điện Biên Phủ, Charles Piroth đã khẳng định rằng: “Không khẩu pháo nào của Việt Minh có khả năng bắn đến loạt thứ 3 mà không bị phát hiện” và hứa có thể dễ dàng làm câm họng pháo của đối phương.

Hơn thế nữa, việc tiếp tế lương thực, đạn dược trong một thời gian dài, vượt qua một quãng đường xa và băng qua nhiều núi đèo hiểm trở, chủ yếu bằng mang vác thô sơ, giữa làn mưa bom là điều mà người Pháp nghĩ không thể nào thực hiện được.

Thế nhưng, thế cờ được tính toán kỹ lưỡng của người Pháp đã hoàn toàn bị đảo ngược. Pháp đã không thể nào ngờ được rằng, không những có được pháo lớn và pháo cao xạ, Việt Minh còn đưa được chúng vượt qua đèo cao vào sâu trong mặt trận mà không bị phát hiện. Kết quả là ta đã đưa được hơn 200 khẩu pháo hạng nặng vào mặt trận và có lực lượng của 5 đại đoàn trực tiếp tham gia chiến dịch. Cùng với đó, với phương tiện thô sơ như xe đạp thồ, mảng nứa, ngựa thồ, thuyền, những khó khăn về hậu cần được giải quyết nhờ sự chung sức của cả nhân dân.

Ngày 13-3-1954, sau khi hoàn thành các công tác chuẩn bị, Quân đội nhân dân Việt Nam chính thức mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ, tiêu diệt cứ điểm Him Lam, được mệnh danh là “cánh cửa thép” bất khả xâm phạm trong hệ thống Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Hỏa lực của Pháp được bố trí để tiêu diệt quân ta nhanh chóng bị vô hiệu hóa và nhiều trong số chúng đã bị phá hủy. Trong 4 ngày đầu tiên, 3 cứ điểm của quân Pháp thất thủ và hơn 1.000 lính Pháp thiệt mạng hoặc bị thương. Những loạt pháo với độ chính xác cao khiến Piroth thất kinh và đã phải tự sát bằng một trái lựu đạn chỉ sau 2 đêm không thực hiện được lời hứa bịt miệng các họng pháo của Việt Minh.

Đòn tấn công của ta đã khiến người Pháp hoang mang. Nỗi lo sợ của Pháp càng tăng lên khi đường tiếp tế duy nhất của quân Pháp là cầu hàng không cũng gặp muôn vàn khó khăn do hỏa lực của Việt Minh, thời tiết nhiều sương mù và nhiều mây ở Điện Biên Phủ cùng địa hình rừng núi khu vực Tây Bắc.

Pháp cầu cứu Mỹ

Những đòn tấn công liên tiếp của quân ta đã khiến Pháp không khỏi lo lắng rằng kế hoạch dồn quân và dân ta vào trận chiến mà Pháp nghĩ là chắc thắng rồi sẽ thất bại. Chỉ huy quân đội Pháp nhận thấy, chỉ có sự yểm trợ bên ngoài bằng không quân mới giúp người Pháp tránh được một kết cục cay đắng.

Navarre cho rằng cần phải tăng cường hoạt động yểm trợ chiến thuật và chiến lược của không quân bằng cách tấn công vào hậu phương của ta, ngăn chặn các đường tiếp tế, cắt đứt giao thông, phá hủy kho tàng, vô hiệu hóa hỏa lực pháo binh, kìm chân bộ binh ta và tạo nên một vành đai tử thần bằng bom napalm xung quanh tập đoàn cứ điểm.

Người Pháp không ngờ được rằng Việt Minh có thể đưa được những khẩu pháo hạng nặng vào Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu: TTXVN 

Sau những tổn thất ban đầu, Cao ủy Pháp ở Đông Dương Dejean nhanh chóng tiếp xúc với Đại sứ quán Mỹ và phái đoàn quân sự Mỹ ở Sài Gòn, yêu cầu Mỹ ưu tiên chuyển giao ngay số máy bay trước đây đã hứa cung cấp cho Pháp, gồm máy bay ném bom B-26, máy bay chiến đấu F-8F, máy bay vận tải C-47. Ông ta cũng yêu cầu Mỹ cho quyền sử dụng loại C-119 mà Pháp từ lâu đã mượn của Mỹ để tiến hành ném bom napalm quy mô lớn “nhưng sẽ do các tổ lái người Pháp điều khiển”. Ông điện khẩn về Paris yêu cầu tăng thêm chi viện bằng không quân. Navarre cũng điện về Paris cùng một nội dung đó.

Chỉ 1 tuần sau khi mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày 20-3, tướng Paul Henri Romuald Ely, Tham mưu trưởng thứ nhất Quốc phòng Pháp, đã đến Washington để cầu cứu sự viện trợ từ Mỹ. Tại cuộc gặp diễn ra vào tối cùng ngày có sự tham dự của Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Đô đốc Arthur W. Radford, Tham mưu trưởng Lục quân Ridgway, Phó tổng thống Nixon, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) Allen Dulles, tướng Ely nói với Nixon rằng thất bại ở Điện Biên Phủ sẽ có ảnh hưởng xấu đến dư luận Pháp và sức mạnh của chính phủ Laniel.

Sau khi gặp các quan chức Mỹ, tướng Ely đã gặp Tổng thống Eisenhower. Tại cuộc gặp này, sau khi trình bày tình hình tại Đông Dương, tướng Ely khuyến nghị phía Mỹ xem xét can thiệp quân sự trực tiếp. Viên Tham mưu trưởng Pháp cũng cho biết ông mang theo một danh sách dài những yêu cầu cấp bách nhất về máy bay, tàu chiến, súng ống, đạn dược và các vật tư khác mà tướng Navarre mong được Mỹ hỗ trợ. Danh sách này bao gồm 800 chiếc dù loại G-12 để tiếp tục hỗ trợ bằng đường không cho các lực lượng ở Điện Biên Phủ, thêm 25 chiếc B-26, 12 chiếc F-8F, 14 chiếc C-47, 20 trực thăng để sơ tán thương binh ở Điện Biên Phủ. Ely cũng yêu cầu Mỹ gửi thêm nhân viên bảo trì để bảo dưỡng các máy bay trực thăng và nhấn mạnh những thiếu hụt trong lực lượng Không quân Pháp.

Đáp lại lời cầu cứu của Pháp, Eisenhower đã đồng ý cử máy bay cùng phi công để giải vây quân Pháp tại Điện Biên Phủ. Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên Mỹ can thiệp vào tình hình tại Đông Dương. Từ năm 1950, Mỹ đã viện trợ hàng trăm chiếc máy bay, xe tăng, phương tiện và hàng nghìn tấn đạn dược cho quân Pháp cho cuộc chiến tại Đông Dương. Đến năm 1954, Mỹ chi tới gần 80% chiến phí cho Pháp ở đây. Tổng cộng, Mỹ đã cung cấp cho Pháp hơn 40 vạn tấn vũ khí, gồm 360 máy bay, 347 tàu thuyền các loại, 1.400 xe tăng và xe bọc thép, 16.000 xe vận tải, 17,5 vạn súng cá nhân.

TRẦN HOÀI (biên khảo từ nhiều nguồn)

1. Khóa luận tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Khoa học lịch sử “The Quiet Diplomacy: President Eisenhower and Dien Bien Phu” (tạm dịch: “Chính sách ngoại giao lặng lẽ: Tổng thống Eisenhower và Điện Biên Phủ”) - William Stuart Maddox

2. Khóa luận tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Khoa học lịch sử của Đại úy Jonathan Edward Fair - Bộ Không quân Mỹ (đã giải mật): “Why American Forces Did not Intervene at Dien Bien Phu?” (tạm dịch: Tại sao các lực lượng Mỹ không can thiệp vào Điện Biên Phủ?)

3. Tạp chí Air & Apace Forces

3. History.com

4. Weaponsandwarfare.com

5. Tư liệu của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Theo Báo Quân Đội Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục