Lời hẹn ước cùng đồng đội

06:59, 26/07/2025

Là một người con của Hà Nội, nhạc sĩ Trương Quý Hải đã ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng bằng những bản tình ca lãng mạn. Tuy nhiên, khi nhắc đến tên tuổi ông, nhiều người nhớ đến hình ảnh một người lính già, nhiều năm liền, cầm đàn ghi ta hát giữa nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên ca khúc “Về đây đồng đội ơi”.

Nhạc sĩ Trương Quý Hải (thứ 2 từ phải qua trái) cùng đồng đội hát trước anh linh liệt sĩ tại Mặt trận Vị Xuyên.
Nhạc sĩ Trương Quý Hải (thứ 2 từ phải qua trái) cùng đồng đội hát trước anh linh liệt sĩ tại Mặt trận Vị Xuyên.

Cảm xúc từ Vị Xuyên

“Mặt trận Vị Xuyên đã làm thay đổi cuộc đời tôi…”, nhạc sĩ Trương Quý Hải trầm ngâm chia sẻ, ánh mắt xa xăm như vọng về ký ức. Từ năm 1984 đến 1985, ông đã trải qua những tháng ngày chiến đấu khốc liệt, nơi sinh tử kề cận tại mặt trận Vị Xuyên ác liệt. Ít ai biết rằng, trước khi khoác lên mình màu xanh áo lính, chàng trai trẻ Trương Quý Hải đã từng đỗ Đại học Mỏ địa chất. Thế nhưng, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông đã gác lại bút nghiên, từ bỏ giảng đường để dấn thân vào lửa đạn, trở thành người lính nơi Hoàng Liên Sơn, rồi sau đó là Vị Xuyên lịch sử.

Năm 1984, ông đặt chân đến Tuyên Quang, trực tiếp tham gia vào những công việc cam go nhất của người lính. Ông cùng đồng đội hăng hái thực hiện nhiệm vụ vác đạn lên chốt rồi tận tình chăm sóc những thương binh. Và đặc biệt hơn cả, là đôi tay run rẩy thực hiện công tác tử sĩ, tận tay chôn cất những người đồng đội đã ngã xuống ngay trên chiến trường. Mỗi mảnh đất đào bới, mỗi gương mặt vĩnh viễn nằm xuống đều khắc sâu, in hằn vào tâm hồn ông, biến Vị Xuyên trở thành một phần máu thịt, một vết sẹo ký ức không thể phai mờ trong cuộc đời người nhạc sĩ.

Giữa bao nhiêu kỷ vật chiến trường, có một mẩu giấy mà nhạc sĩ Trương Quý Hải không bao giờ quên. Đó là một mẩu giấy thấm máu từ vỏ bao thuốc lá Sa Pa, được người lính hy sinh cẩn thận gập lại trong túi áo ngực. Mở ra, bên trong vỏn vẹn ba chữ: “Mẹ kính yêu”. Màu mực xanh và màu máu đã hòa lẫn vào nhau.

Cầm mẩu giấy ấy trên tay, trái tim người nhạc sĩ như thắt lại. Ông nhớ về mẹ mình, tự nhủ rằng ít ra ông còn may mắn có cơ hội được gặp lại mẹ, còn người mẹ đã sinh ra đồng đội ông, giờ đây, đã vĩnh viễn không còn cơ hội ấy nữa. Ông xúc động nhớ lại: “Những đêm ấy, cứ có thời gian là tôi lại chạy tới ngồi bên những nấm mộ mới đắp đất thêm cho anh em, chẳng muốn đi đâu cả. Xung quanh tôi là bóng đêm, là tiếng xa xa anh em đang đào huyệt mộ mới. Chính tại nơi đây, tôi thấm thía thế nào là tình đồng đội, tình quân dân, được bà con cưu mang, che chở. Qua chiến đấu, những từ ngữ bình dị như: Tổ quốc, đồng đội, đồng bào đã mang một ý nghĩa thiêng liêng, sâu sắc hơn bao giờ hết”.

Lá thư đặc biệt ấy đã khiến ông trăn trở, day dứt khôn nguôi. Và rồi, theo dòng cảm xúc tuôn trào, ông sáng tác ca khúc với tựa đề “Thư về với mẹ”. Ông chia sẻ, chính bản nhạc đầu tay này đã trở thành bước ngoặt lớn trong cuộc đời ông. Bởi trước đó dù khao khát viết nhạc nhưng việc đặt lời ca luôn là một thách thức lớn như thể có một bức tường vô hình ngăn cản dòng chảy cảm xúc. Thế nhưng, chính Vị Xuyên, chính tình cảm gắn bó máu thịt với đồng đội, với đồng bào đã cho ông nguồn cảm xúc mãnh liệt. Đó là mạch nguồn để ông cống hiến cho đời những nhạc phẩm đi vào lòng người.

 

Lời tri ân đồng đội

Nhiều năm qua, hình ảnh người lính ôm cây đàn ghi-ta, cất tiếng hát “Về đây đồng đội ơi” tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên đã trở nên quá đỗi quen thuộc, chạm đến trái tim bao người. Lời ca và giai điệu bài hát như một lời nhắc nhở sâu sắc về sự hy sinh cao cả của những người anh hùng dân tộc đã hy sinh vì độc lập, tự do cho tổ quốc. Ca khúc “Về đây đồng đội ơi” được sáng tác vỏn vẹn trong một ngày của tháng 7-2014, như một tiếng gọi từ sâu thẳm tâm hồn. Bài hát chính là tiếng gọi “hội quân” của những người còn sống với những đồng đội đã vĩnh viễn nằm xuống.

Nhạc sĩ trải lòng: “Một ý tưởng chợt đến thôi thúc tôi viết ca khúc này, đài hương được lập nên ở cao điểm 468, những người còn sống sẽ gặp lại những người đã hy sinh, vậy chúng tôi sẽ nói gì với những người bạn ấy. 

Nhạc phẩm của nhạc sĩ Trương Quý Hải không mô tả súng đạn, bom rơi, mà khắc họa một bức tranh đau thương bằng những địa danh thân thuộc với người lính Vị Xuyên. Những tên gọi như 1509, 772, 685, 1100, 233 Cô Ích, bốn hầm, bờ suối, dốc núi... không chỉ là địa danh, mà đã trở thành những tọa độ linh thiêng, nơi máu xương đồng đội nằm lại.

Hôm nay, khi đặt chân lên cao điểm 468 lộng gió ở Vị Xuyên, giữa mùi khói hương trầm mặc quyện cùng mây núi bảng lảng, một cảm giác thiêng liêng và tiếc thương cứ thế ùa về. Nơi đây, từng ngọn cỏ, phiến đá như đang thì thầm nhắc nhở chúng ta về những hy sinh, mất mát không thể nào quên. Và giữa không gian xúc động ấy, ca khúc “Về đây đồng đội ơi” của nhạc sĩ Trương Quý Hải đã sừng sững khắc tạc nên một tượng đài bất diệt về tình đồng đội, về sự hy sinh cao cả của người lính Cụ Hồ năm xưa.

Giang Lam


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Khuông nhạc mùa hè
Có một mùa hè nằm yên trong ký ức, rất khẽ, rất nhẹ. Mỗi khi tiếng ve đầu mùa cất lên, lòng tôi lại nao nao như có ai vừa khẽ gõ cửa, đánh thức những ngày tháng xa xưa, nơi tôi từng là một đứa trẻ, sống trọn vẹn trong từng phút giây dưới ánh nắng chói chang, giữa tiếng cười trong veo và những trò chơi dân gian đơn sơ mà đầy ắp yêu thương.
29/06/2025
Nối nghiệp...
Kết thúc chiến tranh, tôi lên sáu tuổi. Lúc này đã có nhiều người lính trở về. Nhà tôi gần ga tàu. Sáng sáng lại thấy họ bước xuống từ ga tàu, lưng đeo ba lô khuôn mặt khắc khổ. Ít ngày sau họ chuyển đến làm một cơ quan khác ở huyện hoặc làm thợ, làm vườn nhưng vẫn mang trên mình màu xanh áo lính. Cha tôi vẫn bặt tin. Giấy báo tử chưa gửi về, vậy nên mẹ con tôi còn chút hy vọng dù thấp thỏm từng ngày. Mong sao bác đưa thư không dừng xe trước cửa nhà mình.
29/06/2025
Trong khu vườn của mẹ
Ngồi trong khu vườn của người mẹ ấy chỉ có gió xào xạc trên tán trúc. Cây vối cho lá, cây chanh cho quả, nhành phong lan bám chặt thân cây mít… Vĩnh thấy như chính mảnh vườn dưới quê của mẹ anh ngày nào…
26/07/2025
Kịp thời hỗ trợ - Giải quyết nhanh chóng
Khi chính quyền hai cấp đi vào hoạt động, Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp xã là nơi tiếp nhận, giải quyết các thủ tục liên quan đến cuộc sống hằng ngày của Nhân dân.
19/07/2025