Quyết liệt khống chế dịch tả lợn châu Phi
Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản từ đầu tháng 7 đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi diễn biến rất phức tạp, xu hướng lan rộng ở nhiều địa phương. Đến ngày 19-7, đã có 109 hộ/59 thôn/19 xã ghi nhận có số lợn chết, tiêu hủy hơn 1.100 con lợn. Ngăn chặn dịch bùng phát, lan rộng, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu ngành Nông nghiệp và Môi trường khẩn trương, quyết liệt thực hiện các giải pháp khoanh vùng, dập dịch.
Khó khăn trong phòng, chống dịch
Xã Tân An, những ngày gần đây liên tiếp xuất hiện tình trạng lợn chết không rõ nguyên nhân. Ông Hà Văn Quân, thôn Tân Hoa cho biết: 8 con lợn của gia đình có trọng lượng từ 80 kg trở lên đang khỏe mạnh bỗng dưng bỏ ăn, sốt cao, xuất hiện những đốm đỏ trên thân mình rồi chết. Thấy hiện tượng bất thường ông Quân báo cáo chính quyền xã, Trạm Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản khu vực II để tìm nguyên nhân. Kết quả mẫu bệnh phẩm từ cơ quan chức năng cho thấy đàn lợn đã dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi.
![]() |
Lực lượng chức năng xã Xuân Vân hỗ trợ người dân tiêu hủy lợn nhiễm dịch. |
Từ ngày 6-7 đến nay, tại 3 xã vùng cao, biên giới của tỉnh gồm Quản Bạ, Lùng Tám, Bạch Đích liên tiếp xuất hiện các ổ dịch tả lợn châu Phi. Báo cáo của Trạm Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản khu cực VIII, dịch bệnh đã xuất hiện tại 12 hộ, thuộc 9 thôn, tổng số lợn ốm, chết phải tiêu hủy là 62 con, trọng lượng 2,6 tấn. Riêng trong ngày 17-7, đã phát hiện thêm 37 con mắc bệnh.
Đồng chí Lê Hải Nam, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản - Sở Nông nghiệp và Môi trường khẳng định: Nguyên nhân chính làm dịch bệnh tiếp tục tái phát, lây lan là do một số địa phương cấp xã nhận thức chưa đầy đủ, chưa đúng tính chất nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn châu Phi. Việc tổ chức công bố dịch và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường còn chưa đồng bộ... Thực tế hiện nay, dịch xuất hiện song nhiều địa phương, chính quyền vẫn rất loay hoay vì thiếu nhân lực bởi mạng lưới thú y thôn, bản không còn, mặc dù Trạm Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản khu vực đã được thành lập, tuy nhiên địa bàn rộng không thể bao quát được hết, chưa kể bộ máy cũng chưa được kiện toàn.
Cùng với đó, chủ gia súc chưa thực hiện các biện pháp vệ sinh thú y tối thiểu trong phòng, chống dịch bệnh. Các hộ chăn nuôi không thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, một số hộ chăn nuôi vẫn sử dụng thức ăn thừa để nuôi lợn. Một số hộ chăn nuôi khi phát hiện lợn chết bất thường không báo cáo cơ quan chức năng mà mang vứt bỏ xuống các sông, suối làm lây lan mầm bệnh, gây ô nhiễm môi trường.
Việc tổ chức xử lý, tiêu hủy lợn bệnh gặp rất nhiều khó khăn còn do không có đủ lực lượng, thiếu kinh phí mua hóa chất, vôi bột, thuê phương tiện, không có đủ kinh phí cho người tham gia xử lý lợn bệnh... gây rất nhiều khó khăn trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, dẫn đến dịch bệnh lây lan, chưa được kiểm soát.
Quyết liệt ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi
Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn châu Phi, ngày 18-7, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường đồng bộ các biện pháp kiểm soát, khống chế dịch bệnh.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các xã, phường thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định pháp luật; đặc biệt, tuyên truyền người dân tiêm vắc xin, thực hiện vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng, giám sát dịch bệnh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như giết mổ, buôn bán lợn bệnh, vứt xác lợn ra môi trường. Các xã có dịch phải thành lập Ban Chỉ đạo, tổ phản ứng nhanh, tổ tiêu hủy để xử lý triệt để ổ dịch. Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ động phối hợp với các địa phương tiêm phòng vắc xin, cung ứng vật tư cần thiết để khoanh vùng, ngăn chặn dịch bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất dịch lan rộng. Sở Công thương, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển, tiêu thụ lợn không rõ nguồn gốc.
Lực lượng cán bộ Trạm Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản khu vực VIII đã phối hợp với chính quyền 3 xã khẩn trương triển khai các biện pháp khoanh vùng, dập dịch. Trong đó, tập trung hướng dẫn tiêu hủy đúng quy trình; đã sử dụng 165 lít hóa chất và 2.165 kg vôi bột khử khuẩn môi trường tại vùng có dịch, vùng bị dịch uy hiếp. UBND các xã Quản Bạ, Lùng Tám, Bạch Đích đã thành lập Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch tả lợn châu Phi và các tổ giúp việc. Đồng thời, thành lập 15 tổ công tác triển khai tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, nâng cao ý thức chủ động khai báo, không giấu dịch, không vứt xác lợn ốm, chết ra môi trường và cho các hộ chăn nuôi ký cam kết.
Chi cục trưởng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lê Hải Nam khẳng định: Thời tiết nóng ẩm, các ổ dịch xuất hiện rải rác khắp các địa phương nếu không có biện pháp phòng chống quyết liệt, dịch sẽ phát sinh, lan rộng gây tổn thất lớn cho chăn nuôi. Dập dịch, bảo vệ an toàn đàn vật nuôi, mỗi hộ chăn nuôi, trang trại, địa phương phải là một pháo đài chống dịch. Thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn lợn ở khu vực chưa xuất hiện ổ dịch, tạo hệ miễn dịch chủ động cho vật nuôi. Đây là một trong các biện pháp phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi rất quan trọng mà người chăn nuôi cần thực hiện; ngay khi phát hiện lợn có dấu hiệu bất thường báo ngay với cơ quan chức năng để thực hiện các biện pháp khoanh vùng. Tuyệt đối không bán chạy, bán tháo, vận chuyển, vứt xác lợn chết ra môi trường; không tái đàn khi ổ dịch chưa qua 21 ngày và chưa được kiểm soát triệt để.
Bài, ảnh: Đoàn Thư
Ý kiến bạn đọc