“Cởi trói” cho kinh tế tư nhân

- Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68 - NQ/TW ngày 4 - 5 - 2025 về phát triển kinh tế tư nhân được xem là một cú huých chiến lược. Cùng với cộng đồng doanh nghiệp trong nước, các doanh nghiệp tại Tuyên Quang đánh giá cao tầm nhìn chiến lược của Nghị quyết, đồng thời kỳ vọng vào những chuyển động thực chất từ chính sách đến thực tiễn, nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ những “nút thắt” tồn tại lâu nay.

Cú huých thể chế

Một trong những điểm đột phá quan trọng của Nghị quyết 68-NQ/TW là việc khẳng định kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế. Đây là bước tiến lớn về tư duy chính sách, đồng thời thể hiện rõ cam kết đặt khu vực kinh tế tư nhân ngang hàng với các thành phần kinh tế khác trong dẫn dắt tăng trưởng, tạo việc làm và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang  cho rằng: Điểm rất mới của Nghị quyết 68 là đã nhìn nhận rất đúng vai trò của kinh tế tư nhân trong cơ cấu nền kinh tế hiện nay. Từ trước đến nay, dù đóng góp tới 40% GDP và hơn 80% lực lượng lao động, khu vực này vẫn gặp nhiều rào cản trong tiếp cận đất đai, vốn, thông tin thị trường cũng như thủ tục hành chính.

Nghị quyết lần này là bước tiến thể chế quan trọng để tháo gỡ các vướng mắc đó, tạo động lực cho kinh tế tư nhân phát triển bài bản, bền vững hơn. Sau khi Nghị quyết được ban hành, ngày 12-5, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công điện số 63/CĐ-TTg, yêu cầu các bộ, ngành và địa phương khẩn trương xây dựng chương trình hành động triển khai. Sự vào cuộc nhanh chóng này thể hiện quyết tâm cao trong việc đưa tinh thần cải cách vào thực tiễn, đáp ứng mong mỏi của cộng đồng doanh nghiệp.  

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Hữu Thập đề xuất bãi bỏ thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đối với nhà đầu tư trong nước.

Bên cạnh định hướng phát triển khu vực tư nhân, Nghị quyết 68 cũng đặt ra yêu cầu đổi mới toàn diện trong quản trị doanh nghiệp nhà nước. Việc đẩy mạnh phân cấp, xác định rõ trách nhiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công sẽ giúp lành mạnh hóa môi trường cạnh tranh, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế cùng phát triển.

Tại Tuyên Quang, khu vực kinh tế tư nhân hiện có hơn 2.890 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký trên 37.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 48.000 lao động. Mỗi năm, khu vực này đóng góp trên 60% tổng thu ngân sách địa phương. Những con số đó là minh chứng rõ ràng cho vai trò ngày càng quan trọng của doanh nghiệp tư nhân, đồng thời cho thấy yêu cầu cấp thiết phải tiếp tục cải cách, tạo điều kiện để khu vực này phát triển ổn định và bền vững hơn trong giai đoạn tới.

Kỳ vọng được “cởi trói”

Ông Nguyễn Phương Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Lâm sản và Khoáng sản Tuyên Quang cho rằng, vướng mắc lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp là thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai và điều chỉnh đầu tư. Việc tiếp cận mặt bằng, thực hiện thủ tục về chủ trương đầu tư, quy hoạch, thuê đất… còn rất phức tạp, đặc biệt với doanh nghiệp nhỏ, vừa và khởi nghiệp. Nhiều dự án dù đã có mặt bằng nhưng khi cần điều chỉnh chủ trương đầu tư hoặc mục đích sử dụng đất thì thủ tục lại càng khó hơn. Có những hồ sơ kéo dài đến vài ba năm vẫn chưa hoàn tất, khiến doanh nghiệp mất cơ hội đầu tư. Ông kỳ vọng Nghị quyết 68 sẽ thúc đẩy cải cách hành chính mạnh mẽ, minh bạch hóa quy trình, tạo điều kiện cho doanh nghiệp linh hoạt hơn trong triển khai dự án.

Ông Phạm Quang Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Phú (TP Tuyên Quang) cũng kỳ vọng Nghị quyết 68 sẽ mang lại chuyển biến thực chất trong tháo gỡ rào cản thể chế, đặc biệt về thủ tục đất đai và đầu tư công. Theo ông, nhiều doanh nghiệp vẫn phải tự thỏa thuận đền bù, góp vốn với người dân, một khâu rườm rà và kéo dài. Thậm chí, có dự án không vướng tranh chấp nhưng vẫn bị “treo” vì không hoàn tất được thủ tục pháp lý. Ông Hiệp cũng phản ánh tình trạng một số công trình sử dụng vốn ngân sách dù đã hoàn thành, đưa vào sử dụng nhưng chưa được nghiệm thu, bàn giao, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp. Ông mong các cơ quan quản lý sẽ điều hành quyết liệt hơn sau Nghị quyết 68.

Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang vừa có văn bản kiến nghị gửi tới các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đề xuất sửa đổi Luật Đầu tư năm 2020 nhằm bãi bỏ thủ tục chấp thuận hoặc điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với nhà đầu tư trong nước, trong bối cảnh kinh tế tư nhân được xác lập là “một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia”. Đây không chỉ là mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp Tuyên Quang mà còn là tiếng nói chung của doanh nghiệp cả nước, nhằm góp phần thúc đẩy môi trường đầu tư - kinh doanh ngày càng thuận lợi, minh bạch và vì sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Một điểm nổi bật khác là Nghị quyết 68 đề cập rõ định hướng phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã theo hướng hiện đại, hiệu quả. Bà Phạm Thị Hồng, thành viên HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Hồng Phát (Chiêm Hóa), chia sẻ: “Nghị quyết đã đặt vai trò kinh tế tập thể vào một vị thế mới, khuyến khích đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường. Chúng tôi mong sẽ có thêm chính sách ưu đãi tín dụng, xúc tiến thương mại và hỗ trợ kỹ thuật để HTX có thể vươn ra thị trường xuất khẩu một cách bền vững”.

Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng Nghị quyết 68 không chỉ dừng lại ở những cam kết trên giấy, mà sẽ được cụ thể hóa bằng hành động thiết thực, hiệu quả và nhất quán. Khi chính sách đi vào thực tiễn một cách mạnh mẽ, đó sẽ là động lực để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, mở rộng sản xuất và đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển bền vững của địa phương.

Bài, ảnh: Hải Hương

Tin cùng chuyên mục