Những bước chân trên núi
Từ tờ mờ sáng chúng tôi từ Bến Thủy, ngược dòng sông Gâm đến chốt Kiểm lâm Tát Kẻ, xã Khâu Tinh (Na Hang) để theo chân lực lượng kiểm lâm, Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ huyện Na Hang và lực lượng chính quyền, công an, quân sự xã Khâu Tinh (Na Hang) thực hiện chuyến tuần tra, kiểm soát ở sâu trong rừng quanh núi Pắc Tạ.
Lực lượng Kiểm lâm kiểm tra vị trí trên điện thoại thông minh để tìm đường đi trong rừng quanh núi Pắc Tạ.
Vừa đặt chân xuống bến Tát Kẻ, sau cái bắt tay vội, anh Dương Văn Cường, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Phia Phoong (Na Hang) hớt hải nói: “Chuyến này đi vất lắm đấy nhà báo, cung đường gập ghềnh, chênh vênh vách đá với độ dốc cao, rừng rậm”. Nói rồi, anh Cường cùng các cán bộ kiểm lâm, lãnh đạo xã Khâu Tinh đưa chúng tôi về chốt. Đến chốt lúc này là 6h30 sáng, các lực lượng tham gia chuyến tuần tra, kiểm soát đã có mặt đầy đủ, sẵn sàng lên đường.
Từ chốt Kiểm lâm Tát Kẻ, hàng chục chiếc xe máy nối đuôi nhau qua quãng đường rừng gần 4 km, anh Ma Văn Thắng, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm xã Khâu Tinh cẩn thận dặn chúng tôi: “Đường từ đây là đường đất, nhiều đá hộc nên anh chị ngồi chắc nhé!”. Vừa nói, anh Thắng vừa vít tay ga vượt khúc cua tay áo lổn nhổn đá vừa nói to như sợ chúng tôi không nghe thấy.
Đoàn xe gầm gừ khoảng 15 phút theo con đường khó thì đến chân núi Pắc Tạ. Từ đây, chúng tôi bắt đầu chuyến leo núi đầy khó khăn để tới đỉnh núi Pắc Tạ - nơi có quần thể gỗ nghiến sống cả trăm năm nay. Vì đường đi phải vượt qua nhiều mỏm đá, dốc thẳng đứng, trong rừng cây cối um tùm, những anh áo xanh tuần rừng liên tục phải phát cây để chuyến đi thêm thuận lợi.
Là những “người con của núi”, quá quen thuộc địa hình nên những bước chân tuần rừng cứ thế phăng phăng trên đường mòn, chúng tôi thì dò dẫm theo đoàn. Đường mòn khúc khuỷu, khi thì dựng đứng như bức tường thành, lúc lại có cảm giác tụt sâu xuống mép vực. Mặt đường là những rễ cây cổ thụ đan vào nhau chằng chịt.
Các lực lượng tuần tra trong rừng sâu khu vực núi Pắc Tạ.
Vừa leo được một lúc, thấy bước chân của chúng tôi chậm lại, anh Cường trêu chúng tôi anh em có chiếc ba lô 3 gang và bảo chúng tôi đưa hết túi xách và đồ chưa dùng đến để anh em cầm giúp.
Ngồi nghỉ giữa chặng đường, chúng tôi được các anh trong đoàn tuần tra kể bao điều về cánh rừng gỗ quý. Anh Lê Hữu Thể, Bí thư Đảng ủy xã Khâu Tinh đưa chiếc đèn pin chiếu rọi ra xung quanh, chỉ thấy cánh rừng ken đặc bởi những cây gỗ lớn, nhỏ, vỏ cây rêu mốc, sần sùi. Chiếc đèn dừng lại ở một thân cây to. Anh Thể tếu táo: “Đây là cây nghiến tổ của cánh rừng, ước tính khoảng 1.000 năm tuổi, đường kính thân hơn 2 mét…”. Chưa từng được nhìn thấy cây nghiến nào lớn như vậy. nên chúng tôi háo hức lại thật gần để ngắm nghía. Vỏ cây màu nâu sẫm, thân cây cao vút lên tận trời đêm. Chúng tôi vòng tay ôm thử cũng phải đến 5 sải tay mới hết gốc.
Sau 5 giờ đồng hồ mải miết leo rừng, xung quanh là tiếng thú kêu, chim hót cuối cùng chúng tôi cũng đến được đỉnh núi Pắc Tạ. Ai nấy tay chân lấm lem bùn đất, khuôn mặt đỏ vì nắng nóng, trán lấm tấm mồ hôi mà đôi môi vẫn nở nụ cười tươi tắn.
Bám trụ ngày đêm để bảo vệ rừng
Dẫu ngày hay đêm, giữa sâu thẳm trong những cánh rừng già nơi đại ngàn, bước chân tuần tra của những “chiến sĩ mang quân hàm xanh” vẫn miệt mài băng rừng, vượt những dãy núi đá tai mèo dựng đứng, giữ cho những cánh rừng thêm xanh.
Đoàn tham gia tuần tra, kiểm soát núi Pắc Tạ.
Gian khổ và nguy hiểm là vậy, nhưng bảo vệ được màu xanh của đại ngàn là niềm vui chung của hầu hết kiểm lâm địa bàn. Anh Nguyễn Thế Cương, chốt bảo vệ rừng Đội 5, thuộc Trạm Kiểm lâm Phia Phoong, một kiểm lâm viên còn rất trẻ nói với chúng tôi rằng đã vào nghề là phải chấp nhận khó khăn. Những ngày đầu anh vào nghề, tham gia tuần tra giữ rừng như thế này, có lúc tưởng chừng phải bỏ nghề nhưng các anh em đồng nghiệp động viên, khích lệ, anh lại có động lực để thực hiện ước mơ giữ rừng.
Xa gia đình, xa vợ con, phải tập trung bám trụ suốt ngày đêm ở rừng không kể lễ, Tết hay ngày nghỉ… đó chỉ là một trong những khó khăn, thử thách mà bất cứ cán bộ, chiến sĩ kiểm lâm nào ở Na Hang đều phải trải qua.
Mặc dù nhà chỉ cách chỗ làm việc chục cây số, nhưng với đặc thù công việc nên mỗi tháng anh Dương Văn Cường, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Phia Phoong (Na Hang) cũng chỉ được về nhà có 2 lần. Anh Cường chia sẻ “18 năm gắn bó với rừng, cũng là ngần ấy năm xa gia đình, thậm chí có năm nghỉ lễ, Tết gia đình anh cũng không được sum vầy. Đến nay, cánh rừng nào trên địa bàn huyện Na Hang anh cũng đã đặt chân đến. Những cánh rừng, những kỷ niệm ngày đêm đi tuần tra, bảo vệ rừng cùng anh em đồng đội bất kể ngày nắng hay mưa, anh không bao giờ quên”. Anh Cường cho biết: “Công việc của anh em hằng ngày là đi tuần tra, kiểm tra các dấu vết ra vào rừng, kể cả dấu chân, dấu xe trên các đường mòn đi vào trong rừng. Mình theo dấu, nếu không kịp thì anh em về bàn cách triển khai kế hoạch mật phục ban đêm”.
Chia tay đoàn mà đâu đó vẫn văng vẳng bên tai câu hát trong ca khúc “Một rừng cây, một đời người” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn. Giữa rừng núi Pắc Tạ, chúng tôi càng thêm xúc động và cảm phục những người giữ rừng nơi đây.
Gửi phản hồi
In bài viết