An toàn đường thủy trước mùa mưa lũ

- Hiện nay, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đang tăng cường tuần tra, kiểm soát nhằm kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm an toàn giao thông (ATGT) đường thủy. Qua đó nhằm nâng cao ý thức của của các chủ doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh vận tải đường thủy, chủ động phòng ngừa, hạn chế những sự cố đáng tiếc, đảm bảo an toàn cho hành khách và người dân trước mùa mưa lũ.

Thực hiện kế hoạch số 13/KH-UBND của UBND tỉnh về triển khai công tác đảm bảo trật tự ATGT năm 2023, Ban ATGT tỉnh đã ban hành kế hoạch số 10/KH-BATGT phối hợp liên ngành thực hiện bảo đảm trật tự ATGT đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh. Theo đó, lực lượng liên ngành sẽ mở đợt cao điểm kiểm tra ATGT giao thông đường thủy toàn diện trong tháng 5. Từ tháng 6 đến tháng 12-2023, mỗi tháng tổ kiểm tra hoạt động 4 ngày lần lượt trên từng địa bàn, đoạn tuyến sông, vùng lòng hồ. Cụ thể, kiểm tra tại khu vực lòng hồ thủy điện Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình; trên 2 tuyến sông chính là sông Lô và sông Gâm; kiểm tra các bến khách ngang sông, bến thủy nội địa, bè nổi kinh doanh nhà hàng, du lịch trên đường thủy nội địa.

Lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn người lái tàu, thuyền trên khu vực lòng hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình.

Chỉ tính riêng trong đợt cao điểm đảm bảo trật tự ATGT dịp lễ 30-4, 1-5 và Giỗ tổ Hùng Vương, đoàn kiểm tra liên ngành gồm Thanh tra Sở Giao thông – Vận tải, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh đã phát hiện 30/84 tàu, thuyền vận tải khách, du lịch đang hoạt động không có đăng kiểm. Đoàn cũng tiến hành kiểm tra các nội dung về an toàn kỹ thuật phương tiện, kiểm tra nồng độ cồn của 34 chủ tàu, chứng chỉ chuyên môn của người điều khiển phương tiện, các trang thiết bị an toàn và phao cứu sinh. Tất cả những tàu, thuyền không đủ điều kiện đã bị lập biên bản và yêu cầu dừng hoạt động. Trong đợt này, lực lượng chức năng cũng đã phát 250 tờ rơi tuyên truyền và cho các chủ phương tiện đủ điều kiện hoạt động ký cam kết thực hiện nghiêm quy định của pháp luật trong đảm bảo ATGT đường thủy nội địa.

Chị Nguyễn Thị Lan, chủ tàu du lịch trên hồ sinh thái Na Hang nói, để đảm bảo an toàn cho du khách đến tham quan du lịch lòng hồ, bên cạnh việc trang bị đầy đủ phao cứu sinh, dụng cụ nổi, hệ thống phòng cháy, chữa cháy, gia đình chị thực hiện bảo dưỡng phương tiện định kỳ. Chị cũng thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết để tư vấn giúp du khách có trải nghiệm an toàn, trọn vẹn khi đến với nơi đây.   

Huyện Lâm Bình quản lý trên 4.000 ha lòng hồ sinh thái với 17 tàu du lịch, 191 thuyền bè dân sinh. Tổ công tác vùng lòng hồ thường xuyên tuyên truyền các quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa, quy định xử phạt hành chính trong nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, vận động người dân và chủ tàu thuyền cam kết không vi phạm ATGT đường thủy. Thiếu úy Chẩu Xuân Toan, Đội Cảnh sát giao thông, trật tự, Công an huyện Lâm Bình cho biết, hiện nay trên địa bàn chỉ còn 2 tàu du lịch hoạt động, các tàu còn lại do không có đăng kiểm, vi phạm các điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa nên lực lượng chức năng yêu cầu tạm dừng hoạt động.

Nhằm đảm bảo ATGT đường thủy nội địa trước mùa mưa bão, Ban ATGT các huyện, thành phố cũng tập trung rà soát, thống kê các phương tiện thủy đang hoạt động trên địa bàn; rà soát các công trình giao thông thủy lợi, cầu treo, cầu vượt sông để kịp thời phát hiện và xử lý những hư hỏng tiềm ẩn như vết nứt, trượt… Cùng với đó, thành lập các tổ công tác tăng cường kiểm soát, sắp xếp việc neo đậu; bố trí lực lượng tại bến thủy, bến khách siết chặt việc thực hiện quy định mặc áo phao trước khi rời bến; thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng các phương án cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả mưa bão khi có yêu cầu. Người dân cũng cần nêu cao ý thức cảnh giác, chỉ sử dụng những tàu thuyền trang bị đủ phao cứu sinh, phòng chống cháy nổ, chở đúng số người quy định...

Bài, ảnh: Thùy Lê

Tin cùng chuyên mục