Chuyện vỗ đào Tết

- Nằm cách trung tâm thành phố Tuyên Quang không xa, phường Nông Tiến có nhiều tổ dân phố nằm trải dài theo vùng soi bãi dọc sông Lô, thổ nhưỡng đất pha cát rất thích hợp cho trồng cây đào cảnh. Hơn 35 năm từ khi hình thành đến nay, vùng đất này trở thành nơi chuyên canh cây đào cảnh lớn nhất tỉnh.

Nhộn nhịp vùng đào

Chỉ còn khoảng gần 3 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tại phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) người dân làng đào đang tập trung những công đoạn cuối cùng để có những cây đào đẹp phục vụ nhu cầu của thị trường. Tại các con đường bê tông dẫn vào các tổ dân phố, đâu đâu cũng thấy người dân chăm sóc các vườn đào, đánh bầu, chuẩn bị ang chậu, xe kéo, đá cảnh. Theo kinh nghiệm của người dân trồng đào Nông Tiến, năm nay thời tiết khá thuận lợi, hứa hẹn cho một vụ đào thắng lợi.

Dạo qua các vườn đào đã được các gia chủ tuốt lá từ tháng trước đang nhú nụ nhiều, ông Trần Văn Trí, người trồng nhiều đào ở tổ 9, phường Nông Tiến cho biết, từ những năm 1990 phong trào trồng đào Tết đã rộ ở địa phương. Thời kỳ đầu diện tích chỉ có vài sào, đến nay diện tích trồng đào toàn phường lên đến gần 10 ha, biến nơi đây thành vùng chuyên canh trồng đào cảnh lớn nhất của tỉnh. Doanh thu bình quân từ trồng đào đạt khoảng 300 triệu đồng/ha/năm. Đào được trồng nhiều ở các tổ 8, 9, 10, trong đó riêng tổ 9 diện tích lên tới gần 6 ha. Hiện nay tổ 9 có 2/3 số hộ trồng đào, thu nhập mỗi hộ từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng/năm.

Ông Trần Văn Trí, tổ 9, phường Nông Tiến chăm sóc vườn đào của gia đình.    

Theo ông Trí, cây đào không chịu úng nên cần chọn đất cao ráo, đánh luống, thoát nước tốt và làm đất tơi xốp. Đất trồng đào là phải thích hợp đất thịt pha sét, cát có độ PH 7 - 8. Nếu đào bon sai trồng bằng chậu nhớ xử lý thoát nước ở đáy chậu thật kỹ, đường kính chậu phải lớn hơn đường kính tán cây một chút. Để đào ra hoa đúng dịp Tết thì phải có cách chăm sóc linh động như, thường xuyên theo dõi cây đào, thời tiết rét thì chăm sóc sớm hơn.

Nếu thời điểm này gặp trời nắng hanh kéo dài, nguy cơ đào nở sớm thì theo kinh nghiệm dân gian người nông dân thường "thiến đào" vào đầu tháng 11 âm lịch bằng cách dùng dao sắc cắt một đường quanh vỏ thân ở dưới chỗ phân cành, cách mặt đất trên 40 cm để hãm đào. Sau đó 1 tuần nếu lá đào không chuyển sang màu vàng nhạt hoặc hơi rũ xuống thì cần "thiến đào" thêm 1 lần nữa đến khi lá chuyển màu.

Sau khi khoanh vỏ xong có thể dùng túi ni lông che vết khoanh để nước mưa không đọng vào làm thối vỏ. Thường cứ đến cuối tháng 11 thì người trồng đào tuốt hết lá để kích cây ra hoa và lộc non. Vào áp Tết mà gặp trời rét thì bón thêm phân thúc, dùng nước ấm tưới thường xuyên để đào cho ra nhiều nụ, hoa.

Đến thăm vườn đào của ông Vũ Văn Thảo, tổ 9 với trên 100 gốc đào cổ nom thích mắt. Ngắm nghía mỗi cây một tư thế, dáng vẻ, ông Thảo cho biết: "Giờ kiếm được cây đào to dáng đẹp không phải là dễ. Vì thế người làm đào Nông Tiến đến nay thường cho thuê cây đào cảnh dịp Tết hơn là bán đứt.

Nói chung là người ta vẫn có bán nhưng giá cao với lại những cây "đinh" thì nhất quyết không bán. Thường thì những gốc cổ thụ này được trồng mấy chục năm tuổi, một phần đi mua trong dân xong về cắt tỉa, tạo tán. Ở Tuyên Quang chủ yếu là giống đào ta ăn quả, cây cao to, hoa cánh đơn. Người làm đào Nông Tiến thường ghép đào phai cánh kép hoặc bích đào vào. Nhiều cây đào phải làm qua nhiều năm mới tạo thế đẹp. Người trồng đào rất quý những cây đào cổ thụ như vậy".

Phường Nông Tiến trở thành vùng chuyên canh đào cảnh lớn nhất tỉnh với khoảng 10 ha.

Ngoài chơi đào thế cổ thụ, người dân phường Nông Tiến vẫn trồng nhiều đào "thông" dưới soi bãi, ruộng. Gọi là đào thông vì người bán gieo hạt đào cây lên như mạ, sau đó nhổ đóng bầu bán 15 nghìn/cây con. Cây đào thông này chủ yếu nhập dưới xuôi lên trồng, sau một năm có thể cho bán cành, nhưng đẹp nhất từ hai năm trở đi. Mỗi cành đào tùy độ đẹp có thể bán từ 50 - 200 nghìn đồng. Cành cắt đi bán, gốc đào sang năm lại nảy mầm, gia chủ có thể uốn tỉa, tạo dáng cho những cây đào con trong những năm tiếp theo.

Bà Nguyễn Thị Tuyên, người có kinh nghiệm trồng đào ở phường Nông Tiến khẳng định, để có một vườn đào đẹp phải hội tụ đủ mấy yếu tố. Thứ nhất chủ vườn phải có mắt thẩm mỹ uốn tỉa, tạo dáng, biết cách chăm sóc đào đúng kỹ thuật. Thứ hai phải khoanh gốc hãm, để kích thích đào ra nhiều nụ, đúng thời điểm. Thứ ba phòng trừ sâu bệnh tốt để cây đào luôn khỏe mạnh, ưa nhìn.

Tấp nập bán, mua

Tại thời điểm này nhiều người đã đến vùng đào Nông  Tiến xem, chốt đào. Ông Nguyễn Văn Hưng, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) đang ngó nghiêng các vườn đào nói, để chọn mua được cây đào có dáng thế đẹp năm nào ông cũng phải trực tiếp sang làng đào Nông Tiến trước nửa tháng. Có thể thuê hay mua cây, nhưng ông chọn giải pháp thuê vì mỗi năm có thể chơi một dáng cây khác nhau. Giá thuê đào cũng tùy vào độ đẹp của cây, có cây hơn 10 triệu đồng song có cây chỉ 2 - 3 triệu đồng.

Nếu khách ưng và chốt cây đào thế thì đặt một phần tiền cọc và gia chủ buộc dây treo số đánh dấu. Công đoạn chăm sóc và lên ang chậu tiếp theo vẫn thuộc về gia chủ. Đến ngày cận Tết chủ vườn mang cây đến tận nhà giao cho khách. Qua rằm tháng Giêng lại mang xe kéo chở cây về chăm sóc cho vụ sau.

Tháng 11 âm lịch người dân phường Nông Tiến tuốt lá đào, kích thích cây ra nụ.

Còn đối với đào cành thì ít có chuyện đặt cọc, thường gần Tết khách ưng cành nào chủ vườn bán luôn cành đó. Đào cành người Nông Tiến thường bán theo hai phương pháp, một là khách chọn tại vườn, hai người trồng đào cắt cành mang sang chợ hoa xuân khu vực quanh Quảng trường Nguyễn Tất Thành để bán, thường bắt đầu sau Tết ông Công - ông Táo.

Mấy năm gần đây đào cảnh của phường Nông Tiến cạnh tranh với nhiều nguồn đào vãng lai dưới xuôi hay của dân chặt đào ta vườn nhà đi bán. Tuy nhiên nhiều người cho rằng, đào Nông Tiến được những người có bàn tay kinh nghiệm lâu năm chăm sóc, sản xuất hàng loạt nên giá cả phải chăng, dáng thế, hoa đẹp, tha hồ so sánh, lựa chọn. Do là vùng chuyên canh tập trung nên gần Tết, Nông Tiến thu hút một lượng du khách đến thưởng xuân, xem đào, chụp ảnh, quay video tăng đột biến. Cả tổ dân phố cứ khách ra vào nhộn nhịp, vui tươi, tạo ra nét xuân riêng của địa phương.

Quang Hòa

Tin cùng chuyên mục