Di tích trên thềm sông: Địa điểm Pá Van

- Thuộc bản Bốn, xã Vĩnh Yên (xã này từ năm 2002 nằm trong lòng hồ thủy điện Tuyên Quang, đã giải thể), nằm cách nơi hợp lưu giữa sông Gâm và sông Năng khoảng 800m về phía nam và cách chân núi Pác Tạ khoảng 1,5km về phía nam.

Ở Pá Van cũng có một dải thềm bậc I của sông Gâm, cao 10 - 15m so với mặt nước. Lòng sông ở khu vực này dường như được mở rộng ra và xuất hiện nhiều đống bãi cuội lớn ven bờ trái của phía bản Bốn. Đã có nhiều đoạn thềm bị sụt lở trôi xuống lòng sông tạo thành những taluy xuất lộ toàn bộ mặt cắt của bậc thềm.

Phần lớn công cụ được phát hiện nằm ngay dưới chân các taluy sạt lở, một số ít tìm thấy trong tầng cuội kết. Có thể nói, những di vật này tìm thấy phía dưới là bị lăn rời, di chuyển từ trong tầng cuội kết xuống. Ngoài đồ đá, trong tầng cuội kết không có bất cứ tài liệu khảo cổ nào khác. Như vậy, tầng văn hóa khảo cổ ở đây rất mờ nhạt, khó nhận biết. Đáng chú ý là hiện vật đá chỉ tập trung trong phạm vi khoảng 300m chiều dài thềm sông, chỗ khác rất ít di vật.

Tại Pá Van, đã phát hiện được 315 di vật đá. Toàn bộ công cụ được chế tác từ đá cuội lấy từ nguồn nguyên liệu tại chỗ, gồm: 171 công cụ chặt thô, 36 công cụ mũi nhọn, 32 công cụ nạo cắt, 26 rìu hình bầu dục, 22 rìu ngắn, 5 công cụ hình móng ngựa, 3 công cụ 1/4 viên cuội, 5 rìu mài lưỡi, 2 công cụ 2 rìa lưỡi đối diện, 3 mảnh tước, 16 viên cuội có vết ghè đẽo, 1 rìu có vai.

Chày và bàn nghiền thức ăn.

Công cụ chặt đập thô là loại chủ đạo ở Pá Van với 171 chiếc, chiếm tỷ lệ cao nhất 54,28%. Loại công cụ này thường có kích cỡ vừa phải với các dáng hình khác nhau. Người xưa gia công ở một đầu viên cuội và trên một mặt cuội tạo thành rìa tác dụng lồi hoặc lõm. Ở một số công cụ, kỹ thuật tạo lưỡi khá đơn giản, chỉ bằng một lớp ghè với vài ba nhát ghè mạnh liên tiếp đã tạo ra một rìa lưỡi khá cân đối, gần vuông góc với trục dọc của viên cuội. Ở một số công cụ, kỹ thuật gia công khá phức tạp, có nhiều lớp ghè với nhiều nhát ghè mạnh. Hai phần ba số công cụ này có chiều dài bằng chiều rộng, số còn lại có chiều dài lớn hơn chiều rộng. Nhìn chung, công cụ dễ cầm nắm, phù hợp với chức năng chặt đập. Trong số 171 công cụ chặt thô có 155 di vật có rìa lưỡi ngang, 13 công cụ rìa lưỡi xiên chéo và 3 di vật có rìa lưỡi dọc. Phần đốc cầm thường giữ nguyên vỏ cuội.

Công cụ nạo cắt có 32 tiêu bản, chiếm 10,15% sưu tập; thường được chế tác từ những hòn cuội mỏng dẹt hoặc từ mảnh cuội bổ, có hình dáng không ổn định. Phần rìa lưỡi thường được ghè lan rộng trên bề mặt cuội và mở rộng diện được ghè ở nhiều rìa cạnh của công cụ. Trong nhiều trường hợp, rìa lưỡi được tu chỉnh lần hai. Đáng chú ý là những chiếc nạo mang đặc điểm kỹ thuật và hình dáng loại hình công cụ Hòa Bình.

Công cụ hình bầu dục có 26 di vật, chiếm 8,25% sưu tập; thường có hình bầu dục khá cân xứng với kích cỡ vừa phải. Kỹ thuật gia công khá phức tạp, khá thuần thục. Ghè lưỡi bằng nhiều nhát ghè đẽo xung quanh rìa cuội, hướng tâm. Đây là kỹ thuật Sumatra. Phần lớn công cụ có u nổi ở giữa, một số công cụ bị tách bỏ hoàn toàn một mặt cuội. Đây là loại hình công cụ rất đặc trưng của văn hóa Hòa Bình.

Rìu ngắn.

Loại công cụ rìu ngắn có 22 tiêu bản, chiếm 6,98% tổng số hiện vật. Đây là loại di vật đặc trưng của kỹ nghệ Hòa Bình; thường được chế tác từ những hòn cuội mỏng hoặc trên mảnh cuội bổ. Phần đốc được ghè bẻ; có thể có hai phụ loại: đốc bằng và đốc xiên.

Công cụ hình móng ngựa có 5 tiêu bản, chiếm 1,58% tổng số hiện vật; thường được gia công từ những hòn cuội mỏng, có kích thước khác nhau. Phần rìa lưỡi được ghè ở 1 đầu và 2 cạnh liền kề nhau của viên cuội, tạo hình dạng cong khum hình móng ngựa. Trừ phần lưỡi, tất cả đều giữ nguyên vỏ cuội.

Công cụ 1/4 viên cuội có 3 tiêu bản, chiếm 0,95% tổng số hiện vật; được làm từ 1/4 hòn cuội hình bầu dục hoặc từ những hòn cuội có góc cạnh. Về hình dáng, công cụ có hai cạnh gần vuông góc và một cạnh cong theo dáng tự nhiên của viên cuội. Một số công cụ có rìa lưỡi nằm ở rìa dọc công cụ, cạnh bên vuông góc với rìa lưỡi chỉ là vết ghè chặt thẳng. Một số công cụ có cả hai cạnh đều ghè vát về một bên tạo thành hai rìa tác dụng vuông góc với nhau, được sử dụng như công cụ nạo cắt.

Bàn mài lưỡi công cụ.

Công cụ rìu mài lưỡi có 5 tiêu bản, chiếm 1,58% tổng số hiện vật; thường được chế tác từ những viên cuội mỏng hình bầu dục nhỏ. Phần lưỡi, trước khi mài thường được ghè tạo dáng lưỡi. Hai trong số năm rìu mài đã mài lan thân. Về mặt loại hình và kỹ thuật chế tác, chúng tiến bộ hơn rìu mài Bắc Sơn.

Loại di vật này là loại hình công cụ rìu rất đặc trưng của văn hóa Hạ Long, một nền văn hóa hậu kỳ Đá mới vùng ven biển Đông Bắc nước ta. Loại hình này cũng có mặt ở Hà Giang và Cao Bằng. Sự có mặt của chiếc bôn có vai kép ở đây phải chăng phản ánh sự giao lưu, ảnh hưởng hoặc trao đổi giữa các cư dân Nà Hang với cư dân vùng ven biển nước ta đương thời. Sự hiện diện của di vật này ở Pá Van là bằng chứng cho thấy địa điểm Pá Van, nơi gần ngã ba sông Gâm và sông Năng có vai trò tụ cư lâu dài, ít nhất là từ thời đại sơ kỳ Đá mới đến giai đoạn hậu kỳ Đá mới.

Có thể cho rằng Pá Van là địa điểm khảo cổ cư trú của cư dân Tiền sử thuộc nhiều giai đoạn khác nhau. Giai đoạn đầu thuộc văn hóa Hòa Bình muộn (do có rìu mài lưỡi lan thân) niên đại khoảng 7.000 năm cách ngày nay. Giai đoạn muộn thuộc hậu kỳ Đá mới, niên đại khoảng 4.000 năm cách ngày nay.

Theo Địa chí Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục