Đòn bẩy cho kinh tế hợp tác xã

- Chuyển đổi số được đánh giá là đòn bẩy quan trọng, tạo ra những cơ hội giúp khu vực kinh tế tập thể, Hợp tác xã (HTX) phát triển. Nhiều hợp tác xã đã tiếp cận chuyển đổi theo mô hình HTX kiểu mới, linh hoạt, ứng dụng công nghệ thông tin. Tuy nhiên, chuyển đổi số tại các HTX vẫn còn nhiều rào cản.

Bắt nhịp xu thế

Toàn tỉnh hiện có gần 579 HTX đăng ký hoạt động với tổng số vốn điều lệ 1.300 tỷ đồng; số thành viên tham gia vào HTX là 11.739 người. Trong đó, có 112 HTX tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) với 153 sản phẩm và được xếp hạng từ 3 sao trở lên. Hiện nay, đa số các HTX đều trong giai đoạn phục hồi sản xuất, kinh doanh sau ảnh hưởng của đại dịch. Trong đó, một số HTX đã hoạt động theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị; nhiều HTX đã tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh để bắt kịp xu hướng phát triển…

Đặc biệt, nhiều HTX đã ứng dụng công nghệ cao để sản xuất, kiểm soát chất lượng đầu ra, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Điển hình như HTX nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành (Yên Sơn); HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh (TP tuyên Quang); HTX sản xuất chế biến sản phẩm an toàn Sáng Nhung (Sơn Dương), HTX chè hữu cơ Ngân Sơn - Trung Long, xã Trung Yên (Sơn Dương); HTX chè 168, HTX chè Làng Bát, xã Tân Thành (Hàm Yên);  HTX chè Shan tuyết Hồng Thái (Na Hang)… ứng dụng công nghệ thông tin giúp kết nối HTX với khách hàng, bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội.

Ông Phạm Văn Bừng, Giám đốc HTX chè xanh Thuận Thủy livestream bán hàng trực tuyến thông qua mạng xã hội facebook.

Năng động tìm hướng đi cho HTX bằng những sản phẩm khác biệt, anh Nguyễn Công Sử, Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh (TP Tuyên Quang) đã mạnh dạn đầu tư công nghệ vào sản xuất, áp dụng bán hàng trên các nền tảng xã hội. Hiện HTX có 7 sản phẩm chè OCOP, trong đó 4 sản phẩm đạt hạng 4 sao (Chè xanh Ngọc Thúy, Trà Ngọc Thúy, Chè xanh Ngọc Thúy đinh, Chè xanh Ngọc Thúy nõn) và 3 sản phẩm đạt hạng 3 sao (Chè xanh Phú Lâm, Chè xanh Phú Lâm nõn, Chè xanh Phú Lâm đinh).

Đặc biệt, HTX còn có sản phẩm “chè cấp đông” độc đáo, sản phẩm được tôn vinh Sáng kiến khoa học phát triển thương hiệu chè Tuyên Quang. Anh Sử cho biết: Các sản phẩm chè của HTX đã xây dựng và đăng ký nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc với Cục Sở hữu trí tuệ. Theo đó, toàn bộ sản phẩm được sử dụng tem điện tử mã QR để truy xuất nguồn gốc. Nhờ đó, các sản phẩm của HTX đã có mặt tại một số siêu thị tại thị trường Hà Nội và các sàn thương mại điện tử. 

Việc chuyển đổi số hoạt động sản xuất, kinh doanh bước đầu đã làm thay đổi tổ chức và quản trị hoạt động của HTX so với phương thức quản lý truyền thống; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HTX. Phần lớn các HTX đã nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với tổ chức hoạt động và sự phát triển (đặc biệt trong và sau dịch bệnh COVID-19); xây dựng chiến lược, kế hoạch cụ thể về chuyển đổi số (từ 3 - 5 năm) và xác định những nền tảng cần có theo những nét đặc trưng của HTX.

Vẫn còn nhiều rào cản

HTX chè xanh Thuận Thủy, xã Yên Thuận (Hàm Yên) đã bắt đầu bán hàng trên các nền tảng xã hội. Ông Phạm Văn Bừng, Giám đốc HTX cho biết: “Việc áp dụng chuyển đổi số vào sản xuất, kinh doanh là điều tất yếu để nâng cao chất lượng sản phẩm và thúc đẩy tiêu thụ, nhất là đối với một đơn vị ở vùng sâu, vùng xa. Do đó, ngoài tự tìm hiểu trên sách báo, truyền hình, HTX còn tích cực tham gia các buổi tập huấn tiêu thụ sản phẩm của các sở, ngành, đơn vị tổ chức.

Từ tháng 5-2023, HTX còn thực hiện livestream bán hàng trực tuyến thông qua mạng xã hội như zalo, facebook, tiktok...”. Nhờ đó, các sản phẩm chè shan Cao Đường, chè xanh hương bưởi Yên Thuận của HTX đã có nhiều người tiêu dùng biết đến. Sản phẩm đã cung cấp nhỏ lẻ đến các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng. Tuy nhiên đến nay HTX cũng chỉ cung cấp nhỏ lẻ vì thiếu vốn đầu tư công nghệ, xưởng sản xuất; thiếu nhân lực để áp dụng nền tảng số…

Cái khó của HTX Thuận Thủy cũng là cái khó của hầu hết các HTX trên địa bàn tỉnh hiện nay. Nguyên nhân chủ yếu là nhiều HTX nguồn lực hạn chế nên chưa đầu tư được trang thiết bị máy móc hiện đại để phục vụ sản xuất, kinh doanh, chưa hiểu rõ cách thức triển khai thực hiện chuyển đổi số trong khâu sản xuất; việc tổ chức sản xuất đa phần vẫn theo phương thức truyền thống, sản xuất quy mô nhỏ lẻ, hạ tầng công nghệ lạc hậu, trình độ nguồn nhân lực hạn chế...

Năm 2023, Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam tổ chức  khóa tập huấn về chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử vào sản xuất kinh doanh...cho gần 200 lượt thành viên HTX tham gia. Nội dung tập huấn là hướng dẫn kê khai thuế điện tử, kỹ năng điện tử, tuyên truyền, quảng bá xúc tiến thương mại, ứng dụng chuyển đổi số vào tiêu thụ…  

Ông Cao Hùng Dũng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết: “Liên minh HTX tiếp tục đồng hành, hỗ trợ HTX trong quá trình thực hiện chuyển đổi số để phù hợp với yêu cầu thị trường. Trong đó, chú trọng hỗ trợ các HTX phát huy nội lực để chuyển đổi số, giúp nâng cao hiệu quả trong quá trình quảng bá, sản xuất, kinh doanh, quản lý HTX, cải tiến kỹ thuật, áp dụng các tiến bộ khoa học trong sản xuất, chế biến, tạo nên nhiều sản phẩm chất lượng, đạt chuẩn OCOP”.

Việc chuyển đổi số trong khu vực kinh tế HTX là cần thiết để khu vực này phát triển cùng nhịp tăng trưởng của nền kinh tế. Tuy nhiên, để kinh tế HTX ứng dụng được công nghệ số, chuyển đổi số vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thì các HTX phải chủ động hơn nữa.

Bài, ảnh: Trang Tâm

Tin cùng chuyên mục