Giấc mơ Phia Xeng

- “Phia Xeng sắp có đường bê tông trải về đến làng thông sang xã bạn. Vui lắm. Vậy là giấc mơ có con đường tử tế đi lại 30 năm nay đã thành hiện thực rồi...” - đó là lời chia sẻ của già làng Trần Văn Châu, thôn Phia Xeng, xã Hà Lang (Chiêm Hóa).

Đường mới đã mở

Một năm trước đến với Phia Xeng, tuyến đường đầy ổ gà sống trâu chông chênh, sỏi đá nhấp nhô. Đang loay hoay tìm lối tránh các viên đá hộc để tăng ga vượt dốc, chúng tôi gặp đồng chí Bí thư Chi bộ thôn Phia Xeng Trần Văn Quyên đi xã về. Thấy tôi vật lộn với con đường, anh cười bảo “đường này chỉ đi xe số thôi em, không đi được xe tay ga đâu”. Tuyến đường từ UBND xã vào thôn chỉ dài khoảng hơn 3 km, thế nhưng chúng tôi phải mất hơn 1 giờ đồng hồ mới vào đến thôn. Đấy là ngày nắng ráo, còn ngày mưa, nước suối dâng cao, đường trơn lầy lội khiến Phia Xeng biệt lập, cách trở các thôn khác, học sinh đi học THCS tại xã cũng phải nghỉ học, người dân ốm đau muốn đi viện cũng không thể di chuyển, cam trồng đến kỳ thu hoạch khó khăn trong vận chuyển, nên thường bị thương lái ép giá. 

Đường vào thôn Phia Xeng đang trong quá trình hoàn thiện.

Nhưng, đó là chỉ là câu chuyện một năm trở về trước. Lần này trở lại Phia Xeng, một bức tranh mới đang hiện hữu. Đường vào thôn như một công trường nườm nượp người cùng phương tiện máy móc thi công tuyến đường. Sự bận rộn cùng tâm trạng tươi vui, phấn khởi hiện hữu từng gương mặt người dân. Những ổ trâu, ổ gà, hộc đá nhấp nhô đã được san lấp bằng phẳng, dải một lớp đá bây, chờ đón một thảm bê tông cứng hóa.

Ông Trần Văn Châu có lẽ là người vui nhất ở Phia Xeng. Ông sinh ra và lớn lên ở Phia Xeng, cái khó, cái vất vả của thiếu đường giao thông đi lại khiến ông từng ốm không muốn đi viện, vui buồn không muốn cất bước chân đến chợ phiên.  Ông Châu cho biết, trước đây đường trong thôn chỉ là đường mòn, rất khó đi và nguy hiểm. Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước về xi măng, nhân dân trong thôn đã góp công, góp tiền mua vật liệu bê tông hóa trục đường liên thôn, suối. Tuy nhiên, do bà con còn nghèo, tuyến đường lớn, bà con chỉ bê tông được các tuyến đường nội thôn, còn đường vào thôn chưa làm được. Đường đi lại khó khăn chính là “nút thắt cổ chai” hạn chế sự phát triển của thôn. Vào mùa thu hoạch cam, người dân phải tăng bo bằng sức người hoặc chở xe trâu, công nông 2 - 3 đoạn mới đến được chỗ tập kết. Vì vậy, giá bán cam tại thôn luôn thấp hơn so với các địa phương khác.

Đồng chí Ma Văn Mầm, Chủ tịch UBND xã Hà Lang phấn khởi nói: “Mong ước tuyến đường mới của người dân Phia Xeng cũng là mong mỏi của cấp ủy, chính quyền xã Hà Lang. Tháng 10 vừa qua, niềm vui vỡ òa đối với cán bộ và nhân dân trong xã nói chung, nhân dân thôn Phia Xeng nói riêng khi khởi công tuyến đường thôn Nặm Bún vào thôn Phia Xeng ra thôn Uôn, tổng vốn đầu tư trên 5 tỷ đồng do Nhà nước đầu tư xây dựng. Tuyến đường có kết cấu bê tông cứng hóa, dài 3,8 km, rộng 5m. Hiện, các đơn vị thi công đang gấp rút hoàn thành các công đoạn thi công, phấn đấu hoàn thành trong tháng 4 năm 2023 để phục vụ bà con giao thương. Con đường hoàn thành sẽ mở ra một tương lai tươi sáng, tạo động lực giúp người dân ở Phia Xeng thoát nghèo.

Mở hướng thoát nghèo

Phia Xeng là thôn xa nhất, khó khăn nhất của xã Hà Lang. Nơi đây có 90 hộ đồng bào dân tộc Dao sinh sống, trong đó chiếm quá nửa dân từ huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) về định cư. Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng bà con nơi đây luôn tích cực, chủ động trong sản xuất, đoàn kết, nỗ lực vượt khó xây dựng cuộc sống ngày càng ổn định, ấm no. 

Thôn Phia Xeng mùa cam chín.

Địa bàn thôn được biết đến là “thủ phủ” cam của xã Hà Lang với tổng diện tích 58 ha. Bình quân mỗi năm thôn xuất gần 1.000 tấn cam ra thị trường. Cam chính là cây trồng chủ lực, thu nhập chính của bà con. Và số hộ thu tiền trăm triệu đồng từ cam không còn xa lạ đối với đồng bào Dao trong thôn. 

Chị Trần Thị Hương, Trưởng thôn Phia Xeng chia sẻ: bà con ở đây không chỉ học hỏi kỹ thuật chăm sóc cam, sản xuất sản phẩm cam “OCOP”, mà còn tự làm “con buôn” cho chính gia đình và bản làng mình. Chỉ tay về hướng những chiếc xe tải chất đầy cam trước mặt, chị Hương bảo, trừ những nhà trồng ít bán tại vườn, còn lại phần lớn dân tự làm “con buôn”. Đến mùa cam chín, dân bản không bán vườn mà hầu hết tự thu hái và chở cam về các chợ đầu mối đổ buôn. Đơn cử như gia đình chị, ngoài diện tích vườn của mình, hàng năm, chị đã mua thêm 2 - 3 vườn của người dân trong và ngoài xã đưa về xuôi bán.

Không chỉ có gia đình chị Hương, ở Phia Xeng còn rất nhiều hộ có doanh thu cao từ cam như gia đình anh Trần Văn Quyên hơn 2 ha; Trần Văn Châu hơn 2 ha, Trần Văn Quý hơn 2 ha… Anh Trần Văn Quốc là một trong số hộ đầu tiên ở Phia Xeng đưa cây cam vào trồng. Anh chia sẻ, với đặc thù đồi dốc, nhiều khe suối, tôi nhận thấy chỉ phù hợp với phát triển cây cam. Bởi vậy, gia đình anh đã mạnh dạn đưa cây cam vào trồng. Hiện gia đình anh Quốc có hơn 2 ha, bình quân mỗi năm cũng thu trên 60 tấn quả. Cũng giống như một số hộ khác của thôn, anh thu mua cam của bà con đưa về các vùng xuôi bán. Từ cây cam đã cho gia đình anh có cuộc sống ổn định hơn. 

Cùng với cây cam, bà con ở đây còn trồng keo, xoan, mỡ phủ xanh đất trống đồi trọc. Hiện toàn thôn có hơn 100 ha rừng sản xuất. Những cánh rừng to, nhỏ ngút ngàn trải dài khắp núi rừng Phia Xeng đã mang đến cho người dân Phia Xeng một cuộc sống ấm no, đủ đầy. 

Tạm biệt Phia Xeng, tạm biệt những người con bản Dao cần cù, chịu thương chịu khó, chúng tôi trở về phố mang theo niềm vui, phấn khởi của bà con khi đường lớn đã mở. Bánh xe lăn chậm trên tuyến đường mới, cảm nhận rõ nét hôm nay tuyến đường rộng hơn, thoáng hơn và ngắn hơn gấp bội. Và từ nay cuộc sống của bà con bản Dao Phia Xeng cũng thế, con đường bắt nhịp với các vùng đất khác cũng ngắn lại nhiều lần.

Ghi chép: Bàn Thanh

Tin cùng chuyên mục