Hướng tới chấm dứt bệnh lao

- Việt Nam là một trong những quốc gia có gánh nặng bệnh lao và lao kháng đa thuốc cao trên thế giới. Nhằm huy động sức mạnh tổng thể, thu hút, tập trung mọi nguồn lực cũng như sự chung tay của cả cộng đồng để đẩy lùi bệnh lao, năm nay, chủ đề Ngày Thế giới phòng chống lao tại Việt Nam được xác định là “Đúng! Việt Nam có thể chấm dứt bệnh lao”.

Ngày Thế giới Phòng chống Lao được tổ chức vào ngày 24 - 3 hàng năm nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về những ảnh hưởng nghiêm trọng của bệnh lao tới sức khỏe con người, kinh tế và xã hội; đồng thời thúc đẩy nỗ lực chấm dứt bệnh lao trên toàn cầu. Tại tỉnh ta, hàng năm qua khám và xét nghiệm sàng lọc trong cộng đồng đã phát hiện trên 300 ca mắc lao mới, so với ước tính tình hình dịch tễ đạt 50%. Hiện nay, số bệnh nhân lao đang được quản lý và điều trị trên địa bàn tỉnh là 182 người. Chương trình Chống lao quốc gia được triển khai đồng bộ từ tuyến tỉnh, huyện đến xã đã mang lại hiệu quả trong công tác phát hiện, phân loại, quản lý, điều trị bệnh, hạn chế lây lan bệnh trong cộng đồng.


Bệnh viện Phổi Tuyên Quang phối hợp triển khai khám sàng lọc lao, lao tiềm ẩn tại xã Năng Khả (Na Hang).

Hiện trên địa bàn tỉnh đang duy trì 10 tổ chống lao, trong đó có 7 tổ tại 7 huyện và thành phố và tổ chống lao tại Trại giam Quyết Tiến, Bệnh viện Công an và Bệnh viện Phổi Tuyên Quang. Tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều có cán bộ phụ trách chương trình chống lao tại cơ sở. Trong năm 2023, từ nguồn kinh phí hỗ trợ từ Chương trình Chống lao quốc gia, Bệnh viện Phổi Tuyên Quang đã tổ chức khám sàng lọc lao cộng đồng tại 48 xã/7 huyện, thành phố. Đã có 8.321 người được khám và chụp X-quang, 820 đối tượng nhiễm lao được lấy mẫu đờm làm xét nghiệm Xpert. Qua khám sàng lọc đã phát hiện, thu nhận và điều trị 20 bệnh nhân lao phổi có bằng chứng vi khuẩn học.

Thực tế, người mang vi trùng lao ngoài cộng đồng rất nhiều, ước tính có khoảng 40% dân số mắc lao tiềm ẩn. Theo bác sỹ Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Bệnh viện Phổi Tuyên Quang, lao là bệnh có thể phòng ngừa cũng có thể chữa khỏi nhưng việc điều trị không dễ dàng và mất nhiều thời gian. Trung bình, thời gian điều trị đối với người mắc lao bình thường là 6 tháng, riêng đối với bệnh nhân lao kháng thuốc thời gian điều trị có thể kéo dài đến 20 tháng hoặc nhiều hơn, chi phí điều trị cũng rất lớn. Nếu người nhiễm lao không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì bệnh cũng có thể diễn biến xấu, ảnh hưởng đến tính mạng.

Hiện nay, hoạt động khám sàng lọc phát hiện bệnh lao chủ động tại cộng đồng trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí triển khai, thiếu vật tư, hóa chất xét nghiệm tại các tổ chống lao cũng như tại các tuyến y tế cơ sở. Bên cạnh đó, công tác truyền thông trong cộng đồng còn chưa hiệu quả. Bác sỹ Hoàng Thị Biên, Trưởng Trạm Y tế xã Năng Khả (Na Hang) cho biết, công tác khám sàng lọc để phát hiện và điều trị lao tại vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn một phần do người dân còn chủ quan, chưa chú ý đến sức khỏe của bản thân cũng như người thân trong gia đình. Mặt khác, bà con chưa được tiếp cận các dịch vụ y tế, chưa hiểu biết đầy đủ về bệnh nên vẫn còn giấu bệnh hoặc kỳ thị. Một số nguyên nhân khác là do giao thông đi lại khó khăn, chi phí điều trị bệnh lớn đối với những bệnh nhân lao kháng thuốc nên nhiều người còn e ngại…

Bệnh lao được coi như “kẻ giết người thầm lặng” bởi không ai bị lao mà tử vong ngay, bệnh thường kéo dài âm thầm, khó phát hiện hoặc phát hiện muộn. Bác sỹ Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Bệnh viện Phổi Tuyên Quang nhấn mạnh, khi có các biểu hiện như ho nhiều, ho đờm không giảm trên 2 tuần, ho ra máu, đau ngực, khó thở, gầy, sút cân, sốt cao, chán ăn, mệt mỏi… thì người bệnh nên đi khám, kiểm tra kịp thời. Nếu phát hiện lao, cần điều trị dứt điểm để tránh lây lan cho gia đình và cộng đồng. Để giảm nguy cơ nhiễm lao, ngay từ tháng đầu sau sinh, trẻ sơ sinh phải được tiêm vắc - xin BCG nhằm hạn chế mắc bệnh hoặc ngăn chặn bệnh chuyển nặng.                           

Bài, ảnh: Thùy Lê

Tin cùng chuyên mục