Lớp học đặc biệt

Không đơn thuần chỉ là người dạy chữ, cô giáo Nông Thị Xuyến, giáo viên chủ nhiệm lớp học của các em học sinh khuyết tật và thiểu năng trí tuệ, Trường Tiểu học Sơn Lạc, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) còn chính là người cha, người mẹ, người bạn của các em học sinh có những số phận không may mắn này. Công sức mà cô đã bỏ ra chỉ những ai chứng kiến từng ngày làm việc của cô giáo ở đây mới hiểu hết nỗi vất vả, nhọc nhằn của nghề vừa dạy người, vừa dạy chữ.

TỚI trường Tiểu học Sơn Lạc tôi gặp và trò chuyện với cô giáo Nông Thị Xuyến, giáo viên chủ nhiệm lớp học đặc biệt – Lớp học của các em học sinh khuyết tật và thiểu năng trí tuệ. Cô Xuyến cho biết, trong lớp có 16 học sinh, mỗi em một dạng khuyết tật, em thì bị câm điếc bẩm sinh, em bị hội chứng Down, rồi có em thì tăng động, khó khăn hơn nữa là thiểu năng trí tuệ mức nặng… Tuy vậy, cô luôn cảm thấy vui và yêu công việc giảng dạy mỗi khi bên các em.

Cô giáo Nông Thị Xuyến ân cần hướng dẫn các em học sinh khuyết tật tập viết.

Khi được hỏi về cơ duyên đến với nghề, cô Xuyến tâm sự: “Năm 2006, tôi về Trường Tiểu học Sơn Lạc công tác, tại đây có lớp học khuyết tật. Nhìn những đôi mắt ngây thơ có phần khờ dại, những ước mong không thể diễn đạt thành lời của các em và nỗi đau dằn vặt của phụ huynh có con bị khiếm khuyết, tôi cảm thấy day dứt, chính vì thế năm 2016 tôi tham gia hỗ trợ giảng dạy tại lớp khuyết tật”.

Giờ học ở lớp cô giáo Nông Thị Xuyến kiên trì, nhẫn nại chỉ bảo từng ly từng tí cho các em học sinh.

Với cô Xuyến, hành trình gắn bó với trẻ khuyết tật được xem là lựa chọn đúng đắn. Bởi ở nơi này, cô tìm được hạnh phúc của mình trong những tiết dạy. Một số em nhận thức còn hạn chế, hay chạy nhảy, la hét, không hiểu ý của giáo viên khiến công việc dạy học thêm phần vất vả. Thế nhưng, bằng tình thương, sự chia sẻ, cô dần vượt qua mọi khó khăn và thử thách để chăm sóc, dạy dỗ những đứa trẻ không may bị khuyết tật từ khi chào đời.

Các em trong lớp học đặc biệt này từ thiểu năng trí tuệ, bệnh Down đến khuyết tật vận động... trước khi đến lớp chưa từng biết mặt chữ vuông tròn. Giờ học ở lớp không chỉ đơn giản là dạy các em cách phát âm, nói, viết… mà còn là sự kiên trì, nhẫn nại chỉ bảo từng ly từng tí. Lớp có 16 học sinh, thế nhưng chưa có buổi học nào cô Xuyến dạy trọn vẹn, bởi có khi đang học các em lại la hét, đập bàn ghế hoặc chạy ra khỏi lớp.

Một số em nhận thức còn hạn chế, hay chạy nhảy, la hét.

Tuy chung một lớp, nhưng mỗi học sinh lại thuộc dạng khuyết tật khác nhau. Chính vì vậy, suy nghĩ của các em cũng chẳng giống nhau. Có những em đang ngồi học lại lên cơn tự đập đầu lên tường, bàn học, hoặc tự làm đau bản thân. Em khác thì lại chạy ra ngoài rồi leo lên cây hoặc chui vào bụi rậm để trốn.

Những lúc các em bị động kinh hoặc nghịch ngợm, phá phách mình phải nhẹ nhàng khuyên nhủ chứ không được lớn tiếng. Bên cạnh đó, cô Xuyến còn luôn chuẩn bị kẹo, bánh dỗ dành học sinh. Để gắn bó được với lớp học đặc biệt này đòi hỏi giáo viên phải kiên trì, nhẫn nại và nhẹ nhàng, tình cảm.

Niềm vui của cô và trò trong từng buổi dạy.

Chị Vũ Thị Dung, phụ huynh học sinh lớp học khuyết tật phấn khởi bảo: “Nhiều năm về trước, tôi còn lo lắng xã hội dị nghị, không quan tâm đến việc học của trẻ khuyết tật. Từ khi biết đến lớp học này tôi đưa con tới học… Con tôi bị câm điếc bẩm sinh nên việc giao tiếp với con rất khó khăn. Trải qua một thời gian học tập tại lớp, con dần quen ký hiệu bằng hình ảnh và được giáo dục, hướng dẫn kỹ năng sống nên tôi rất vui”.

NGẦN ấy năm gắn bó với trẻ khuyết tật có những mảnh đời khiến cô Xuyến không kìm được nước mắt. Như trường hợp của em Vương Tùng Dương, sinh năm 2010, mồ côi bố. Mẹ em không được nhanh nhẹn như bình thường, lại vừa sinh em bé mắc bệnh Down.  Gia đình em Dương là hộ nghèo ở xã Mỹ Bằng (Yên Sơn). Em Dương bị tăng động nặng và câm, điếc nên những lúc lên cơn em lại đập phá đồ đạc, leo trèo. Ngoài những lúc như vậy, Dương rất ngoan ngoãn.

Cô giáo Nông Thị Xuyến hạnh phúc khi thấy học trò biết đọc, biết viết.

Rồi, dừng lại một chút và nhìn học trò âu yếm, cô Xuyến kể tiếp: Đây là Lưu Huyền My, 14 tuổi nhưng bị thiểu năng trí tuệ, thiếu hoóc môn tăng trưởng. Đến nay em cũng mới chỉ bập bẹ được vài ba từ. Bố mẹ ly hôn, em đang ở với bố và chú ruột, nhưng bố khuyết tật mắt, chú ruột bị khuyết tật vận động (chân).

Trong hoàn cảnh khó khăn như thế, nên công việc dạy nói cũng như giúp em hòa nhập với cuộc sống đều do cô đảm nhiệm. “Nhiều khi ngồi cả tiếng đồng hồ hỏi đủ thứ nhưng em không nói được mà mình vừa thương, vừa buồn, nhưng nghĩ lại, cái nghề của mình là như vậy, chỉ biết cố gắng cùng các em mà thôi” – Cô xuyến tâm sự.

Cô giáo Nông Thị Xuyến dạy em học sinh bị câm, điếc bẩm sinh giao tiếp bằng ký tự.

Khi hỏi về mong muốn của mình, cô Xuyến không bày tỏ mong muốn đồng lương cao, chế độ đãi ngộ tốt mà đơn giản, cô chỉ mong các em học sinh của mình nên người, có thể hòa nhập được với cuộc sống bình thường, thì đó chính là niềm vui, sự công nhận của xã hội đối với mình rồi.

Hôm chúng tôi đến, các em học sinh đang chăm chú nghe cô giáo giảng bài, những tiếng đọc đôi lúc chưa tròn vành rõ chữ, nét chữ còn nguệch ngoạc nhưng đó là cả một sự nỗ lực không hề nhỏ của cả cô và trò nơi đây. Ngoài việc dạy đọc, dạy chữ, dạy kỹ năng, cô Xuyến còn dạy các em biết đóng gói tăm để có thêm thu nhập như em Diễm, Dân, Thái, Tú, Lâm…

Cô Xuyến còn chuẩn bị bánh kẹo để dỗ, khen thưởng các em khi tiếp thu tốt.

Có thể nói, công việc dạy dỗ những em nhỏ bình thường vất vả một thì việc dạy dỗ những đứa trẻ khuyết tật vất vả mười. Cô giáo Đinh Hải Yến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Lạc tham gia hỗ trợ tại lớp bảo: “Nếu ai không có tình thương với các em chắc chắn sẽ không gắn bó nổi với công việc này lâu dài. Bởi ngay từ những việc nhỏ nhất, tập chào hỏi, bật tivi hay mỉm cười hay việc vệ sinh cá nhân cũng phải dạy, phải giúp, khiến công việc của người giáo viên nhiều lên gấp bội. Mặt khác, nhà trường thiếu giáo viên, một mình cô Xuyến đảm nhận dạy 16 em học sinh khuyết tật, đây thực sự là một công việc quá sức. Nhưng cô Xuyến vẫn luôn hết lòng miệt mài dạy dỗ các em”.