Mong thực sự giá trị

- Cuối tuần qua, Quốc hội đã nhất trí từ ngày 1/7/2023 thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng; tăng 12,5% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do ngân sách nhà nước đảm bảo và hỗ trợ thêm đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp; tăng mức chuẩn trợ cấp người có công bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị và tăng 20,8% chi các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở. Đồng thời, thực hiện  điều chỉnh phụ cấp với cán bộ y tế từ ngày 1/1/2023 theo Kết luận số 25-KL/TW ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Bộ Chính trị.

Đây là tin vui với người hưởng lương, thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri và công luận.

Có thể nói, quyết định tăng lương lần này là nỗ lực lớn lao của Chính phủ, thể hiện sự thấu tình, đạt lý trong sức chống chịu của nền kinh tế và sức chịu đựng của ngân sách. Đây cũng là một trong những giải pháp để khắc phục tình trạng cán bộ công chức viên chức và người lao động từ khu vực công nghỉ việc hoặc chuyển sang khu vực tư. Khi thị trường kinh tế lao động phát triển, giữa khu vực công và khu vực tư tất sẽ có sự liên thông tương tác và cạnh tranh để cùng phát triển.

Tuy nhiên, chấp nhận sự điều tiết của thị trường lao động thì không chỉ có tăng lương. Cử tri và người lao động mong muốn khu vực công cần cạnh tranh để giữ chân những người tài, người có năng lực, những người thực sự có tâm huyết. Mặt khác, Nhà nước cũng cần có giải pháp kiểm soát lạm phát, giữ ổn định nền kinh tế, bình ổn giá cả thị trường.

Có như vậy, mới tránh được tình trạng “lương chưa tăng thì giá đã tăng”, và việc tăng lương mới thực sự có giá trị đối với người lao động.

Ngọc Linh

Tin cùng chuyên mục