Nâng cao chất lượng hoạt động phản biện

- Phản biện xã hội vào một vấn đề, một chủ trương, chính sách nào đó của Nhà nước nhằm làm cho chủ trương, chính sách đó ngày càng hoàn thiện trong thực tiễn, đáp ứng nhu cầu xã hội, tạo nên sự đồng thuận nhằm phục vụ tốt hơn những vấn đề quốc kế, dân sinh. Với vai trò tập hợp của mình, MTTQ tỉnh đang tập trung đổi mới hoạt động này, qua đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động phản biện, tạo động lực phát triển bền vững cho tỉnh.

Tập hợp đông đảo ý kiến góp ý

Cho ý kiến phản biện vào dự thảo Đề án của UBND tỉnh phát triển vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2023 - 2030 vừa được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức đầu tháng 3-2024, bà Bùi Thị Nụ, Trưởng ban công tác mặt trận thôn 11, xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang) cho rằng, đây là một đề án rất cần thiết, vì từ trước đến nay, không chỉ ở Lưỡng Vượng mà nhiều địa phương trong tỉnh, mặc dù chăn nuôi có truyền thống từ rất lâu, nhưng chủ yếu là chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ, chính vì thế, khi xuất hiện dịch bệnh thường gây tổn thất lớn cho người chăn nuôi.

Ở thôn 11, bà con chủ yếu là nuôi vịt đẻ trứng, nhưng kiến thức, kỹ thuật còn hạn chế. Chính vì thế, bà mong muốn, khi xây dựng Đề án, cơ quan soạn thảo quan tâm hơn đến việc bố trí kinh phí tổ chức các lớp tập huấn ở cơ sở và tổ chức các buổi tập huấn, tham quan cho người chăn nuôi. Đồng thời, công tác giết mổ phải được quy hoạch thành vùng để đảm bảo môi trường và hạn chế dịch bệnh phát tán ra môi trường xung quanh...

Đại diện Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh góp ý kiến vào dự thảo Đề án của UBND tỉnh phát triển vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh.

Dự thảo Đề án của UBND tỉnh phát triển vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2023 - 2030 là một trong những dự thảo nhận được nhiều ý kiến góp ý nhất của các đại biểu, đơn vị chuyên môn, khi đón nhận 17 ý kiến, trong đó có 15 ý kiến góp ý trực tiếp tại hội nghị và 2 ý kiến góp ý bằng văn bản.

Ông Đinh Công Hải, Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: Hoạt động phản biện xã hội đang được MTTQ các cấp ngày càng quan tâm. Nếu như những năm trước đây, mỗi năm MTTQ tỉnh chỉ tổ chức 1-2 hội nghị phản biện vào các vấn đề, dự thảo các chương trình, kế hoạch, thì 3 năm trở lại đây, hoạt động này không chỉ tăng về số lượng, mà còn ngày càng nâng cao chất lượng. Như năm 2023, MTTQ tỉnh đã tổ chức 5 hội nghị phản biện xã hội. Các hội nghị phản biện đều nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp của các cá nhân, đại diện tổ chức chính trị - xã hội liên quan.

Chất lượng phản biện nâng cao

Theo ông Đinh Công Hải, để hoạt động phản biện xã hội ngày càng thực chất, đi vào chiều sâu, Ủy ban MTTQ tỉnh đã thành lập các tổ tư vấn, trong đó, mời những cá nhân có kinh nghiệm chuyên sâu về lĩnh vực để tham gia góp ý, thảo luận. Nhờ đó, các ý kiến phản biện chất lượng, được cơ quan soạn thảo tiếp thu, chỉnh sửa.

Như dự thảo Nghị quyết quy định khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở ý kiến phản biện của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tiếp thu, chỉnh sửa 10/11 ý kiến phản biện. Dự thảo Quyết định của UBND tỉnh ban hành Quy định quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tiếp thu, chỉnh sửa 19/20 ý kiến phản biện.

Dự thảo đề án xây dựng Tuyên Quang trở thành khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao và trung tâm sản xuất, chế biến gỗ nhận được nhiều ý kiến góp ý qua hội nghị phản biện xã hội (Trong ảnh: Người dân xã Hùng Đức, Hàm Yên nhận hỗ trợ giống cây lâm nghiệp chất lượng cao).

Hay dự thảo đề án xây dựng Tuyên Quang trở thành khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao và trung tâm sản xuất, chế biến gỗ, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tiếp thu, chỉnh sửa 35/46 ý kiến phản biện. Dự thảo Quyết định của UBND tỉnh ban hành đơn giá bồi thường thiệt hại về tài sản (nhà, công trình xây dựng khác, cây trồng, vật nuôi) gắn liền với đất bị thu hồi khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, mục đích phát triển kinh tế theo quy định của pháp luật trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở ý kiến phản biện của Ban Thường trực MTTQ tỉnh, Sở Tài chính đã tiếp thu, chỉnh sửa 3/63 ý kiến phản biện, qua đó tăng đơn giá bồi thường. Không chỉ cấp tỉnh, hoạt động phản biện xã hội được MTTQ cấp huyện, cấp xã thực hiện thường xuyên đối với các vấn đề thuộc cấp mình.

MTTQ phường Ỷ La (TP Tuyên Quang) vừa hoàn thành một hội nghị phản biện xã hội vào dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 do UBND phường xây dựng. Theo bà Đỗ Thị Thủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ, Phó Chủ tịch HĐND phường, để hoạt động phản biện đạt chất lượng tốt, ngay từ khi có kế hoạch tổ chức, MTTQ đã giao nhiệm vụ cho từng thành viên, nghiên cứu kỹ và cho ý kiến vào những nội dung, chỉ tiêu thuộc trách nhiệm công việc của mình. Trong đó, tập trung thảo luận, góp ý vào các giải pháp để thực hiện thành công các chỉ tiêu, trong đó chú ý các chỉ tiêu liên quan trực tiếp đến quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của các tầng lớp nhân dân như Tỷ lệ gia đình văn hóa, Khu dân cư văn hóa, tỷ lệ huy động trẻ đến trường, xây dựng tuyến phố văn minh…

Năm 2024, Ủy ban MTTQ tỉnh tiếp tục hoạt động phản biện vào các vấn đề nóng của tỉnh, như học phí đối với các cơ sở giáo dục, bảng giá đất, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026-2030. Các tổ chức chính trị - xã hội cũng xây dựng kế hoạch phản biện xã hội đối với các văn bản dự thảo về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, hội viên.

Bài, ảnh: Trần Liên

Tin cùng chuyên mục