Nghĩ về lớp học "i tờ" thời chuyển đổi số

- Chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu trong quá trình hội nhập quốc tế. Những thách thức trong quá trình chuyển đổi số hiện nay khiến chúng ta nhớ lại phong trào Bình dân học vụ - xóa mù chữ do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động ngay sau khi đất nước giành độc lập - năm 1945.

Ngày đó, các "lớp học i, tờ" (hai chữ trong bài đầu tiên) mở ra từ thành thị đến thôn quê, rừng núi. Giáo viên đủ các giới, độ tuổi. Không có lương, họ vẫn vừa dạy học, vừa làm cổ động học viên, xây dựng trường, tìm kiếm học phẩm… với rất nhiều cách làm, cách tuyên truyền vô cùng sáng tạo và hiệu quả. Rất nhiều thế hệ, thậm chí đến tận bây giờ vẫn thuộc, vẫn nhớ những vần thơ ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ:

O tròn như quả trứng gà.
Ô thì đội mũ, ơ là thêm râu

Phong trào “bình dân học vụ” đó đã làm thay đổi có tính bước ngoặt ngàn đời về mở mang dân trí cho đất nước ta. Đến năm 1965 chúng ta hoàn thành xóa nạn mù chữ. Việc sớm xóa nạn mù chữ thành công là yếu tố vô cùng quan trọng để diệt giặc dốt, giặc đói, giặc ngoại xâm, đưa đất nước ta hoàn thành sự nghiệp thống nhất và đổi mới phát triển như ngày nay.

Trong tình thế "ngàn cân treo sợi tóc", chúng ta thành công với lớp học i tờ, nay trong cuộc cách mạng 4.0, cần lắm những lớp học i tờ về chuyển đổi số. Vì trên thực tế, vẫn còn một tỷ lệ lớn trong nhân dân còn chưa được “xóa mù” về chuyển đổi số, thậm chí chưa có trình độ “i tờ” về chuyển đổi số.

Tôi về vùng dân tộc thiểu số. Một bà cụ nhoay nhoáy lướt facebook, Zalo, Youtube... Nhưng khi hỏi, bà có nhớ mật khẩu đăng nhập không thì bà bảo: Cái này nó ở sẵn điện thoại rồi. Thậm chí, việc người này trả lời Zalo, Facebook ai đó cũng không trả lời vào chính tin nhắn của người đó, thành thử người nhận được câu trả lời cũng không hay biết.

Một người khác thì cáu bẳn với mọi người trong nhà khi không vào được Zalo, Facebook và bảo rằng, hôm qua vừa đưa điện thoại cho thằng con cầm. Không biết nó nghịch gì mà giờ không vào được nữa. Tìm hiểu ra mới biết, chính ông đã đăng xuất Zalo. Hỏi mật khẩu thì ông bảo: Từ lúc mua điện thoại nó đã có sẵn thế. Mọi người làm hỏng của ông rồi.

Chuyện hài đến mức, khi có người bảo vào Zalo xem mọi người nhắn tin gì thì trả lời đi thì người này trả lời rằng: Ờ, tý nữa nhé. Zalo để ở nhà rồi... Bởi về nhà mới có Wifi.

Chuyện với chiếc điện thoại là thế. Còn máy tính, nhiều người còn chưa "sờ" vào bao giờ. Nhất là người cao tuổi ở vùng sâu, vùng xa. Khi đi làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa đều trông chờ vào cán bộ xã.

Đó là những cái rất đơn giản nhưng nhiều người vẫn chưa biết. Còn cái phức tạp hơn chút như tự tải phần mềm này, ứng dụng kia... vẫn còn xa vời. Việc cài đặt phần mềm ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNEID), tạo tài khoản trên cổng dịch vụ công quốc gia theo phương thức quét mã QR code là điển hình. Đối với các cơ quan nhà nước, dưới sự hướng dẫn của lực lượng công an thì việc thực hiện khá thuận lợi. Tuy nhiên, vấn đề nan giải nằm ở vùng sâu, vùng xa. Bà con còn khá lờ mờ về vấn đề này nên dường như không quan tâm. Việc chính của họ là lên nương, làm rẫy. Cán bộ cần thì phải chờ đợi họ đi làm về (thường là vào buổi tối) hoặc lên nương tìm họ. Đó còn chưa kể đến, nhiều người không dùng Smartphone. Ngoài ra, một bộ phận người dân vẫn chưa nhận thức đầy đủ rằng, chuyển đổi số chính là phục vụ họ, vì quyền lợi của họ và là xu thế chung của thời đại, dẫu đã được tuyên truyền, giải thích.

Trước những thách thức đặt ra về vấn đề chuyển đổi số, có nhiều chuyên gia cho rằng, phải biến tri thức cơ bản của chuyển đổi số thành “i, tờ” trong thời đại mới. Phải biết cách “bình dân hóa” phương thức truyền bá những ‘i, tờ mới” này để người dân vừa là người học, vừa là người dạy, vừa truyền bá vừa hưởng lợi ích ngay trong quá trình đó. Cơ quan chức năng nhà nước là người khởi xướng, tổ chức tập huấn các hình mẫu để từ đó người dân sẽ tự “nhân bản” chúng. 

Trên thực tế, từ trung ương đến địa phương đã quyết liệt trong triển khai thực hiện. Cụ thể hóa đường lối Đại hội XIII của Đảng, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó xác định một quan điểm rất cốt lõi, để đảm bảo thành công của Chương trình, đó là: “Người dân là trung tâm của chuyển đổi số”. Và nhiệm vụ, giải pháp số 1 để tạo nền móng chuyển đổi số là chuyển đổi nhận thức.

Để chuyển đổi nhận thức của người dân, Tuyên Quang đã có cách làm bài bản. Tỉnh đã quyết liệt thực hiện thông qua việc ban hành Nghị quyết số 48 về Chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Về thể chế số, ban hành Nghị quyết và Kế hoạch 05 về chuyển đổi số. Về hạ tầng số, 100% trung tâm các xã, phường, thị trấn được phủ sóng băng thông rộng cáp quang. Về nền tảng số, tỉnh đã triển khai nền tảng họp hội nghị truyền hình trực tuyến; dịch vụ công, một cửa điện tử, quản lý văn bản. Về nhận thức số, tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã thành lập 1.871 Tổ công nghệ số cộng đồng, trong đó có 138 tổ cấp xã, 1.733 tổ cấp thôn với tổng số thành viên là 10.257. Tỷ lệ tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã và cấp thôn trên địa bàn tỉnh đạt 100%. 

Kết quả về chuyển đổi số đã lượng hóa bằng con số cụ thể, rõ ràng và đạt được hiệu quả. 100% các cơ quan quản lý Nhà nước từ cấp tỉnh đến xã được kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước. Về kinh tế số, sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt tăng nhanh, sàn thương mại điện tử, hóa đơn điện tử bắt đầu phát huy hiệu quả. Về xã hội số, hạ tầng bưu chính, viễn thông của tỉnh được triển khai mạnh mẽ, cơ bản đáp ứng yêu cầu  triển khai kinh tế số, xã hội số.

Bước đầu chúng ta đã hưởng những quả ngọt từ chuyển đổi số mang lại. Đến nay, toàn tỉnh có 3 chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ gồm: Chỉ dẫn địa lý “Hàm Yên” cho sản phẩm cam quả huyện Hàm Yên; chỉ dẫn địa lý “Na Hang” cho sản phẩm chè Shan tuyết huyện Na Hang; chỉ dẫn địa lý “Soi Hà” cho sản phẩm bưởi huyện Yên Sơn. Các sản phẩm này nhờ vậy có tính cạnh tranh cao trên thị trường và được người tiêu dùng cả nước biết đến, sử dụng.

Nhận thức của người dân về chuyển đổi số bước đầu được nâng lên. Minh chứng rõ nét là người dân cũng đang tham gia mạnh mẽ vào thương mại số thông qua việc bán hàng, mua sắm online trên các trang mạng xã hội zalo, facebook... Không ít người dân ngồi ở nhà cũng có thể hoàn tất các thủ tục hành chính với chiếc Smart phone hay máy vi tính... 

Vạn sự khởi đầu nan. Chuyển đổi số cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Năm 2022, chỉ tiêu chuyển đổi số của tỉnh ước không đạt kế hoạch đề ra. Tuyên Quang xếp hạng thứ 45 trong cả nước về chuyển đổi số, trong khi kế hoạch đề ra là xếp thứ 35. Con số xếp hạng có thể chưa đạt được như mục tiêu đề ra nhưng kết quả  bước đầu chúng ta đã làm được, đặc biệt là giá trị mà chuyển đổi số mang lại chính là tiền đề, là động lực để tỉnh từng bước hoàn thành mục tiêu về chuyển đổi số. 

Chúc Huyền

Tin cùng chuyên mục