Nghĩa trang Trường Sơn tháng 7 nghĩa tình

- Những ngày tháng 7 này, dòng người từ khắp mọi miền Tổ quốc lại tìm về Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Trường Sơn. Đoàn công tác Báo Tuyên Quang cùng hòa vào dòng người đến vùng đất thiêng, nơi yên nghỉ của hàng chục nghìn liệt sỹ đã chiến đấu và hy sinh trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại để tự tay thắp nén hương, nghiêng mình tưởng nhớ, tri ân...

Bóng hình quê hương nơi đại ngàn Trường Sơn

Dừng xe dưới chân đồi Bến Tắt, xã Vĩnh Tường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, chúng tôi cùng dòng người từ khắp các tỉnh thành cả nước nhẹ bước chân vào vào nơi an nghỉ của các chiến sỹ. Đó là những mộ phần được đặt lớp lớp thẳng hàng. Mỗi khu mộ đều có nhà tưởng niệm với kiến trúc phảng phất hình ảnh các vùng quê trên mọi miền đất nước.

Đoàn đại biểu Báo Tuyên Quang dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ các Anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn. Ảnh: Huy Hoàng.

Dẫu đã nghe nhiều về Nghĩa trang Trường Sơn nhưng đến đây mới thấy nơi này rộng lớn quá. Khi đứng trước vô vàn ngôi mộ liệt sĩ nằm cạnh nhau, trải dài trên đồi núi mênh mông, càng cảm nhận rõ hơn sự hy sinh lớn lao của các anh, các chị để giành lại độc lập cho dân tộc, thống nhất cho giang sơn. Hơn 10.000 người con trai, con gái từ khắp các miền quê Việt Nam, sau chiến tranh lại tụ họp nơi đây.

Trong hành trình đến dâng hương viếng các Anh hùng Liệt sỹ tại nghĩa trang Trường Sơn, Đoàn công tác Báo Tuyên Quang đã thành kính dâng lên anh linh các Anh hùng Liệt sỹ nhiều sản vật của xứ Tuyên và mang theo nước giếng khơi mát lành từ đất mẹ Tuyên Quang tưới lên các phần mộ tại khu mộ liệt sỹ của tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang. Trong hàng chục nghìn liệt sỹ đang yên nghỉ nơi này có 109 liệt sỹ là những người con quê hương Tuyên Quang và 45 liệt sỹ của tỉnh Hà Giang mãi mãi nằm lại nơi này.

Lãnh đạo, cán bộ, phóng viên Báo Tuyên Quang dâng hương tại khu mộ các Anh hùng liệt sỹ tỉnh Tuyên Quang tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn. Ảnh: Huy Hoàng.

Khu mộ các Liệt sỹ của tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Hà Giang trong khuôn viên Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn được nằm giữa vạt đồi, dưới những hàng thông vươn mình trong nắng gió Quảng Trị. Khu mộ liệt sỹ của 2 tỉnh năm nay đã được tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Hà Giang phối hợp với Ban Quản lý nghĩa trang Trường Sơn tu bổ, tôn tạo một số hạng mục. Điều đặc biệt trong quá trình tu bổ, vật liệu xây dựng gồm cát xây, nước đã được mang từ Tuyên Quang và Hà Giang vào để tôn tạo phần mộ các liệt sỹ.

Ấn tượng khi đến với khu mộ của 2 tỉnh là trên bia nơi làm lễ dâng hương hai bức phù điêu gắn với hình ảnh cây đa Tân Trào, mái đình Hồng Thái cùng cột cờ Lũng Cú uy nghi được đặt trang nghiêm trước khu mộ. Giữa đại ngàn Trường Sơn, những người con của quê hương Tuyên Quang và Hà Giang vẫn thấy quê hương thật gần với những hình ảnh thân thuộc hiện diện hàng ngày ở nơi đây. Hình ảnh của quê hương khiến không gian trở nên ấm áp hơn, như chở che, ôm ấp hương hồn các anh hùng liệt sỹ ở nơi xa quê.

Lãnh đạo, cán bộ, phóng viên Báo Tuyên Quang dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sỹ tỉnh Tuyên Quang tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn. Ảnh: Huy Hoàng.

Đây là công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bồi đắp truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, đạo lý “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc. Đồng thời thể hiện lòng biết ơn, sự tri ân sâu sắc của đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai tỉnh với các liệt sỹ đã chiến đấu, anh dũng hy sinh vì độc lập dân tộc.

Hành trình tri ân

Trong dòng người đến với Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Trường Sơn chúng tôi gặp những cựu chiến binh mái tóc đã điểm bạc đến thăm phần mộ đồng đội. Ông Phạm Minh Hồng cựu chiến binh Trường Sơn đứng nhìn thật lâu tấm bia mộ đồng đội của mình. Ông kể, trong những năm tháng ác liệt trên tuyến lửa Trường Sơn, ông và đồng đội kề vai sát cánh, ngày đêm thông đường đảm bảo cho những chuyến hàng chi viện vào miền Nam được thông suốt. Ngày đó, đường Trường Sơn bom cày đạn xới, khói lửa triền miên. Đi vào Trường Sơn là trao cả tuổi thanh xuân ở đó để trở thành những người con quyết tử vì non sông. Lá thư nào gửi về nhà cũng có thể là lá thư cuối cùng.

Các đồng chí lãnh đạo Báo Tuyên Quang và Báo Quảng Trị thỉnh chuông cầu nguyện cho các Anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn. Ảnh: Huy Hoàng.

Cựu chiến binh Trường Sơn Lê Trọng Cúc ở Thạch Hà, Hà Tĩnh cho biết: Năm nào vào dịp tháng 7 ông cũng đến thắp hương cho các đồng đội. Ông bảo, anh em, đồng đội của ông phần lớn nằm lại ở Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Trường Sơn. Nhưng cũng còn rất nhiều anh em còn nằm lại đâu đó, thân xác họ đã hóa vào cành cây, ngọn cỏ, con suối của núi rừng Trường Sơn. “Mỗi lần về thăm lại, đi qua những địa điểm quen thuộc trên đường Trường Sơn, thì thấy nhớ anh em, thương anh em, xúc động vì sự hy sinh của các anh em. Cầu nguyện cho các đồng đội được yên nghỉ, hứa với anh em rằng chúng tôi sẽ cố gắng tích cực để cho truyền thống bộ đội Trường Sơn mãi mãi đi cùng với lịch sử dân tộc”.

Cảm động nhất là hình ảnh thân nhân những liệt sỹ, có những bà mẹ già lưng đã còng phải dìu từng bước lên bậc thang, những người con lần đầu tiên được tới thăm “nhà” của cha mình. Chúng tôi gặp bà Mã Thị Tiển, ở Phục Hòa (Cao Bằng) đang ngồi trước phần mộ cha mình. Đôi mắt ngấn lệ, giọng run run kể rằng: Biết cha mình, liệt sỹ Mã Văn Mão nằm ở Nghĩa trang Trường Sơn đã lâu, nhưng do ở xa, điều kiện khó khăn nên năm nay, bà mới lần đầu tiên được thắp nén hương trên chính phần mộ cha mình. "Tôi là con gái duy nhất của liệt sỹ Mã Văn Mão. Lúc cha hi sinh, tôi chưa đầy 2 tuổi và chưa 1 lần gặp mặt cha" - bà Tiển xoa bàn tay gầy guộc lên mộ cha mình và lặng nhìn thật lâu bia mộ cha mình nghẹn ngào không nói thành lời.

Bà Mã Thị Tiển, ở Phục Hòa (Cao Bằng) lần đầu tiên được thắp hương lên mộ cha.

Khắp những khu mộ đều bặt gặp hình ảnh tri ân xúc động của từng dòng người đã được đến mảnh đất thiêng liêng này. Nghĩa trang Trường Sơn với gió rừng xao xác thổi trên những khóm cây, bụi cỏ, hàng đoàn khách viếng mộ kéo dài như vô tận trong thời điểm cả nước đang kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7). Đâu đó tiếng thuyết minh của hướng dẫn viên các đoàn vang vọng giữa khói hương trầm mặc.

Cái nắng gay gắt của mùa hè Quảng Trị đã dần dịu đi, trên con đường Hồ Chí Minh, những chuyến xe ra Bắc vào Nam vẫn nhộn nhịp. Chúng tôi trở về mà trong lòng vẫn liên tưởng đến con đường Trường Sơn một thời khói lửa. Con đường huyền thoại đã ghi dấu ấn của những con người huyền thoại, những con người bất tử trong lòng người dân đất Việt.

Người dân đến thắp hương tại các phần mộ Anh hùng Liệt sỹ chưa xác định được tên tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn. Ảnh: Huy Hoàng.

Ngọc Hưng

Tin cùng chuyên mục