Nhân lên những vùng xanh

- Ông Hoàng Văn Dũng ở tổ 1, phường Đội Cấn (TP Tuyên Quang) bám trụ với đồng ruộng để làm giàu bền vững. Ông bảo, nếu người nông dân thật sự có tâm huyết, quyết tâm và khai thác tốt lợi thế, chắc chắn sẽ “đổi đời”.

Nghĩ ngược lại và làm khác

Ông Dũng là người dễ trải lòng và thoải mái. Hễ ai đến nhà, ông vô tư kể hết mọi cách làm ăn mà không một chút đắn đo, nghi ngại. Ông bảo, chả giấu làm gì. Bởi, người làm kinh tế tốt phải là người mở đường mà đường càng đông người đi thì càng phát triển. Thế nên căn nhà của ông nằm sâu trong xóm, nhưng lúc nào cũng chộn rộn tiếng cười nói của khách gần xa và thương lái đến thu mua hoa quả.

Ông Hoàng Văn Dũng, tổ 1, phường Đội Cấn (TP Tuyên Quang) bên vườn cam của gia đình.

Sự quy mô, tính hiệu quả của trang trại trồng cây ăn quả cộng thêm tính xởi lởi của ông khiến tôi phải nhiều lần trở lại để được chuyện trò và khám phá. Lần nào cũng được chiêu đãi “cây nhà lá vườn” nhưng ấn tượng nhất là đặc sản bưởi Da xanh. Nhiều năm nay gia đình ông nổi tiếng là nơi cung cấp nhiều loại cây trái từ ổi, cam C36, cam V2, chanh tứ mùa, đến các loại bưởi gồm bưởi Diễn, Soi Hà, Cát Quế. Mọi người vẫn không khỏi nể phục khi những đồng ruộng dân làng bỏ hoang được ông thu gom và thuê lại 2,5 ha để làm trang trại trồng cây. Ông lý giải, đó là cách làm của ông, phải luôn nghĩ ngược lại, làm khác đi để có hướng mới, độc và lạ thì đầu ra sản phẩm sẽ thuận lợi hơn.

Dịp này đang vào mùa thu hoạch bưởi Da xanh, Soi Hà và cam C36 - giống cam chín sớm. “Nhìn vườn bưởi, cam của gia đình đang cho quả trĩu cành thì ít ai ngờ rằng, đồng đất nơi đây từng gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, nhưng nay đã có sự đổi thay mạnh mẽ”. Đây là lời chia sẻ đầu tiên trong niềm vui của ông Dũng khi được hỏi thăm về mô hình trồng cây ăn quả của gia đình. Ông bảo, giống bưởi Da xanh, Soi Hà khách rất chuộng nên không khó đầu ra, ông vừa bán được 100 triệu đồng từ bưởi và gần 70 triệu đồng từ cam.

Theo đồng chí Nguyễn Thị Quyên, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Đội Cấn, trước đây bà con xóm này cũng sống bằng nghề trồng ngô, lúa, tuy nhiên do đồng đất khô cằn, nguồn nước tưới được 1 vụ, còn lại phụ thuộc vào nước trời nên năng suất ngô, lúa không cao. Nhiều nhà canh tác không hiệu quả, cũng đành bỏ đất hoang. Nhờ bước ngoặt trong việc chuyển đổi cây trồng của ông Dũng mà thu nhập của gia đình ông được cải thiện, người dân trong xóm cũng từ đó làm theo.

Trang trại bạc tỷ

Ấn tượng đầu tiên khi gặp ông là thân hình vạm vỡ, khuôn mặt rám nắng, đôi bàn tay chai sạn. Ở tuổi 60, khi kinh tế gia đình đã khá giả, nhiều người đã an yên vui thú cùng con cháu, nhưng ông Dũng vẫn luôn tất bật với những “việc không tên” của nhà nông mỗi ngày.

Cán bộ Hội Nông dân phường Đội Cấn (TP Tuyên Quang) thăm trang trại trồng cây ăn quả của gia đình.

Dẫn chúng tôi đi thăm trang trại, ông mải miết kể, ngoài 2,5 ha đất ông thuê từ năm 2015 để trồng các loại bưởi, ổi và cam thì ông còn có 3 ha chanh tứ mùa. Trong khi nhiều người khác bỏ hoang đất vì lý do đất khô cằn, lại thiếu nước, sợ ném sức vào đó rồi lợi nhuận thu về không được bao nhiêu thì ông lại động viên vợ con hăng hái khai khẩn, cải tạo đất đai, phát cỏ trồng cây, khoan giếng chủ động nguồn nước... Nhớ lại những ngày ấy, cả gia đình ông ngày nào cũng đào đất, trồng cây từ tờ mờ sáng tới tối muộn mới nghỉ, mấy đứa con của ông lúc nào cũng cùng bố mẹ làm việc, mặt mày lấm lem mà lòng ông se lại. Nhưng ông vui vì chúng nó biết yêu lao động, con người chỉ hoàn thiện hơn trong lao động - ông khẳng định.

Gia đình ông linh động chuyển đổi và thực hiện sáng tạo các mô hình. Nào là thực hiện lấy ngắn nuôi dài, trồng xen canh, gối vụ, thấy cái gì mới, cái gì hay là áp dụng ngay. Khi các cây bưởi bén rễ xanh tốt, ông mạnh dạn đi đầu trong xóm trồng thêm cây ổi, chanh tứ mùa. Ông Dũng chọn 2 cây này là vì ông nhận thấy chanh là loại quả gia vị, từ bình dân đến tỷ phú đều dùng đến chanh, trái vụ giá chanh rất đắt. Ông chợt nghĩ, chanh được dùng quanh năm, nếu có chanh bán vào lúc trái vụ thì còn gì bằng. Chính vì vậy, ông đã chọn trồng cây chanh tứ mùa và dày công nghiên cứu kỹ thuật giúp chanh cho quả nhiều vào mùa trái vụ. Ông bảo, 3 ha chanh ông thu được 60 tấn quả, bình quân 15.000 đồng/kg, thu được 900 triệu đồng, trong đó chi phí chiếm 50%, còn lại là lãi. Còn giống ổi ông trồng là ổi lê, năng suất cao, quả to, ăn ngọt, giòn, lại rất ít hạt, thời gian cho thu hoạch nhanh. Năm nay, ông dự kiến thu được 30 tấn ổi, tính giá bình quân 10 nghìn đồng/kg, ông cũng có 300 triệu đồng.

Với ông, làm kinh tế cũng như xây nhà, phải chắc chắn, đặt từng viên gạch vững chãi thì mới kiên cố và bền được. Ông đích thân đi thực tế các mô hình trong và ngoài tỉnh để học hỏi, sau đó trồng thử nghiệm, cho ra kết quả tốt là bắt đầu nhân giống đại trà. Thế nên khi gặp thất bại thì thiệt hại không lớn, vẫn dư giả đồng vốn để xoay chuyển hướng mới.

Chính tư duy làm kinh tế chắc chắn và có nhãn quan nhìn nhận nông lâm nghiệp sắc bén, lão nông Hoàng Văn Dũng giờ đây đã sở hữu trang trại với quy mô 6 ha cây ăn quả. Mỗi năm thu được hơn 1 tỷ đồng. Ông tạo việc làm cho 4 lao động thường xuyên có thu nhập 5 - 6 triệu đồng/tháng. Vào vụ chăm sóc cây trồng hoặc thu hoạch, ông thuê thêm 10 lao động thời vụ, mỗi người được ông trả công 200 nghìn đồng/ngày.

Nơi đất khó đã có bàn tay lão nông Hoàng Văn Dũng gieo mầm, nảy hạt, nhân lên những vùng xanh... Sau nhiều năm gắn bó với ruộng đồng, lão nông Hoàng Văn Dũng nghiệm ra rằng: “Sinh ra trên đất quê, nếu không có sự gắn bó, buồn, vui cùng đất, thì đất đã chẳng yêu người mà cho cây trổ bông, kết mùa trái ngọt, nuôi kế sinh nhai. Đất không có bàn tay chăm bón của người, đất mãi bạc màu...”.

Phóng sự: Hải Hương

Tin cùng chuyên mục