Nhựa sống Phiêng Ten

- Năm 2023 sẽ tròn 40 năm người Mông hạ sơn từ Cao Bằng về thôn Phiêng Ten, Sinh Long (Na Hang). Từ thôn không đường, không điện chỉ có 5 nóc nhà chơi vơi giữa đất trời; cái đói, cái nghèo đeo bám mãi không thôi, Phiêng Ten giờ đã có đường bê tông dẫn vào thôn, có điện lưới quốc gia, từng đạt tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất xã. Góp phần vào thành quả ấy là những đảng viên nhiệt huyết của chi bộ. Họ được ví như “nhựa sống” lặng lẽ hun đúc tinh thần đoàn kết dân tộc, tận tụy biến đất cằn “nở hoa”.

Không chỉ vì mình...

Chúng tôi đến Phiêng Ten đúng ngày cả thôn tất bật vận chuyển cấu kiện kênh mương nội đồng. Vừa kiểm đếm cấu kiện, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Lầu Văn Sông tranh thủ trò chuyện: năm nay, thôn đăng ký làm 410 m kênh mương. Thôn phải mất 4 - 5 lần vận chuyển cấu kiện mới đến được tận chân công trình. Nhưng chẳng có gì làm khó được đồng bào Mông Phiêng Ten. Bà con luôn đoàn kết, đồng lòng nên việc khó mấy cũng thành công.

Tuyến đường vào khu sản xuất Tác Cống dài 290 m do nhân dân hiến đất, góp tiền hoàn thành đưa vào sử dụng trong tháng 8-2022.

Năm 2016, thôn bắt đầu triển khai lắp đặt kênh mương bằng cấu kiện kênh bê tông đúc sẵn. Thôn chỉ đăng ký 100 m nhưng loay hoay mãi không thể hoàn thành. Nguyên nhân do năng lực lãnh đạo của chi bộ còn hạn chế. Chi bộ chỉ đạo kênh mương đi qua diện tích sản xuất của hộ gia đình nào, các hộ đó tự vận chuyển, lắp đặt. 4 hộ hưởng lợi thì lúng túng, đảng viên và nhân dân thì bàng quan.

Từ hạn chế này, năm 2017, khi được giao đảm nhiệm chức danh Bí thư, anh Sông ngay lập tức đưa ra chỉ đạo rất quyết liệt: bất kể thực hiện chủ trương, chính sách nào, dù 1 hộ hay vài hộ hưởng lợi, 100% đảng viên, nhân dân phải tham gia. Đây là yếu tố quan trọng trong xây dựng khối đoàn kết nội bộ.

Chi bộ có 15 đảng viên. Chi ủy phát huy quan điểm lãnh đạo “lấy dân làm gốc”,  mọi chỉ đạo, điều hành đều gắn với lợi ích, quyền lợi của nhân dân. Từ đó, Chi bộ từng bước nâng cao năng lực lãnh đạo; “dân vận khéo” xây dựng hạ tầng hiệu quả.

Đồng bào sống ở rải rác trên từng quả đồi. Từ tuyến đường chính đến hộ dân và các khu sản xuất đa phần phải men theo đường bờ ruộng, phải đi bộ vài trăm mét đến cả cây số. Đến mùa thu hoạch vác bao ngô, bao phân trên vai đi bộ cả chặng đường dài khiến ai cũng chùn chân, mỏi gối.

Thôn có 3 khu sản xuất: Phiêng Khuyết, Lũng Mồ, Tác Cống. Nhận thấy rõ, nếu thôn mở mới tuyến đường vào khu Tác Cống chỉ dài 290 m thôi chắc chắn lợi đôi đường vì vừa phục vụ được dân sinh, vừa phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, diện tích chỉ đi qua đất sản xuất của vài hộ dân. Cán bộ chủ chốt của thôn và các đảng viên tích cực xuống từng hộ tuyên truyền, vận động, thuyết phục. Ban đầu, các hộ thờ ơ. Sau hiểu ra vai trò của tuyến đường, các hộ hiến 1.200 m2 đất sản xuất. Chi bộ vận động nhân dân tiếp tục đóng góp trên 130 triệu đồng để san lấp mặt bằng; kiên cố hóa tuyến đường.

Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Lầu Văn Sông (bên trái) tiêu biểu phát triển kinh tế của thôn Phiêng Ten.

Tháng 8-2022, tuyến đường huyết mạch đi vào sử dụng. Phiêng Ten như bừng lên sức sống mới. Nhiều hộ dân tự mở đường, làm đường bê tông về tận nhà nên không còn phải đi bộ như trước kia. Trong niềm hân hoan ấy, chẳng cần phải tuyên truyền, vận động, đồng bào Mông ở bên khu sản xuất Lũng Mồ tự nguyện hiến trên 1.200 m2 mở tuyến đường dài 400 m; tự góp gần 10 triệu đồng để làm mặt bằng.

Nhìn lại thành quả trên, mỗi đảng viên trong chi bộ thấm thía giá trị thực tiễn “việc gì có lợi cho dân hết sức làm”. Đó vừa là mục tiêu, động lực để Chi bộ Phiêng Ten nâng cao năng lực lãnh đạo, củng cố lòng tin của nhân dân vào tổ chức Đảng.

Hạt giống tốt ắt nảy mầm

Tận dụng lợi thế, bao thế hệ người Mông nơi đây vẫn  lấy con trâu, con bò là đầu cơ nghiệp và thoát nghèo. Mỗi năm, cả thôn duy trì đàn trâu bò trên dưới 180 con. Tính đến hết năm 2021, thôn chỉ còn 6 hộ nghèo, 9 hộ cận nghèo; tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất xã. Chủ tịch UBND xã Trần Đức Tuấn nhấn mạnh, thành quả ấy có sự nỗ lực, sáng tạo không ngừng nghỉ, trách nhiệm nêu gương của mỗi đảng viên trong phát triển kinh tế. 

Là cốt cán của thôn, anh Sông tích cực nêu gương làm kinh tế. Anh phát triển mô hình kinh tế chăn nuôi trâu bò nhốt, buôn bán trâu bò. Đầu năm 2021, anh vận động thêm 1 thanh niên cùng nhau góp vốn mua 1 ô tô, 1 máy xúc trị giá 500 triệu đồng để phục vụ xây dựng công trình gia dụng trong thôn, xã. Anh Sông là người đầu tiên trong thôn kinh doanh dịch vụ này. Năm 2021, sau khi trừ chi phí, mô hình chăn nuôi gia súc, dịch vụ của anh cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm.

Đảng viên và nhân dân thôn Phiêng Ten, xã Sinh Long vận chuyển cấu kiện kênh mương nội đồng.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Lầu Văn Hồng và vợ Sùng Thị Hà, Chi hội trưởng Phụ nữ thôn là những đảng viên hăng say phát triển kinh tế. Gia đình ông Hồng thường xuyên duy trì tổng đàn trâu trên 10 con; hăng hái đi tham quan nhiều mô hình trong và ngoài địa phương, tiên phong áp dụng mô hình chăn nuôi trâu thương phẩm, sinh sản nhốt. Đồng thời, tích cực vận động đảng viên, hội viên phụ nữ, nhân dân áp dụng. Hàng năm, sau khi trừ chi phí, mô hình chăn nuôi của gia đình ông Hồng đạt khoảng 150 triệu đồng/năm.

Đất rừng sản xuất của Phiêng Ten hạn chế, chỉ có 13 ha; nguồn nước tưới tiêu “eo hẹp” nên cây lúa là cây trồng thứ yếu nhường lại vị trí chủ lực cho cây ngô, cây cỏ voi. Khát vọng tìm ra cây trồng “mũi nhọn” có giá trị kinh tế cao, tạo sức bật cho thôn luôn là trăn trở của ông Hồng. Bao nhiêu năm qua, ông tự học hỏi, nghiên cứu, tiên phong trồng nhiều cây trồng mới. Tâm huyết ông dành hết cho cây gai xanh, cây cam nhưng cây trồng không hiệu quả. Ông lại mới trồng tre bát độ, đợi thu hoạch và đánh giá hiệu quả trong vòng những năm tới.

Đảng viên trẻ Lầu Văn Bằng là người năng động trong phát triển kinh tế. Hiện nay, anh đã xây dựng mô hình chăn nuôi trâu bò nhiều nhất thôn, kết hợp với bán hàng Online các sản phẩm dược liệu. Mỗi năm trừ chi phí, Bằng có thu nhập khoảng 100 triệu đồng. “Giờ là thời công nghệ 4.0 rồi, mạng xã hội là mảnh đất màu mỡ mà không kinh doanh thì thật lãng phí. Dẫu ở nơi xa, nơi khó giờ em vẫn có những khách hàng thân thiết ở những nơi xa xôi trong và ngoài tỉnh. Em có nguồn thu nhập ổn định, đây thực sự đáng quý với nơi “vùng lõm” như Phiêng Ten.

Học và noi theo ông Lầu Văn Hồng, Bằng mạnh dạn đầu tư cây gai xanh, cây cam. Dẫu chưa thành công nhưng Bằng luôn lạc quan “Đảng viên chúng tôi không sợ khó, ngại khổ. Cứ gieo hạt đi rồi cây sẽ nảy mầm. Tôi vẫn luôn tin rằng, đến 1 ngày nào đó, Phiêng Ten sẽ tìm được cây trồng đem lại giá trị cao, đồng bào Mông sẽ thoát nghèo bền vững”.

Rời Phiêng Ten, đọng mãi trong tôi là những đảng viên người Mông miệt mài với khát vọng, niềm tin biến vùng đất khó thành trù phú. Chúng tôi tin, mỗi đảng viên sẽ là một nguồn nhựa sống dồi dào, biến khát vọng ấy thành hiện thực bằng sức lao động bền bỉ, không mỏi mệt.

Phóng sự: Bích Hằng

Tin cùng chuyên mục