Tết đến sớm trên vùng biển đảo Tây Nam

- Những ngày cuối năm, khi tất bật đã gần như "chạm đỉnh" với nhiều người để cố gắng hoàn thành nốt những phần việc còn lại trong năm, chúng tôi cũng bước vào hành trình thăm, chúc Tết cán bộ chiến sĩ, nhân dân trên vùng đảo Tây Nam của Tổ quốc. Tết như đến sớm hơn với những người lính hải quân, khi cầu nối giữa đất liền và hải đảo được gần lại, tình quân - dân ấm áp và tràn đầy yêu thương.

Hành trình yêu thương

Con tàu 529, thuộc Hải đội 516, Vùng 5 Hải quân chở gần 150 người trong đoàn công tác cùng những lời nhắn nhủ từ đất liền ra đảo, nơi những người lính biển và người dân vẫn ngày đêm bám trụ canh giữ biên cương Tổ quốc. Sau khoảng 5 giờ di chuyển, đoàn công tác chúng tôi đến với đảo Hòn Đốc, một trong những hòn đảo xinh đẹp nằm trong quần đảo Hải Tặc, thuộc xã Tiên Hải, tỉnh Kiên Giang.

 Chiến sĩ trên đảo Hòn Đốc trang trí mai vàng đón Tết.

Do khu vực không có cảng nước sâu, vì thế muốn di chuyển lên đảo bắt buộc chúng tôi phải chuyển sang các tàu cá. Trạm Rada 625 thuộc Tiểu đoàn 551, Vùng 5 Hải quân đóng trên đồi cao, từ bến cảng chúng tôi phải đi bộ hơn 3km đường đồi núi vòng vèo mới lên tới điểm đóng quân trạm Rada 625. Theo các cán bộ, chiến sĩ trên đảo, do đóng quân ở vị trí cao nên việc đi lại gặp không ít khó khăn, mùa khô thiếu nước, mùa mưa bão con đường đồi càng trở nên trơn trượt và nguy hiểm... Thế nhưng vượt qua những khó khăn ấy, các anh vẫn chắc tay súng, vững tấm lòng bảo vệ biên giới trên biển của Tổ quốc.

Rời đảo Hòn Đốc, con tàu 529 tiếp tục lướt sóng giữa đại dương xanh thẳm chở đoàn công tác thẳng tiến đến đảo Nam Du, nơi có cán bộ, chiến sĩ Trạm Rada 600 Tiểu đoàn 551, Vùng 5 Hải quân cắm chốt. Quần đảo Nam Du thuộc xã An Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang bao gồm 21 đảo lớn, nhỏ. Ngoài lực lượng chiến sĩ tại Trạm Rada 600; Đồn Biên phòng 742 thuộc Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang và Trạm Hải đăng Nam Du, trên đảo còn có khoảng 900 hộ dân với hơn 4.000 nhân khẩu... Đặc biệt, Nam Du được thiên nhiên ban tặng cho vẻ đẹp quyến rũ, nhưng hoang sơ, bởi thế nhiều người ưu ái ví hòn đảo này như “Vịnh Hạ Long” giữa biển trời Tây Nam.

Đoàn công tác thăm, tặng quà chiến sĩ công tác tại đảo Hòn Đốc.

Tàu cập cảng Nam Du, sau khi đoàn công tác tiến hành nghi lễ dâng hương tưởng nhớ 500 ngư dân bị thiệt mạng trong cơn bão số 5 năm 1997 tại đài tưởng niệm sát bờ biển, đoàn tiếp tục hành trình lên Trạm Rada 600. Chúng tôi lựa chọn xe máy là phương tiện di chuyển bởi đường lên là những con đèo dốc hun hút. Để lên được cần phải có một tay lái và tâm lý vững vàng. Tại đây, đoàn đã tổ chức gói bánh chưng, lựa chọn những cành cây khô gắn hoa mai vàng bằng nhựa để trang trí mang mùa Xuân về đến nơi biển đảo xa xôi.

Rời đảo Nam Du đoàn công tác di chuyển đến đảo Hòn Chuối là một trong những đảo tiền tiêu quan trọng phía Tây Nam của Tổ quốc. Đảo Hòn Chuối có địa hình rất phức tạp, độ dốc cao, điều kiện khí hậu ở đây rất khắc nghiệt, mưa ít, nắng nhiều với hai mùa gió rõ rệt. Trên đảo có 1 tổ nhân dân tự quản với 68 hộ dân và hơn 200 nhân khẩu. Người dân trên đảo sinh sống chủ yếu bằng nghề nuôi cá lồng và đánh bắt thủy hải sản. Trên đảo có 3 đơn vị quân đội và dân sự đứng chân: Trạm Radar 615 thuộc Tiểu đoàn 551, Vùng 5 Hải quân; Đồn Biên phòng 704/Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau và Trạm Hải đăng Hòn Chuối thuộc Bộ Giao thông Vận tải.

Chiến sỹ tàu 529, Hải đội 516, Vùng 5 Hải quân vận chuyển quà lên tàu.

Trên đảo Hòn Chuối chưa có trạm y tế và hệ thống trường học quốc gia, để trẻ em trên đảo được học tập, tổ nhân dân tự quản đã phối hợp với Đồn Biên phòng 704 và Trạm Radar 615 mở một lớp học tình thương do Thiếu tá Trần Bình Phục, Đội phó Đội công tác vận động quần chúng Đồn Biên phòng Hòn Chuối đứng lớp. Thiếu tá Trần Bình Phục cho biết, hiện nay, lớp học tình thương với 21 học sinh từ lớp 1 đến lớp 7 đã được công nhận là một điểm trường trong hệ thống giáo dục của Thị trấn Sông Đốc.

Biển nổi gió, con tàu 529 vững vàng đưa đoàn công tác tiếp tục hải trình đến với đảo Hòn Khoai và đảo Thổ Chu. Để đi đến đảo Thổ Chu, kíp lái đã phải di chuyển cả đêm không neo nghỉ. Đảo Thổ Chu có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển kinh tế, xã hội và xây dựng thế trận quốc phòng - an ninh. Năm 1993, tỉnh Kiên Giang đưa 17 hộ dân đầu tiên ra đảo. Đến nay, xã đảo đã có hơn 541 hộ dân với hơn 1.869 nhân khẩu. Người dân trên đảo sinh sống chủ yếu bằng nghề nuôi trồng, khai thác thủy sản và dịch vụ du lịch.

Đoàn công tác tham gia gói bánh chưng cùng chiến sĩ trên đảo Nam Du.

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đảo Thổ Chu đang ngày càng đổi mới và phát triển với nhiều công trình an sinh, văn hóa, xã hội khang trang, kiên cố như: Hệ thống điện, trạm y tế, bưu điện, trường mầm non, trường cấp 1, 2; Đền thờ tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ Hải quân hy sinh trong công cuộc giải phóng đảo và hơn 500 đồng bào bị quân Khmer Đỏ sát hại… Từ đó, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trên đảo ngày càng được cải thiện.

Những ân tình để lại

Đoàn công tác các tỉnh, thành phố phía Nam, doanh nghiệp, phóng viên với gần 150 đại biểu đã đến thăm, chúc Tết quân và dân trên vùng đảo Tây Nam của Tổ quốc. Trải qua hải trình 4 ngày đêm, vượt gần 400 hải lý đã chở những thương yêu từ đất liền đến với vùng biển đảo Tây Nam của Tổ quốc.

Đoàn công tác đã thăm, tặng quà quân dân trên các đảo, tổ chức các hoạt động đón Tết cho chiến sĩ, cán bộ tham gia giữ gìn biển đảo của đất nước. Những phần quà được trao không chỉ mang ý nghĩa về vật chất mà còn mang ý nghĩa lớn lao về mặt tinh thần. Đại úy Đinh Quốc Chơn, Trạm trưởng trạm Rada 600 chia sẻ, năm nào cán bộ, chiến sĩ trạm cũng nhận được tình cảm yêu thương từ đất liền gửi gắm. Đây là động lực lớn lao động viên tinh thần các chiến sĩ thêm vững lòng, chắc tay súng, giữ gìn và bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng.

Chiến sỹ trên đảo Nam Du đọc Báo Tuyên Quang thư giãn cuối ngày.

Vượt qua những khó khăn về địa lý, thời tiết chuyến đi đã để lại những kỷ niệm đẹp trong lòng mỗi người tham gia. Lần đầu tiên được tham gia vào hải trình đến với tuyến đảo Tây Nam, bà Phạm Thị Thanh Thảo, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy Bến Tre xúc động chia sẻ: “Lần đầu đến với các đảo, tôi thực sự trân trọng và xúc động. Trân trọng với sự hy sinh, những khó khăn mà các cán bộ chiến sĩ đã trải qua. Với những món quà gửi đến nơi đảo xa không chỉ là vật chất mà còn có giá trị tinh thần rất lớn. Tỉnh Bến Tre gửi tấm chăn được các bà, các mẹ đan lại, thêu hình chữ S được làm trong 6 tháng. Đó chính là tình cảm được các bà, các mẹ gửi gắm tới các chiến sĩ với lời nhắn nhủ “giữ gìn sức khỏe, vững chắc tay súng nơi đầu sóng ngọn gió để bảo vệ vùng biển, bảo vệ quê hương đất nước”.

Đại tá Lục Đức Tiên, Phó Tư Lệnh Vùng 5 Hải quân, Trưởng đoàn công tác cho biết, hoạt động thăm, giao lưu tặng quà dịp cuối năm là hoạt động được tổ chức thường niên. Những hoạt động như này có ý nghĩa to lớn đối với cán bộ chiến sỹ Vùng 5 nói chung. Mang đến một không khí, một sắc thái xuân, một nguồn động viên cổ vũ khích lệ tinh thần cho quân và dân trên vùng biển phía Tây Nam của tổ quốc.

Báo Tuyên Quang có 2 phóng viên nữ tham gia cùng đoàn công tác thăm, tặng quà quân dân tại vùng biển đảo Tây Nam của Tổ quốc.

Xuân đã về với quân và dân trên các đảo Hòn Đốc, Nam Du, Hòn Khoai, Hòn Chuối, Thổ Chu. Chúng tôi biết, xuân này, rất nhiều cán bộ, chiến sĩ vì nhiệm vụ thiêng liêng của Tổ quốc không thể về quê đón Tết, sum vầy cùng gia đình. Thế nhưng, tình quân dân thắm thiết, đặc biệt là những tình cảm từ đất liền - hậu phương sẽ giúp những người lính hải quân kiên cường hơn, mạnh mẽ hơn để bám trụ lại giữa biển cả bao la, giữ gìn sự bình yên cho biển, cho Tổ quốc yêu thương.

Ghi chép: Thu Trang - Thu Hằng

Tin cùng chuyên mục