Vườn du lịch của nữ trưởng thôn

- Khu vườn xinh xắn rộng hơn 5 ha với cây ăn trái bốn mùa sum suê được chủ nhân cẩn thận bố trí tiểu cảnh một cách khá thẩm mỹ. Những con đường hoa chạy dài dẫn lối vào các vườn cây. Thú vị hơn là ao sen nhỏ xinh, chiếc cầu tre lắt lẻo bắc qua con suối nơi có những chiếc cọn ngày đêm bền bỉ guồng nước. Những chòi nhỏ đặt tại vườn thanh long, phật thủ, cam... để du khách ngắm nhìn thỏa thích. Đây là miệt vườn du lịch của trưởng thôn người Tày Hoàng Thị Ánh, thôn Làng Soi, xã Yên Phú (Hàm Yên).

Từ vườn mẫu lý tưởng

Buổi sáng nắng vừa chiếu qua khu vườn, Trưởng thôn Hoàng Thị Ánh vui vẻ dẫn tôi đi tham quan vườn thanh long đang trĩu quả. Những tán cây xanh mướt mọc ngay ngắn thành hàng, điểm xuyết những quả thanh long màu đỏ, căng mọng bắt mắt thu hút những người lần đầu ghé thăm. Đi trong vườn cây sai trĩu quả, chị Ánh nhớ lại hành trình làm vườn mẫu của gia đình.

Hơn một thập kỷ về trước, đất đồi nơi đây chủ yếu là trồng keo. Chị Ánh khi ấy được bầu làm Trưởng thôn Làng Soi, nhận thấy trách nhiệm của mình, nữ đảng viên đã tiên phong chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Chị là người đầu tiên đưa cây cam sành về với đất Làng Soi. Thế nhưng cây không bén duyên đất mới, vườn cam chị trồng sâu bệnh, quả sần sùi còi cọc khiến chị vấp phải cản trở khi gia đình không muốn tiếp tục kiên trì với giống cây mới này.

Không nản chí, nữ trưởng thôn quyết tâm học hỏi kỹ thuật. Trải qua nhiều thử nghiệm, chị tìm ra được công thức trộn các loại phân vô cơ, hữu cơ phù hợp thổ nhưỡng. Bên cạnh đó, chị chế tạo vòi xịt nước công suất lớn để tẩy rửa nấm trên thân cây. Cách làm này vừa tiết kiệm chi phí, hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Bao nhiêu kinh nghiệm, bí quyết riêng được chị đúc rút. Nhờ vậy mà vườn cam ngày một xanh tốt, ra hoa đậu quả. Đất đã không phụ công người. Cây cam đem lại thu nhập, nhiều hộ dân trong thôn đến học hỏi, phát triển kinh tế từ cam sành.

Tiểu cảnh trong miệt vườn của Trưởng thôn Làng Soi Hoàng Thị Ánh.

Chị Ánh trở thành người tiên phong khi tích cực thử nghiệm trồng nhiều giống cây mới. Nhiều người ví chị  như con ong thợ, ngày ngày chăm chỉ mày mò cách làm mới, hướng đi hay. Chị bảo, gần như cây trồng nào chị cũng đã từng thử nghiệm. Từ bưởi, thanh long, chanh, phật thủ, hoa thiên lý... Đất vườn rộng rãi, khi những cây ăn trái 3 - 4 năm tuổi, chị lại tận dụng yếu tố cộng sinh trong nông nghiệp, lấy bóng mát của những cây trồng này để trồng thêm những loại cây khác để có thêm thu nhập.

Đến nay, hơn 5 ha vườn đồi của gia đình đã được chị quy hoạch quy mô và khoa học. Vườn được chị phân khu thành 3 ha cam, 1 ha thanh long, 0,5 ha phật thủ còn lại là trồng 400 cây chanh tứ thì. Ngoài ra, chị còn chăn thả 1 ha ao cá. Mô hình mang lại thu nhập gần 300 triệu đồng/năm, trở thành vườn mẫu của xã, điểm tham quan học tập kinh nghiệm của nhiều nông dân trong và ngoài xã.

Đến miệt vườn du lịch

Chuyện nông dân làm du lịch giờ đã không còn quá xa lạ với các nhà vườn ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Thế nhưng ở Tuyên Quang, mô hình này còn khá mới mẻ và chưa nhiều nhưng dấu ấn lại khá hiện hữu.

Cũng giống như nhiều gia đình trong xã, từ bao năm nay chị Ánh cũng chỉ đơn thuần trồng cây và bán quả thôi. Trong thâm tâm chị luôn khát khao đổi mới và chị đã quyết tâm thực hiện. Chị Ánh kể, có lần tình cờ chị lướt facebook xem nông dân ở miền Nam làm miệt vườn, thu hút nhiều du khách đến tham quan. Ý tưởng đưa mô hình du lịch miệt vườn về Làng Soi cứ thôi thúc tâm trí nữ trưởng thôn suốt thời gian dài. Và thật may mắn, cuối năm 2020, UBND huyện Hàm Yên có chính sách động viên, khuyến khích nông dân trong xã làm du lịch. Chị Ánh tiên phong làm mô hình điểm của thôn với hơn 5 ha, cộng thêm những ý tưởng táo bạo, người phụ nữ này đã từng bước cải tạo vườn cây thô sơ trở thành điểm đến cho du khách gần xa.

Chị Hoàng Thị Ánh (thứ 2 từ phải qua) dẫn du khách trải nghiệm miệt vườn.

Du lịch là sự khác biệt, hiểu được điều đó trước hết chị Ánh đã quyết tâm làm cho khu vườn trở nên độc đáo bằng cách xây dựng những tiểu cảnh, sắp xếp khu vườn một cách bắt mắt, bài bản và có tính thẩm mỹ cao. Chị trồng hoa 2 bên lối đi trên con đường dẫn vào vườn cây, ao cá. Xung quanh những lùm cây là các giò hoa lan ẩn hiện xinh đẹp. Đặc biệt ngay giữa miệt vườn chị đầu tư trồng 4 sào ao sen. Để du khách có khoảng nghỉ và thêm điểm check-in, chị Ánh thuê người làm cầu tre nhỏ bắc qua con suối. Chị gói trọn cảnh quan, phong tục miền núi khi làm thêm hai chiếc cọn nước xinh xắn và một vài chiếc chòi nhỏ để du khách được thỏa sức với thiên nhiên.

Với sự kỳ công đó, miệt vườn của chị đã trở thành điểm đến khá hấp dẫn du khách. Trong đó có những du khách ngoại tỉnh. Chị Ánh chia sẻ, thời điểm này chị không bán vé mà để du khách thỏa sức khám phá, check-in. Chi phí đó chị coi như là để bù trừ vào quảng cáo miệt vườn còn nguồn thu từ bán trái cây và làm dịch vụ ăn uống phục vụ du khách. Chị bảo, nhiều du khách đến chụp ảnh rồi đăng lên mạng xã hội, người nọ người kia chia sẻ, miệt vườn của chị ngày càng được nhiều người biết đến. Từ đầu năm đến nay, miệt vườn du lịch thu hút hàng trăm lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm. Chị cảm thấy vui và hào hứng với cách làm này. Sắp tới chị dự kiến dựng thêm nhiều chòi, nhà sàn làm dịch vụ homestay, trồng thêm nhiều giống cây mới để phục vụ du khách.

Chị Nguyễn Thị Hậu, phường An Tường (TP Tuyên Quang) chia sẻ, chị biết miệt vườn ở Yên Phú qua mạng xã hội. Thời điểm nghỉ hè này, chị dẫn nhóm bạn và các con lên tham quan miệt vườn của chị Ánh. So với miệt vườn ở miền Tây thì cũng không khác gì cả. Chị và nhiều người bạn ở Hà Nội cảm thấy rất thú vị và thích thú với cảnh quan và cây trái ở đây.

Đồng chí Đỗ Thị Thu Hiền, Bí thư Đảng ủy xã Yên Phú cho biết, Trưởng thôn Làng Soi Hoàng Thị Ánh là người năng động sáng tạo, nhanh nhạy. Mô hình miệt vườn du lịch bước đầu đã có tín hiệu đáng mừng nhưng đây chắc chắn là hướng đi đúng để từng bước nhân rộng mô hình cho bà con. Hiện nay trong xã có 5 mô hình điểm, mỗi mô hình có nét đặc trưng riêng. Xã luôn mong muốn được quảng bá và thu hút nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Ghi chép: Giang Lam

Tin cùng chuyên mục