Xây dựng du lịch cộng đồng giàu bản sắc

- Tuyên Quang được đánh giá là tỉnh có tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch cộng đồng. Bởi các làng bản của đồng bào dân tộc thiểu số sống lâu đời, quần cư, cơ bản giữ được phong tục, tập quán của mình. Không gian nhà ở của người dân luôn hòa quyện vào phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ, lãng mạn của núi rừng, sông hồ. Mỗi bản làng của từng dân tộc đều có nét riêng khiến du khách tò mò, muốn khám phá, trải nghiệm.

Tiềm năng

Tỉnh lúc đầu chỉ có 3 làng văn hoá du lịch cộng đồng tiềm năng là: Làng văn hóa thôn Tân Lập, xã Tân Trào (Sơn Dương); Làng văn hóa Khâu Tràng, xã Hồng Thái (Na Hang); Làng văn hóa Nà Tông, xã Thượng Lâm  (Lâm Bình). Trong 3 làng văn hóa này có 2 làng dân tộc Tày, 1 làng dân tộc Dao tiền gắn với khu, điểm du lịch nổi bật của tỉnh. Như Làng văn hóa Tân Lập gắn với Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào; Làng văn hóa Khâu Tràng gắn với điểm du lịch 4 mùa ở Hồng Thái; Làng văn hóa Nà Tông gắn với bến thủy và vùng lòng hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình. Hàng năm lượng khách du lịch đến 3 làng này đều tăng nhanh, hứa hẹn nhiều triển vọng.

Đồng chí Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định, nhận thấy phát triển du lịch cộng đồng rất phù hợp với điều kiện của địa phương, trở thành một sản phẩm du lịch chủ lực, tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thành phố tiến hành khảo sát, quy hoạch thêm các làng văn hóa du lịch cộng đồng tiềm năng. Cụ thể huyện Na Hang ngoài làng văn hóa Khâu Tràng, xã Hồng Thái, huyện quy hoạch, xây dựng thêm làng văn hóa du lịch thôn Bản Bung, xã Thanh Tương; Nà Khá, xã Năng Khả.

Diện mạo làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Tân Lập, xã Tân Trào, Sơn Dương.

Huyện Lâm Bình quy hoạch phát triển thêm Làng văn hóa du lịch thôn Nặm Đíp, thị trấn Lăng Can; thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang; thôn Bản Biến, xã Phúc Sơn. Huyện Hàm Yên quy hoạch, xây dựng làng văn hóa du lịch thôn Pác Cáp, xã Phù Lưu; huyện Yên Sơn quy hoạch, phát triển làng văn hóa du lịch thôn Động Sơn, xã Chân Sơn; huyện Chiêm Hóa quy hoạch, phát triển làng văn hóa du lịch thôn Bản Ba, xã Trung Hà; thành phố Tuyên Quang có triển vọng phát triển làng Dùm, phường Nông Tiến…

Sau quá trình khảo sát, quy hoạch các làng văn hóa, các huyện, thành phố mới có cơ sở lập đề án cho phát triển du lịch cộng đồng theo từng giai đoạn, lồng ghép các nguồn lực cho phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là đường giao thông, nước sạch, điện lưới, viễn thông, internet. Công tác bảo tồn, phát huy kiến trúc nhà cửa, cảnh quan thiên nhiên, phong tục, tập quán truyền thống được tăng cường, chú trọng. Hằng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các huyện lựa chọn các hộ gia đình có đủ điều kiện làm du lịch homestay đi học hỏi, tập huấn trong và ngoài tỉnh. Để các hộ bước đầu có khái niệm, kỹ năng, kinh nghiệp làm du lịch cộng đồng một cách bài bản, chuyên nghiệp.

Giữ bản sắc, tránh biến tướng

Ông Ma Công Hùng, chủ homestay Thôm Chang, thôn Bản Ba 1, xã Trung Hà (Chiêm Hóa) cho biết, nhờ có những lớp tập huấn, tham quan do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức mà gia đình ông có kiến thức, tự tin làm du lịch homestay. Sau chuyến tham quan các mô hình làm homestay tại Quản Bạ (Hà Giang) ông Hùng tự nhủ, không cần đầu tư lớn, biết cách vận dụng, thì làm homestay không phải khó lắm. Cốt lõi của vấn đề là phải bảo tồn được bản sắc, nhân dân phải đồng lòng làm du lịch, hiếu khách. Chứ làm du lịch cộng đồng mỗi nhà một hướng thì khó thành công.

Hiện nay tỉnh có một số chính sách rõ ràng cho phát triển du lịch như Nghị quyết số 29-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; Nghị quyết 09/2021/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh; Dự án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

Thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang (Lâm Bình) xây dựng nghi lễ nhảy lửa thành sản phẩm du lịch cộng đồng giàu bản sắc của thôn.

Bám sát vào Nghị quyết và chủ trương lớn về du lịch của tỉnh, các huyện, thành phố cũng có nhiều chính sách cụ thể hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn, trong đó có du lịch cộng đồng. Như huyện Na Hang, Lâm Bình hàng năm bỏ ra hàng tỷ đồng hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ tối thiểu cho các hộ homestay; hỗ trợ cho các đội văn nghệ phục vụ du lịch tại các điểm du lịch cộng đồng; hỗ trợ cho Ban quản lý du lịch cộng đồng thôn; hỗ trợ mua sắm thiết bị thu gom rác thải, nhà vệ sinh công cộng tại các điểm du lịch cộng đồng…

Mới đây UBND tỉnh đã thành lập Đoàn công tác do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Việt Phương làm trưởng đoàn, thành viên là lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh đi khảo sát, kiểm tra việc quy hoạch, phát triển du lịch tại 6 huyện trên địa bàn tỉnh. Qua đợt khảo sát, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Việt Phương đánh giá các huyện có nhiều tiềm năng, thế mạnh cho phát triển du lịch cộng đồng. Hầu hết các huyện đều ưu tiên quy hoạch, phát triển du lịch cộng đồng có tiềm năng tại các xã, thị trấn. Bước đầu hình thành một số sản phẩm, dịch vụ du lịch đặc trưng địa phương, dân tộc.

Tại cuộc họp tổng kết chuyến khảo sát, đồng chí nhấn mạnh, các huyện, thành phố cần xây dựng du lịch cộng đồng giàu bản sắc, tránh việc lai căng, biến tướng. Cấp ủy, chính quyền địa phương, người dân cần đồng sức, đồng lòng vì một mục tiêu chung. Phó Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý giữ gìn kiến trúc nhà ở truyền thống, trang phục, ẩm thực, nhạc cụ, cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, các bài thuốc dân gian. Tỉnh và các huyện, thành phố đều quyết tâm xây dựng du lịch cộng đồng của địa phương phải giàu bản sắc, trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn du khách gần xa.

Bài, ảnh: Quang Hoà

Tin cùng chuyên mục