Chỗ dựa vững chắc cho F0 ở cơ sở

- Những câu hỏi dồn dập: “Bác sỹ ơi, hai đứa con nhà em bị F0 rồi”, “Bác sỹ ơi, em tiếp xúc với F0, giờ làm thế nào? Rồi điện thoại đổ chuông liên tục: “Bác sỹ ơi, em sốt cao, uống thuốc gì bây giờ”... Đó là những tình huống đến với đội ngũ y, bác sỹ, điều dưỡng ở các Trạm Y tế xã, phường cùng một lúc, thậm chí dồn họ vào tình thế bị “cuống”. Thế nhưng bằng bản lĩnh, kiến thức chuyên môn và tấm lòng tận tình với người bệnh, những y, bác sỹ, điều dưỡng ở các Trạm Y tế luôn bình tĩnh xử lý. Họ là chỗ dựa vững chắc cho các “F” và người nhà của F0 ở tuyến cơ sở.

Trạm là nhà

Bác sỹ chuyên khoa I Nguyễn Thị Hà, Trưởng Trạm Y tế xã Hoàng Khai (Yên Sơn) nhiều ngày nay không về nhà, ba bữa của chị chủ yếu là những bát mỳ tôm “không người lái”, hoặc có hôm cải thiện thì thêm quả trứng. Chị bảo: Những y, bác sỹ ở đây vừa phải lấy mẫu xét nghiệm vừa phải hướng dẫn F0, F1 làm hồ sơ cách ly, tư vấn, hỗ trợ điều trị cho các F0 tại nhà và tại Khu điều trị tập trung tại trạm. Khối lượng công việc lớn đòi hỏi các chị thường xuyên phải có mặt trực 24/24 giờ tại Trạm. Nói rồi, chiếc điện thoại bọc túi nilon của chị vang lên những hồi chuông không ngớt. “Có F0 ở nhà văn hóa đang cần, mình phải đi nhé”. Buông chiếc điện thoại, chưa kịp nói hết câu, chị mặc vội quần áo bảo hộ trắng toát, phóng chiếc xe máy đi giữa màn mưa nặng hạt về phía khu điều trị cách ly cho F0 tại nhà văn hóa thôn.

Bác sỹ chuyên khoa I Nguyễn Thị Hà, Trưởng Trạm Y tế xã Hoàng Khai (Yên Sơn)
tư vấn điều trị cho các F0 đang điều trị tại khu cách ly tập trung tại Trạm.

Cử nhân điều dưỡng Nguyễn Thị Sáu, Trưởng Trạm Y tế phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang) bước đi mệt mỏi nhưng mỗi khi có người dân đến hỏi về cách thức điều trị cho F0 hoặc có điện thoại F0, F1 hỏi tư vấn, chị Sáu vẫn giữ thái độ nhẹ nhàng, ân cần hướng dẫn. Chị Sáu chia sẻ, Trạm có 6 y, bác sỹ, điều dưỡng, trong đó 1 y sỹ đã tăng cường cho Trạm Y tế Phan Thiết, chỉ còn lại 5 cán bộ y, bác sỹ, điều dưỡng. Từ nhiều ngày nay, các chị không có thứ 7, chủ nhật. “Trạm là nhà. Chúng tôi có mặt ở Trạm từ tờ mờ sáng đến tận đêm khuya”. 

Coi trạm là nhà có lẽ là quãng thời gian vất vả nhất, áp lực nhất đối với những y, bác sỹ, điều dưỡng ở Trạm Y tế xã, phường nhưng cũng là quãng thời gian ý nghĩa nhất đối với họ. Bởi những việc mà các y, bác sỹ Trạm Y tế đã hy sinh thầm lặng đã đóng góp quan trọng nhằm đẩy lùi dịch bệnh.

Cử nhân điều dưỡng Nguyễn Thị Sáu, Trưởng Trạm Y tế phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang) hướng dẫn người nhà
của F0 hoàn thiện hồ sơ cách ly y tế.

Tuyến phòng ngự vững chắc

 Chứng kiến những gì các y, bác sỹ ở Trạm Y tế xã Thiện Kế (Sơn Dương) làm cho các bệnh nhân F0 mới thấy rõ, họ đã làm đúng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đó là xây dựng tuyến phòng ngự vững chắc ngay từ cơ sở. Chị Đ.T.V, thôn Văn Sòng, xã Thiện Kế cùng với con gái 9 tháng tuổi đều là F0. Ngay sau khi xét nghiệm dương tính với Covid-19, chị V. và con được đưa vào điều trị cách ly tập trung tại khu điều trị cách ly tập trung của Trạm Y tế xã. Chị kể: “Nếu không có các y, bác sỹ của trạm thường xuyên động viên, giúp đỡ tận tình, bản thân mình đã không vững tin để điều trị khỏi”. Khi vào khu cách ly tập trung, vì căng thẳng, lo sợ nên chị V. ít sữa hẳn đi. Thiếu sữa mẹ, con chị V. quấy khóc. Các y, bác sỹ ở Trạm vừa phải động viên chị ăn đủ chất dinh dưỡng vừa phải kê thêm các loại thuốc bổ để chị V. uống để tăng sức đề kháng. Đồng thời hàng ngày, các y, bác sỹ đều hướng dẫn chị giữ ấm cho bé và dỗ dành bé uống thuốc. Dần dần, chị V. có sữa nhiều hơn, con chị không còn quấy khóc. Đến ngày thứ 5, chị và con chị test đều cho kết quả âm tính lần 1 và đến ngày thứ 9 thì cho kết quả âm tính lần 2. Ngày chị và con chị được trở về nhà, chị V. nghẹn ngào, không nói thành lời.

Cán bộ y tế rà soát danh sách các trường hợp liên quan đến bệnh nhân mắc Covid-19 trên địa bàn xã Hùng Đức (Hàm Yên).
Ảnh: Minh Hoa.

Bác sỹ đa khoa Đỗ Văn Tuấn, Trưởng Trạm Y tế xã Thiện Kế cho biết: “Tuy F0 tính đến thời điểm ngày 21-2 là 272 ca nhưng số ca F0 khỏi bệnh cũng tăng. Dù vất vả nhưng chúng tôi quyết tâm cao và hết lòng giúp đỡ người bệnh, người nhà bệnh nhân. Vừa tư vấn, điều trị cho bệnh nhân, chúng tôi vừa quyết tâm làm thật tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn các F0, F1 cách ly, theo dõi tại nhà. Đến nay, trên địa bàn xã chưa có ca bệnh nào tiến triển nặng phải chuyển lên tuyến trên”.

Vừa về phòng riêng nghỉ ngơi sau một ngày làm việc căng thẳng bởi số ca F0 lên tới trên 100 ca, y sỹ Nguyễn Khánh Toàn, Trưởng Trạm Y tế xã Xuân Lập (Lâm Bình) nhận được cuộc gọi của người nhà cụ Triệu Thị Liều, 90 tuổi, thôn Lũng Giềng báo cụ Liều sốt cao, khó thở. Gần 11 giờ đêm, chẳng kịp suy nghĩ gì, anh Toàn liền cùng với nhân viên y tế thôn tức tốc đến nhà cụ Liều. Mở túi thuốc mang theo bên người, y sỹ Toàn cho cụ Liều uống thuốc hạ sốt, uống thêm Vitamin C rồi hướng dẫn cụ tập thở cho đến khi hơi thở của cụ Liều bắt đầu có nhịp độ nhẹ nhàng và đều đặn hơn.

Theo Trưởng Trạm Y tế Nguyễn Khánh Toàn, khó khăn nhất ở Xuân Lập đó là đường giao thông đi lại khó khăn, xa xôi, sóng điện thoại chập chờn cùng với trình độ dân trí của người dân không đồng đều, có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn, tư vấn điều trị cho các F0 gặp nhiều khó khăn so với các địa phương khác. “Khi Xuân Lập là vùng đỏ, chúng tôi động viên nhau phải là chỗ dựa vững chắc cho bà con để mọi người an tâm, không hoang mang, hoảng sợ” - Anh Toàn nói.

Với lực lượng mỏng nhưng công việc nhiều, khi số lượng các F0 tăng nhanh cùng với đó là trách nhiệm xây dựng tuyến phòng ngự vững chắc ngay từ cơ sở đòi hỏi đội ngũ các y, bác sỹ ở Trạm Y tế phải cố gắng gấp nhiều lần. Những cống hiến, hy sinh của đội ngũ y, bác sỹ ở Trạm Y tế đang góp phần quan trọng cùng với cả hệ thống chính trị đẩy lùi dịch bệnh, đem lại bình an cho người dân.

Phóng sự: Thủy Châu

Tin cùng chuyên mục