Chuẩn bị các điều kiện tốt nhất trồng rừng

- Năm 2024, toàn tỉnh có kế hoạch trồng 10.500 ha rừng. Ngay từ những ngày đầu năm, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chỉ đạo hạt kiểm lâm các huyện, thành phố, phối hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn, đôn đốc người dân xử lý thực bì, chuẩn bị cây giống, vật tư lâm nghiệp để triển khai trồng rừng trong khung thời vụ.

Chủ động nguồn cây giống

Hiện nay tỉnh có trên 140.700 ha rừng trồng gỗ nguyên liệu, mỗi năm, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn khai thác và trồng lại từ 8.000-10.000 ha rừng. Giống là yếu tố đầu tiên quyết định chất lượng rừng trồng, để đáp ứng nhu cầu cây giống trồng rừng trên địa bàn, nhiều đơn vị, hộ sản xuất giống cây lâm nghiệp cũng phát triển theo. Hiện trên địa bàn tỉnh có trên 40 đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp, trong đó có 1 đơn vị nghiên cứu, sản xuất cây giống chất lượng cao là Đại học Tân Trào.

Huyện Hàm Yên tổ chức Tết trồng cây năm 2024.

Trung tâm nghiên cứu và Thực nghiệm nguyên liệu giấy huyện Hàm Yên là một trong những đơn vị cung ứng cây giống lâm nghiệp chất lượng cao của tỉnh những năm qua. Ông Hà Thế Hoàng, Phó giám đốc Trung tâm cho biết: Mỗi năm đơn vị sản xuất trên 1 triệu cây keo lai mô. Hiện nay đơn vị dùng giá thể màu tự tiêu siêu nhẹ làm bầu cây giống, không phải bóc bầu khi trồng, giảm việc vỡ bầu, cây chết, chỉ trong vòng 25-40 ngày trồng bầu tự phân hủy. Keo lai mô có ưu điểm thân dẻo, kháng bệnh tốt, phù hợp với thổ nhưỡng của Tuyên Quang nên tỷ lệ chết ít.

Còn theo ông Dương Minh Tuấn, Trưởng phòng Kế hoạch - Kỹ Thuật, Công ty TNHH Lâm nghiệp Chiêm Hóa thì đơn vị đã thực hiện gieo ươm 900.000 cây keo, trong đó keo lai tượng 880.000 cây, keo lai giâm hom 20.000 cây, phục vụ trồng 500 ha rừng vụ xuân năm 2024 và cung cấp cho các hộ gia đình có nhu cầu trên địa bàn huyện. Giống keo hạt của Úc là chủ yếu. Vì qua thực tế trồng tại địa phương những năm qua, keo hạt Úc cây khỏe, lá to, ít bị sâu bệnh nhất. Hiện vườn ươm đang có nhiều lứa giống, theo tuổi để phục vụ trồng rừng từ nay đến tháng 5-2024. 

Năm 2024, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp trên địa bàn dự kiến sẽ sản xuất 30 triệu cây giống, trong đó có hơn 20 triệu cây phục vụ nhu cầu trồng rừng trên địa bàn tỉnh, số còn lại cung ứng cho người trồng rừng tại các tỉnh lân cận. Ngay sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn, nhiều hộ dân và doanh nghiệp trong tỉnh đã khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết như xử lý thực bì, vật tư phân bón, giống để bước vào vụ trồng rừng mới. 

Để đảm bảo công tác trồng rừng đạt kết quả, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn giám sát chặt chẽ nguồn gốc giống khi đưa vào gieo ươm; đưa giống mới, nâng cao tỷ lệ giống sản xuất từ công nghệ cấy mô, có năng suất cao. Đồng thời áp dụng khoa học kỹ thuật từ khâu làm đất, xác định mật độ trồng, bón phân, chăm sóc rừng để nâng cao hiệu quả rừng trồng. Chỉ đạo lực lượng kiểm lâm địa bàn xuống cơ sở kiểm tra, hướng dẫn các hộ cách trồng, chăm sóc cây rừng đúng quy trình kỹ thuật, chọn mua giống tại những cơ sở uy tín, được cấp phép.

Đảm bảo chất lượng rừng trồng

Trong công tác trồng rừng, Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn các cơ sở sản xuất tăng tỷ lệ sử dụng giống cây mô, hom, cây rừng bản địa, cây đa tác dụng, lâm sản ngoài gỗ, dược liệu kết hợp dưới tán rừng, ưu tiên ươm giống cây có năng suất, chất lượng cao phục vụ trồng rừng sản xuất quy mô lớn, trồng rừng gỗ lớn. Ngành Nông nghiệp đã tập trung hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện chăm sóc, quản lý, bảo vệ rừng. Đặc biệt, một trong những nhiệm vụ sẽ được tăng cường trong thời gian tới là tập trung phát triển dịch vụ môi trường rừng, quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí từ dịch vụ môi trường rừng. Quan tâm phát triển các hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí, khai thác lợi thế về tài nguyên thiên nhiên gắn với văn hóa, lịch sử và tri thức bản địa của cộng đồng địa phương.

Cán bộ Công ty TNHH Lâm nghiệp Chiêm Hóa kiểm tra cây giống phục vụ trồng rừng năm 2024.

Chiêm Hóa có kế hoạch trồng mới 1.700 ha năm 2024. Chuẩn bị cho niên vụ trồng rừng mới, thời gian này, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền người dân xử lý thực bì, chuẩn bị cây giống, nhân lực. Đồng chí Bùi Đức Thịnh, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Chiêm Hóa cho biết: Kinh nghiệm cho thấy, vụ xuân có mưa nhiều, đất ẩm, là thời điểm trồng rừng tốt nhất. Vì vậy, đơn vị chỉ đạo các vườn ươm trên địa bàn chủ động kế hoạch gieo ươm cây giống, đáp ứng nhu cầu trồng rừng vụ xuân của người dân, đồng thời phối hợp với các địa phương rà soát diện tích đất trống, xác định những diện tích rừng đến tuổi thu hoạch để khai thác và trồng lại.

Công tác trồng rừng được chính quyền, nhân dân xã Tân Mỹ quan tâm ngay từ cuối năm 2023. Đồng chí Quan Thị Như, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ khẳng định, mấy năm nay kinh tế rừng đã đem lại cho Tân Mỹ một bộ mặt nông thôn mới, các thôn đã có nhiều nhà xây mọc lên, người dân đã dần thoát khó khăn. Hiện xã có trên 5.000 ha rừng sản xuất, nhiều nhất huyện Chiêm Hóa. Trong đó 1.817 ha đã được cấp chứng chỉ FSC. Hiện UBND xã vẫn đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng cấp chứng chỉ FSC cho diện tích rừng đạt tiêu chuẩn. Phấn đấu khoảng 75% diện tích rừng của xã có chứng chỉ FSC. Vì thế việc trồng rừng được người dân quan tâm, nhất là khâu chọn giống, kỹ thuật trồng để đáp ứng được chất lượng theo chứng chỉ FSC.

Gia đình chị Ma Thị Đức, thôn Pắc Có, xã Tân Mỹ có 18,3 ha rừng trồng mới. Chị Đức cho biết, do diện tích rừng lớn, gia đình đã liên kết với một hộ nữa để trồng lại diện tích rừng vừa khai thác cho đỡ vất vả. Hơn một tháng trước, khi vừa có mưa, chị đã thuê người làm đất, cuốc hố để chuẩn bị trồng cây từ tháng 2 - 4.  

Cùng với sự chủ động của doanh nghiệp, người dân thì những cơ chế chính sách hỗ trợ của tỉnh đã giúp việc trồng rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp của người dân hiệu quả hơn. Đồng chí Triệu Đăng Khoa, Phó Chi Cục trưởng Cục kiểm lâm tỉnh cho biết: Nghị quyết 03 của HĐND tỉnh về hỗ trợ cây giống lâm nghiệp chất lượng cao trồng rừng sản xuất trong thời gian qua đã và đang thể hiện rõ những hiệu quả thiết thực. Năm 2024, cơ quan kiểm lâm đã phối hợp với các địa phương rà soát nhu cầu đăng ký hỗ trợ giống cây lâm nghiệp theo Nghị quyết 03 của HĐND tỉnh. Đến nay, các địa phương đã đăng ký 4.000 ha.

Để hoàn thành mục tiêu trên, tỉnh chỉ đạo tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền cơ sở, tổ chức, hộ gia đình, cộng đồng dân cư trong việc tổ chức triển khai thực hiện các nghị quyết, chương trình, đề án, dự án trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Bài, ảnh: Trang Tâm

Tin cùng chuyên mục